Trước nay, chúng ta đã nói nhiều về tình trạng sử dụng túi nylon không hợp lý, dẫn tới hệ lụy ảnh hưởng đến môi trường. Trong vai trò là cơ quan đầu ngành về lĩnh vực tài nguyên và môi trường (TN&MT), Sở TN&MT TP.HCM luôn tích cực tổ chức nhiều chương trình, sự kiện nhằm tuyên truyền đến người dân, tăng cường nhận thức giảm sử dụng túi nylon.
Tiết kiệm để bảo vệ môi trường
Nhận thấy mặt tiêu cực của loại túi này, Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn 2050 do Chính phủ ban hành có nêu vấn đề hạn chế sử dụng túi nylon. Đồng thời, UBND TP.HCM đã có chỉ thị về tăng cường công tác quản lý sử dụng và thải bỏ túi nylon trên địa bàn TP. Theo đó, một trong những mục tiêu quan trọng là hướng tới giảm 40% lượng túi nylon tại siêu thị, trung tâm thương mại vào năm 2015.
Ngoài túi dệt, túi nylon tự phân hủy cũng là lựa chọn tốt nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ảnh: NGỌC CHÂU
Chị X., quận 12, chia sẻ: “Tôi có đi một số siêu thị và thấy người ta cho khách hàng sử dụng thùng giấy miễn phí để đựng hàng ở ngoài cửa, theo tôi cách này rất hay. Chúng tôi đựng hàng trong thùng giấy, mang về nhà có thể lại dùng để đựng những vật dụng khác, vừa tiện lợi, sạch sẽ, hạn chế được túi nylon và hiệu quả bảo vệ môi trường. Tôi thấy cách làm này hay nhưng không hiểu sao các siêu thị khác không áp dụng mà họ lại sử dụng bao nylon đựng đồ cho khách hàng”. Đây không chỉ là thắc mắc của riêng chị X. mà nhiều bạn đọc khác cũng có chung trăn trở này.
Khi nói đến túi thân thiện môi trường (TTMT), nhiều người thường nghĩ đó là túi sử dụng nhiều lần (túi dệt, túi cói…). Tuy nhiên, với túi nylon, hiện trên thị trường đang tồn tại hai loại, một là túi nylon khó phân hủy, hai là túi nylon tự phân hủy sinh học mà ta vẫn gọi là túi nylon TTMT. Ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, cho biết hiện trên địa bàn TP có hơn 80% các siêu thị lớn, trung tâm thương mại, nhà sách đang sử dụng các loại túi TTMT, góp phần lớn trong giảm thiểu ô nhiễm. Như vậy có nghĩa là một số siêu thị tận dụng thùng giấy thừa cho khách để hàng, một số khác lại mua túi nylon tự phân hủy từ những cơ sở sản xuất có chứng nhận của cơ quan nhà nước. Rõ ràng vấn đề ở đây là cách gọi tên dẫn đến sự lầm lẫn và làm sao để biết thế nào là túi nylon khó phân hủy và túi nylon TTMT.
Phân biệt túi nylon TTMT
Đối với túi tự phân hủy, túi sẽ có đẹp, trơn, bóng, mềm mịn, nhiều màu, mẫu mã in ấn đa dạng; an toàn môi trường; túi không có mùi hôi; dai, độ co giãn tốt; giá thành có thể cao hơn túi nylon 7%-10%; có khả năng phân hủy sinh học. Đặc biệt nếu để ý bạn có thể thấy logo in trên túi, chứng nhận sản phẩm TTMT. Túi nylon TTMT ngay khi sản xuất ra chúng đã bắt đầu tự phân hủy. Tuy nhiên, quá trình này diễn ra rất chậm, không ảnh hưởng đến chất lượng túi khi vận chuyển, sử dụng. Thông tin từ Sở TN&MT TP.HCM cho biết thời gian phân hủy sinh học của túi này có thể diễn ra chỉ trong khoảng 10 tuần, dưới điều kiện nhiệt độ 50oC, ánh sáng từ tia UVA và UVB. Trong khi đó túi nylon thường phải mất 500-1.000 năm để phân hủy.
Nhiều người cho rằng việc nhận biết giữa hai loại túi này khó khăn. Thực tế là họ vẫn sử dụng sai hay mặc định cho rằng tất cả túi nylon đều gây hại cho môi trường. Đây cũng là một trong những băn khoăn của nhiều đại biểu đến tham dự buổi tọa đàm Giảm sử dụng túi ni-lông: Khó khăn và giải pháp do Sở TN&MT TP.HCM tổ chức. Qua các nội dung trao đổi, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở, gợi ý rằng nên chăng các doanh nghiệp sản xuất túi nylon TTMT cần ngồi lại với nhau để đưa ra khó khăn, giải pháp để tháo gỡ, tìm được con đường đi cho mình. Qua đó tạo ra sợi dây liên kết chặt chẽ hơn nữa giữa các doanh nghiệp để mạnh mẽ chiến đấu với túi nylon khó phân hủy.
NGỌC CHÂU