Ảnh: ST
Năm 1972, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã chọn ngày 5-6 là Ngày môi trường thế giới nhằm nâng cao nhận thức người dân trên toàn cầu cùng hành động để bảo vệ môi trường. Và đến nay, sự kiện đã trở thành một trong những hoạt động quan trọng với sức lan tỏa đến hơn 100 quốc gia.
Hãy đi và khám phá
Ngày môi trường thế giới là ngày dành cho mọi người, mọi nơi. Kể từ khi chương trình bắt đầu vào năm 1972, các công dân toàn cầu đã tổ chức hàng ngàn sự kiện, từ việc dọn sạch khu phố, tái trồng rừng, hành động chống lại hành vi trái phép về săn bắt, buôn bán trái phép động vật hoang dã.
“Connecting people to nature” (tạm dịch: Sống hài hòa với thiên nhiên) là chủ đề của ngày Môi trường thế giới năm 2017. Nội dung chú trọng đến việc nhắc nhở chúng ta hãy hòa mình vào thiên nhiên, cảm nhận vẻ đẹp và tầm quan trọng của nó.
Trên trang thông tin toàn cầu của Ngày môi trường thế giới đã có lời chia sẻ: Trong những thập kỷ gần đây, tiến bộ khoa học cũng như các vấn đề môi trường ngày càng gia tăng. Chẳng hạn như hiện tượng trái đất nóng lên, biến đổi khí hậu… giúp chúng ta nhận ra song song với việc phát triển, con người đang làm tổn hại đến thiên nhiên. Trong khi đó chính thiên nhiên lại hỗ trợ rất lớn, là nền tảng của sự tồn tại, thịnh vượng và hạnh phúc của loài người.
Bảo vệ thiên nhiên
TP.HCM mặc dù không sở hữu những dãy núi trùng điệp, rừng vàng biển bạc nhưng nơi đây quy tụ đông đảo cư dân đến sinh sống. Chính sự năng động, sáng tạo của thành phố (TP), từ chính quyền đến người dân đã tạo điều kiện cho sự phát triển không ngừng.
Theo thông tin từ Sở TN&MT TP.HCM, mỗi ngày TP thu gom khoảng 8.300 tấn chất thải rắn sinh hoạt. Tại khu vực nội thành, tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt đạt 100%. Trong đó tỷ lệ thu gom trực tiếp từ các hộ dân vào khoảng 95%, khoảng 5% còn lại các hộ gia đình để rác dọc theo bờ kênh, các thùng rác công cộng. Còn tại khu vực ngoại thành, tỷ lệ thu gom trực tiếp từ hộ dân vào khoảng 70-80%. Nơi đây còn nhiều đất trống như ao, vườn nên một bộ phận người dân tự xử lý rác trong khu đất nhà mình.
Để thu gom lượng rác ngày càng gia tăng, từ khi thành lập vào năm 2003 đến nay, Sở đã từng bước xây dựng, định hình, vận hành hệ thống kỹ thuật quản lý chất thải tương đối cơ bản, ổn định. Trong đó, công tác thu gom, vận chuyển rác đang từng bước đi vào nề nếp, tổ chức có hệ thống từ TP đến quận huyện. Thông qua chủ trương, chính sách, chiến lược phát triển, TP đã đảm bảo tiếp nhận, xử lý ổn định, an toàn khối lượng chất thải rắn phát sinh. Với hình thức xã hội hóa, nhà nước và tư nhân cùng tham gia đã tạo điều kiện cho việc tìm kiếm, áp dụng các công nghệ mới theo hướng tái chế, tái sử dụng. Đồng thời giảm khối lượng chất thải ra bãi chôn lấp nhằm sử dụng đất vào mục đích khác hiệu quả và có ích hơn. Năm 2017, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của TP là tập trung vào Kế hoạch triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn do UBND TP ban hành. Để thực hiện thành công, chương trình yêu cầu sự tham gia của các Sở, ban, ngành. Trong đó, vai trò, gánh nặng của Sở TN&MT TP.HCM là rất lớn nhằm đảm bảo triển khai kế hoạch đúng tiến độ.
Sự tôn trọng môi trường và ý thức cộng đồng luôn đi đôi với nhau. Môi trường lành mạnh sẽ thúc đẩy chất lượng sống tốt. Bởi vậy, không chỉ có cơ quan quản lý nhà nước làm nhiệm vụ của mình, sự chung tay, đồng lòng của người dân TP là rất quan trọng. Mục đích làm nên sự cộng hưởng lớn, tạo dựng môi trường sống trong lành hơn. Nhân Ngày môi trường thế giới năm nay, Sở TN&MT TP.HCM kêu gọi công dân tiếp tục cuộc bảo vệ môi trường. Với chủ đề Sống hài hòa với thiên nhiên, Sở mong muốn cư dân hãy suy nghĩ, cùng hành động để TP phát triển thịnh vượng trong môi trường sạch và xanh.