Bảo vệ môi trường là một trong những việc làm cần thiết để con người bảo vệ cuộc sống chính mình. Ảnh: NC
Biến đổi khí hậu (BĐKH) cũng được gọi là nóng lên toàn cầu, đề cập đến sự gia tăng nhiệt độ bề mặt trung bình trên trái đất. Một sự đồng thuận của các nhà khoa học nhận định rằng BĐKH chủ yếu do con người sử dụng các loại nhiên liệu hóa thạch. Trong đó có việc phát thải khí carbon dioxide và khí nhà kính vào không khí.
Ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu
Chúng ta đã nghe nhiều về tác động của BĐKH đối với hệ sinh thái như nước biển dâng, thời tiết khắc nghiệt, lũ lụt, hạn hán dễ bị cháy rừng, những trận mưa xối xả, những đợt nắng hè nóng như thiêu đốt, nguy cơ tuyệt chủng các loài động vật… Thế nhưng dường như còn nhiều người vẫn chưa ý thức được tác hại của nó. Nhiều ý kiến cho rằng hơn 150 năm qua, chúng ta đã thay đổi sự cân bằng của hành tinh bằng cách sống, sử dụng tài nguyên vượt quá khả năng đáp ứng của nó. Bằng lối sống thiếu tích cực, chúng ta đang hủy hoại môi trường sống của mình.
TP.HCM là đô thị đang phát triển mạnh mẽ. Đây cũng là địa phương nằm trong danh sách 10 TP của thế giới và năm TP của châu Á sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi BĐKH. Vì vậy năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó BĐKH. Trong đó mục tiêu tiên quyết là thành lập ban chỉ đạo thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ trọng yếu là xây dựng, triển khai kế hoạch trên địa bàn TP giai đoạn 2009-2015.
Trong vai trò là cơ quan thường trực ban chỉ đạo chương trình, Sở TN&MT TP.HCM mới đây đã tổng kết hoạt động ứng phó với BĐKH trên địa bàn TP giai đoạn 2009-2015.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, cho biết hội nghị là dịp để nhìn nhận, đánh giá khách quan, toàn diện về ban chỉ đạo trong thời gian qua, những gì đã làm được, chưa làm được, ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm… Trên cơ sở đó Sở đề xuất với TP, trung ương các giải pháp để tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng hiệu quả hoạt động trong giai đoạn tiếp theo.
Còn thiếu sót, hạn chế
Năm 2010, nhận được kinh phí hỗ trợ từ Bộ TN&MT, TP bắt tay vào xây dựng kế hoạch ứng phó BĐKH đến năm 2015. Đây được xem là chương trình đầu tiên của công tác ứng phó BĐKH. Với tổng kinh phí 2,4 tỉ đồng, số tiền này được phân bổ cho các sở ngành để xây dựng kế hoạch theo ngành quản lý. Đến năm 2013, kế hoạch được phê duyệt với nhiều mục tiêu cụ thể.
Ngoài chương trình tập huấn trong nước, nước ngoài, chương trình cũng chú trọng đến công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng như phát hành bản tin về BĐKH; tập huấn công cụ quy hoạch đầu tư hạ tầng và đánh giá mức độ tín nhiệm tài chính cho cán bộ; tổ chức hội thi, phát hành bộ tài liệu cơ bản về BĐKH… Song song đó là nhiều hoạt động hợp tác quốc tế như gia nhập tổ chức C40 – nhóm nhà lãnh đạo các TP lớn về vấn đề khí hậu; mạng lưới kết nối các TP châu thổ (CDC), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Liên minh không khí sạch và khí hậu… Đặc biệt, TP.HCM còn hợp tác sâu với TP Rotterdam (Hà Lan), Osaka (Nhật Bản) nhằm thực hiện Chương trình TP.HCM phát triển hướng về phía biển thích ứng với BĐKH, Quản lý tổng hợp chất thải bao gồm thu hồi năng lượng, Phát triển TP phát thải carbon thấp… cùng nhiều hoạt động khác.
Mặc dù ở giai đoạn 2009-2015, TP đã đạt nhiều thành tựu đáng kể, thế nhưng, theo Sở TN&MT TP.HCM, trong quá trình triển khai nhiệm vụ vẫn còn những hạn chế. BĐKH là lĩnh vực mới, tích hợp nhiều ngành khác nhau nên việc vận dụng còn nhiều lúng túng. Năng lực và nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu; khó đánh giá, tiên lượng về những thiệt hại do BĐKH gây ra đối với các mặt của đời sống kinh tế xã hội. Đồng thời, lĩnh vực này chúng ta còn thiếu những chính sách, quy định hướng dẫn thực hiện, thiếu cả những cơ chế hỗ trợ ứng phó ảnh hưởng của BĐKH. Kết quả việc triển khai kế hoạch hành động đạt được ở tỉ lệ còn khiêm tốn.
Trong khuôn khổ hội nghị, Sở đã tiếp thu rất nhiều ý kiến từ các chuyên gia từ việc phân tích sâu các nguyên nhân; hoàn thiện báo cáo; thống nhất, gỡ vướng mắc về vấn đề kinh phí, bổ sung vai trò của ngành có liên quan đến BĐKH…