Nằm ở hạ lưu của hệ thống sông Đồng Nai - Sài Gòn, TP.HCM có mạng lưới sông ngòi, kênh rạch phát triển. Đây cũng chính là nguồn cung cấp nước ngọt chính cho cư dân. Trong đó sông Sài Gòn dài khoảng 200 km và có 80 km chảy dọc trên địa phận TP.HCM. Ngoài trục sông chính, chúng ta còn có mạng lưới kênh rạch chằng chịt như rạch Láng Thé, Bàu Nông, Bến Cát, An Hạ, Tham Lương, Bến Nghé, Lò Gốm, Tàu Hủ…
Giải quyết cơ bản khu trung tâm
Thông tin từ Trung tâm điều hành Chương trình Chống ngập nước TP.HCM, tổng chiều dài cống thoát nước hiện nay là 2.042 km, trong đó có 1.140 km cống thoát nước cấp 2, 3. Hiện nay còn rất nhiều tuyến cống cũ chưa được cải tạo, nâng cấp. Nhiều tuyến sông, kênh, rạch chưa được cải tạo, nâng cấp nên bị thu hẹp dòng chảy, hạn chế khả năng thoát nước. Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác có thể kể đến như mưa lớn vượt tần suất thiết kế của hệ thống thoát nước; tiết diện cống nhỏ, thiếu đồng bộ, không đáp ứng đủ nhu cầu; ngập do triều, lún do khai thác nước ngầm…
Nhân viên Công ty Thoát nước đô thị đang thu gom rác, khơi thông dòng chảy tại chương trình do Sở TN&MT TP.HCM triển khai thực hiện. Ảnh: NGỌC CHÂU
Hiện nay TP.HCM đang triển khai chương trình đột phá giảm ngập nước nhằm tập trung giải quyết cơ bản khu vực trung tâm; kiểm soát, ngăn chặn không để phát sinh điểm ngập mới. Cụ thể như sau: Giai đoạn 2011-2015, giải quyết cơ bản tình trạng ngập nước do mưa và triều (xóa 90% các điểm ngập do mưa, xóa 90% các tuyến đường ngập do triều); phấn đấu xóa các điểm ngập do mưa hiện hữu; kéo giảm tình trạng ngập nước lưu vực Bắc Tàu Hủ và Tân Hóa - Lò Gốm, bao gồm các quận 6, 11, Tân Phú và một phần quận 5; không để tái diễn tình trạng ngập do thi công và khống chế tình trạng phát sinh điểm ngập mới. Các vùng thoát nước còn lại, giảm 70% điểm ngập nước do mưa, 50% các điểm ngập do triều hiện hữu… Giai đoạn 2015-2020, giải quyết căn bản tình trạng ngập nước do mưa và triều tại lưu vực trung tâm vào năm 2015; giải quyết cơ bản tình trạng ngập nước do mưa; mở rộng khu vực bảo vệ chống ngập ra ngoài phạm vi nghiên cứu quy hoạch tiêu thoát nước bao gồm khu vực Hóc Môn và Củ Chi. Giai đoạn 2020-2025, giải quyết triệt để tình trạng ngập nước do mưa trên năm lưu vực ngoại vi và phần diện tích còn lại của TP; mở rộng khu vực giải quyết cơ bản tình trạng ngập nước do lũ, triều…
Người dân hãy chung tay cùng TP
Từ lâu người ta luôn dùng hình ảnh những cơn mưa để biểu trưng cho sự lãng mạn, thanh thoát. Từng giọt mưa tí tách khiến lòng người trở nên xao xuyến, có chút gì đó nhớ nhung, bâng khuâng. Thế nhưng bây giờ những cơn mưa lớn đang dần trở thành nỗi ám ảnh của những người đang sinh sống và làm việc ở TP này. Chỉ cần trời kéo mây âm u là cư dân mạng xã hội lại “báo động tình trạng ngập lụt” đang diễn biến tại khu vực mình ở. Mục đích chỉ là giúp nhau tránh khỏi những con đường ngập nước. Ông MK (Gò Vấp) cho biết: “Tôi thấy nhiều người cứ kêu ca nước ngập này nọ nhưng chính bản thân chúng ta cũng góp phần tạo ra nó. Cứ tiện tay là xả rác bừa bãi ra đường, cuối cùng là trôi xuống các hố ga làm nghẹt cống; hay lấn chiếm kênh rạch gây ra tắc nghẽn đường chảy. Có người lại xem hố ga thoát nước như thùng rác vậy, nào là bao bịch nylon, hộp xốp, cái gì cũng vứt vào đó. Thế nên mỗi khi có cơn mưa lớn, dòng nước chảy bị chặn lại hoặc tiêu thoát rất chậm, dĩ nhiên đường phố lại biến thành sông”.
Song hành với chương trình giảm ngập, Sở TN&MT TP.HCM luôn nỗ lực trong việc đề ra những giải pháp môi trường, nâng cao ý thức người dân. Các hoạt động tuyên truyền đến cộng đồng được tổ chức xuyên suốt trong thời gian qua đã tạo nên tác động tích cực. TP.HCM đang vận động chuyển mình phát triển hơn nữa. Do vậy chúng ta cũng mong đợi rằng mỗi người dân luôn mang trong mình ý thức bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng TP ngày càng đẹp hơn.
NGỌC CHÂU