Gia tăng nhận thức học sinh về bảo vệ môi trường

Các em học sinh tham gia vẽ tranh bảo vệ môi trường. Ảnh: N.CHÂU

Tại TP.HCM, việc giáo dục, hướng dẫn cho trẻ em, nhất là các em học sinh về ý thức gìn giữ, bảo vệ môi trường (BVMT) luôn là một trong những hoạt động trọng tâm. Vì vậy, trong vai trò là cơ quan đầu ngành, Sở TN&MT TP.HCM liên tục tổ chức nhiều hoạt động thiết thực dành riêng cho các em.  

Vừa học vừa chơi

Tại hội thảo Giáo dục và truyền thông về BVMT trong trường học do Sở TN&MT TP.HCM phối hợp cùng Sở GD&ĐT TP.HCM tổ chức, bà Ngô Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Quỹ BVMT TP.HCM, đã chia sẻ nhiều mô hình tuyên truyền diễn ra xuyên suốt trong những năm qua.

Một trong những hoạt động có sức ảnh hưởng rất lớn đến cộng đồng là Ngày hội tái chế. Được tổ chức hằng năm, từ năm 2008 đến nay, đây là sự kiện truyền thông rất quan trọng nhằm gia tăng mối quan tâm, nâng cao nhận thức người dân về các giải pháp 3T (tiết giảm, tái sử dụng, tái chế). Mỗi năm chương trình lại có những điểm mới, thu hút đông đảo người dân tham gia với nhiều hoạt động thú vị. Trong đó không thể thiếu các trò chơi, cuộc thi phù hợp với lứa tuổi học sinh như trao đổi đồ đã qua sử dụng tại góc Cũ người mới ta, trình diễn Giấy được tái chế như thế nào, góc 3T hướng dẫn sáng tạo các vật dụng từ phế thải, cuộc thi Sức sống mới từ phế thải...

Không chỉ thu hút các em đến với ngày hội, các hoạt động BVMT còn lan tỏa đến từng trường học thông qua hoạt động 3T trong trường học. Trải dần qua các năm, bắt đầu từ năm 2013 đến 2015, số lượng trường và học sinh tham gia ngày càng tăng, quy mô ngày càng rộng. Điều đó đòi hỏi vai trò đầu tàu rất quan trọng là ban giam hiệu nhà trường, ý thức tích cực của các em như tập huấn tuyên truyền viên nòng cốt, lắp đặt thùng rác, xây dựng tải liệu tuyên truyền về quy trình tái chế giấy, tái chế nhựa, phân loại chất thải rắn, sản xuất phim hoạt hình... Đặc biệt, với chương trình Tiết kiệm xanh,  không chỉ đóng góp chất thải có thể tái chế, các em còn có thể tích điểm và nhận quà. Với hình thức vừa học vừa chơi, so với năm 2014, số lượng vỏ chai nhựa, lon nhôm, vỏ hộp sữa... được thu gom tăng lên đáng kể trong năm 2015. Điều đó tạo động lực rất lớn cho những người thực hiện chương trình. Bởi lẽ ngoài số lượng rác thải thu gom, điều quan trọng hơn là gia tăng nhận thức về BVMT của các em ở cả trong và ngoài trường.

Sôi nổi và thiết thực

Bà Thanh cho biết thêm năm 2015, Sở TN&MT TP.HCM phối hợp cùng UBND quận Phú Nhuận đưa nội dung giáo dục môi trường lồng ghép vào chương trình giảng dạy cùng các hoạt động ngoại khóa tại 33 trường mẫu giáo, mầm non, tiểu học. Từ đó, hoạt động thi đua phong trào BVMT giữa các đơn vị trở nên sôi nổi, thiết thực, tạo tác động lớn hơn. Ban giám hiệu nhà trường đã ký giao ước thi đua thực hiện Chương trình truyền thông về BVMT; tổ chức hội thi vẽ tranh; tập huấn kỹ năng truyền thông cho 100 giáo viên, tổng phụ trách đội...; phát 26.000 tờ bướm, 300 đĩa phim, 2.500 bộ chỉ dẫn tiết kiệm điện, 500 bộ chỉ dẫn tiết kiệm nước, 500 bộ chỉ dẫn bỏ rác đúng nơi quy định... Với tiêu chí chấm điểm Trường học xanh - sạch - đẹp, 12 trường, 21 cá nhân đã đạt thành tích xuất sắc. Năm 2016, chương trình tiếp tục triển khai tại 48 trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn quận 3 với nhiều điểm mới như tham quan công trình xử lý chất thải của TP; thực hiện phân loại chất thải, tận dụng rác hữu cơ làm phân compost để bón cho vườn cây tại trường. Ngoài các hoạt động trên, chương trình Giảm sử dụng túi nylon, Ngày hội túi xanh, Nước sạch vì sức khỏe và vệ sinh học đường đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Điều đó cho thấy sự quan tâm, chú ý của cộng đồng ngày càng tăng, tính thiết thực của chương trình tác động mạnh mẽ đến ý thức của các em học sinh. 

Trẻ nhỏ thường được ví như những hạt mầm. Khi đâm chồi, chúng sẽ tiếp nhận cuộc sống tự nhiên xung quanh, vận động và phát triển theo môi trường ấy. Vì vậy, ngay từ bây giờ, nếu chúng ta xây dựng nền tảng tốt cho trẻ thì sau này chúng sẽ có cơ hội, điều kiện để phát triển mạnh mẽ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm