Ngày 22-4-1970, 20 triệu người Mỹ đã xuống đường tuần hành vì môi trường lành mạnh và bền vững. Và Ngày Trái đất đầu tiên năm 1970 đã tạo sự liên kết mạnh mẽ, lan tỏa đến hơn 141 quốc gia trên thế giới. Đến năm 2009, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tuyên bố ngày 22-4 hằng năm là Ngày quốc tế mẹ Trái đất. Chiến dịch đã lan tỏa ra toàn cầu.
Hành động ý nghĩa và trách nhiệm
Năm nay, với chủ đề Kiến thức về môi trường và khí hậu, chiến dịch nêu bật tầm quan trọng của giáo dục. Đó là nền tảng cho sự tiến bộ. Trên website hành động chính thức, ban tổ chức chiến dịch chia sẻ: “Chúng ta cần xây dựng một công dân toàn cầu thông thạo các khái niệm về thay đổi khí hậu. Đồng thời nhận thức được mối đe dọa chưa từng có trước đây đối với hành tinh. Chúng ta cần trao quyền cùng với việc truyền tải kiến thức đến mọi người để tạo cảm hứng cho hành động BVMT”.
Ảnh: ST
Đã có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy hoạt động của con người đang làm cho Trái đất trở nên nóng hơn với tốc độ đáng báo động. Xu hướng khí hậu cực đoan không chỉ xảy ra một cách vô ý mà đó có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng. Ngày Trái đất nói rằng bạn đừng nên tự hỏi liệu hậu quả đó có xảy ra hay không mà ngay bây giờ hãy đứng lên và hành động. Vì vậy chiến dịch khuyến khích mọi người hãy góp thêm tiếng nói vào các vấn đề về khí hậu.
Ở các quốc gia khác, rất nhiều người tham gia chiến dịch Ngày Trái đất đã hào hứng chia sẻ thành quả của mình: “Tôi đã bỏ hút thuốc như một hành động vì cuộc sống xanh. Có thể tôi đã hút hết 730.000 điếu thuốc lá và những đứa con tôi vô tình hít phải loại khí độc này”; “Tôi đã trồng 10 cây ăn trái cho người hàng xóm. Anh ấy rất thích cam”; “Tôi và gia đình đã quyết định không ăn thịt trong vòng một tháng. Chúng tôi sẽ cho bạn biết kết quả”; “Tôi ngừng sử dụng túi nylon”; “Tôi sẽ mua thực phẩm hữu cơ, không săn bắn, giết hại động vật hoang dã”…
Tạo nên sự thay đổi
Hưởng ứng Ngày Trái đất, bạn chắc chắn sẽ có nhiều ý tưởng thông minh để đóng góp cho môi trường xanh. Hãy dành thời gian quan tâm đến những sự kiện môi trường xảy ra tại quốc gia mình. Nếu bạn là nhà đầu tư, hãy chú ý đến các dự án có tính BVMT bền vững, bảo tồn tài nguyên, năng lượng sạch, ứng dụng năng lượng mặt trời… Bằng cách đó bạn đã khẳng định rằng khoản đầu tư của mình là đúng đắn, ý nghĩa, có trách nhiệm. Hoặc đơn giản trong đời sống hằng ngày bạn chỉ cần thay bóng đèn thông thường bằng bóng tiết kiệm điện, lái xe tiết kiệm nhiên liệu, ngừng sử dụng túi nylon, không xả rác… là đã có thể tạo nên sự thay đổi tích cực.
Mới đây, trong chuyến thăm Việt Nam, Đức pháp vương Gyalwang Drukpa bày tỏ: “Chúng ta cần tránh lạm dụng môi trường, lạm dụng tài nguyên thiên nhiên. Chúng ta sống dựa vào những yếu tố này. Chúng ta không thể sống nếu thiếu nước và nước phải sạch để chúng ta được khỏe mạnh. Không khí cũng vậy. Cây cối phải sinh trưởng để cho chúng ta có đủ ôxy, có đủ năng lượng để mạnh khỏe. Cây cối chắc chắn cung cấp cho chúng ta rất nhiều năng lượng. Mặt trời phải sưởi ấm để giúp chúng ta lớn lên, phát triển. Mọi thứ phải lành mạnh để chúng ta có thể khỏe mạnh… Bởi nếu chúng ta không chung tay, nếu chúng ta không làm việc theo nhóm trong nỗ lực BVMT thì một người như tôi không thể đơn độc làm được việc gì. Vì vậy tôi muốn nhắc nhở và đề nghị mọi người, đề nghị thế giới hãy quan tâm tới môi trường để chúng ta đều được sống trong một môi trường lành mạnh”.
Đoàn cơ sở Văn phòng UBND TP.HCM phối hợp với Đoàn Sở TN&MT TP.HCM, Đoàn Khu nông nghiệp công nghệ cao và Đoàn Khu công nghiệp Hiệp Phước cùng tham gia hoạt động trồng cây tăng cường mảng xanh tại Khu công nghiệp Hiệp Phước. Mục tiêu tạo ra khuôn viên rợp bóng cây xanh mát phục vụ người dân, công nhân lao động, nâng cao chất lượng môi trường sống. Sau khi trồng 50 cây che bóng mát, đoàn đã tham quan khu cảng bốc dỡ hàng hóa và Nhà máy xử lý nước thải của Khu công nghiệp Hiệp Phước. Chuyến đi đã giúp các thành viên thấy được sự phát triển của dự án, hướng tới chiến lược đưa TP tiến ra biển Đông. |