Hầu hết các hoạt động trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta đều tiêu thụ năng lượng, phát thải CO2 và các khí thải nhà kính khác. Cho dù bạn lái xe, sử dụng máy bay để di chuyển… thì lượng khí thải cũng bị đưa vào bầu khí quyển.
Trách nhiệm và hành động
Bầu không khí trên Trái đất thực hiện một số chức năng quan trọng, một trong số đó là duy trì khí hậu, bảo vệ đời sống con người. Theo thời gian, số lượng khí nhà kính chúng ta phát thải đã vượt quá khả năng hấp thụ một cách an toàn của khí quyển. Hành động này ảnh hưởng đến toàn bộ chức năng hành tinh quan trọng khác. Năm 2006, James Hansen, nhà khoa học khí hậu hàng đầu của NASA, nói rằng chúng ta có ít nhất một thập kỷ để đảo ngược về biến đổi khí hậu. Nếu chúng ta không hành động ngay bây giờ, nhiệt độ tăng sẽ biến đổi Trái đất, tạo ra một hành tinh khác. Các cuộc thảo luận gần đây giữa các nhà lãnh đạo thế giới tại hội nghị thượng đỉnh khí hậu toàn cầu đã nhận ra sự cần thiết phải giảm lượng khí thải toàn cầu. Theo đó, mọi người đều phải có trách nhiệm, phải hành động để làm sạch, duy trì hành tinh của chúng ta.
TP.HCM là đô thị đang phát triển nhanh chóng với số lượng cư dân ngày càng tăng. Theo thống kê từ Sở TN&MT TP.HCM, năm 2011 khối lượng rác thải TP thu gom ở mức 6.423 tấn/ngày. Đến năm 2015, con số này ở mức 7.543 tấn/ngày. Điều đáng nói là mặc dù chúng ta có hệ thống thu gom rác rộng khắp từ các con hẻm đến đường lớn nhưng rác vẫn tràn lan khắp nơi. Người người vẫn vô tư xả rác, hàng quán vẫn xả nước thải lênh láng ra đường… Và những đứa trẻ khi lớn lên sẽ tiếp tục làm theo những gì chúng đã thấy.
Hình thành nhân cách cho trẻ
Từ nhiều năm qua, Sở TN&MT TP.HCM tổ chức rất nhiều chương trình, hoạt động tuyên truyền cho người dân, đặc biệt là các em học sinh. Gần đây nhất là Ngày hội môi trường dành cho các bé mầm non (ảnh). Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, cho biết điều kiện tiên quyết góp phần nâng cao hiệu quả của công tác truyền thông bảo vệ môi trường chính là vai trò quan trọng của giáo dục. Điều đó góp phần vào quá trình hình thành những nét nhân cách ban đầu cho học sinh. Song song đó việc lồng ghép các chương trình giáo dục môi trường trong các trường mầm non, tiểu học và THCS cũng là hoạt động rất cần thiết. Ở lứa tuổi này, bên cạnh việc tiếp thu nhanh kiến thức, các em còn áp dụng các hành vi thân thiện với môi trường một cách tích cực và thường xuyên. Từ đó góp phần tạo nên những thói quen tốt trong suốt cuộc đời các em. Khi con em chúng ta được giáo dục những điều đúng, chúng sẽ hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, thế nào là dấu chân carbon, biến đổi khí hậu, phân loại rác tại nguồn… Từ đó, chúng sẽ nhận thức được rằng tại sao tái chế là chìa khóa để giảm lượng chất thải, tầm quan trọng của việc phát triển, sản xuất năng lượng tái tạo.
Là phụ huynh, bạn cũng nên nhớ rằng việc hình thành nhân cách cho trẻ dựa trên lòng tôn trọng, yêu thương của chúng với môi trường, thiên nhiên và những loài vật xung quanh. Sự tương tác, tiếp xúc giúp bổ sung kiến thức học tập và nâng cao chất lượng cuộc sống cho trẻ. Đó là nền tảng rất tốt bạn đang vun vén cho con mỗi ngày.
Thực hiện kế hoạch liên sở giữa Sở TN&MT TP.HCM và Sở GD&ĐT TP.HCM về phối hợp tổ chức các chương trình bảo vệ môi trường, Sở TN&MT TP.HCM tổ chức hội thảo Giáo dục và truyền thông môi trường trong trường học. Chương trình diễn ra ngày 22-9 với nhiều nội dung: Triển lãm các tài liệu giáo dục và truyền thông về bảo vệ môi trường; công tác truyền thông tại các trường học trên địa bàn TP; giới thiệu dự án Mizuiki - Em yêu nước sạch; chương trình giáo dục về động vật hoang dã của Tổ chức bảo vệ động vật hoang dã… Đặc biệt, hội thảo cũng trao giải cuộc thi sáng tác nhân vật biểu tượng hỗ trợ tuyên truyền về 3T (tiết giảm, tái sử dụng và tái chế chất thải) và phân loại chất thải cùng nhiều nội dung khác. |