Ban hành dự thảo quy định phân loại chất thải

Trên đây là một phần nội dung của dự thảo Quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn TP.HCM do Sở TN&MT TP.HCM xây dựng. Sở TN&MT đã thu nhận ý kiến góp ý từ các sở, ban, ngành, UBND quận/huyện... nhằm hoàn thiện và trình UBND TP.HCM ban hành quy định này.

Dán nhãn nhận biết chất thải

Chi tiết bản dự thảo gồm bảy chương với nhiều đầu mục khác nhau. Trong đó, chất thải rắn sinh hoạt được chia thành các nhóm là nhóm hữu cơ dễ phân hủy (thức ăn thừa, lá cây, rau, củ, quả, xác động vật); nhóm có khả năng tái sử dụng, tái chế (giấy, nhựa, kim loại, cao su, nylon, thủy tinh)... Với chất thải rắn cồng kềnh, tần suất thu gom do UBND quận, huyện tổ chức thực hiện theo quy định. Những khu vực vùng sâu, vùng xa thuộc khu vực ngoại thành thì chưa tiến hành thực hiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.

Thùng chứa chất thải sẽ sử dụng màu sắc, nhãn dán để dễ nhận biết.

Trong bản dự thảo còn đề cập đến việc khuyến khích tổ chức phân loại chất thải rắn sinh hoạt như sau: Chất thải hữu cơ ủ làm phân bón cho cây trồng; chất thải có thể tái chế bán cho các cơ sở mua phế liệu; chất thải vô cơ không thể tái chế được chôn lấp hợp vệ sinh.

Chất thải rắn sinh hoạt sau khi phân loại phải được lưu chứa trong các bao bì mềm hoặc bao bì cứng (thùng chứa) phù hợp, đảm bảo vệ sinh môi trường, được buộc kín, có nắp đậy, không bị rò rỉ nước rỉ rác, không phát tán mùi khó chịu ra môi trường.

Sở TN&MT khuyến khích hộ gia đình tận dụng túi sẵn có màu trắng và màu xanh để chứa chất thải. Nếu chủ nguồn thải sử dụng túi khác màu thì không cần dán nhãn nhận biết trước khi chuyển cho đơn vị thu gom. Đối với thùng chứa chất thải, sử dụng các mẫu thùng rác chuyên dùng màu xanh, trắng để chứa chất thải hữu cơ dễ phân hủy, màu xám chứa chất thải còn lại. Các thùng này cũng sẽ được dán nhãn nhận biết. Việc dán nhãn do Sở TN&MT quy định, dự thảo cho biết.

Tại khu vực công cộng, UBND quận/huyện xác định vị trí để bố trí các thiết bị, thùng lưu chứa chất thải. Trên các đường phố chính, khu thương mại, công viên, quảng trường, điểm tập trung dân cư, đầu mối giao thông, khu vực công cộng khác phải bố trí các thiết bị, thùng lưu chứa chất thải phù hợp theo quy định.

Tăng cường trách nhiệm chủ nguồn thải

Ngoài việc tổ chức thu gom chất thải, dự thảo còn đề cập đến trách nhiệm của hộ gia đình, tổ chức, cá nhân phát sinh chất thải rắn sinh hoạt. Cụ thể, các hộ cần tập kết chất thải đúng nơi, không để vật nuôi gây mất vệ sinh công cộng, có trách nhiệm giữ gìn vệ sinh, tích cực tham gia các hoạt động vệ sinh môi trường khu phố, đường, hẻm... Giám sát, phản ánh lên chính quyền địa phương các trường hợp đơn vị thu gom rác sinh hoạt không thực hiện đúng thu gom riêng chất thải.

Bản dự thảo cũng quy định chi tiết đến các phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, chủ nguồn thải. Ngoài việc sử dụng màu sắc khác nhau, các phương tiện thu gom phải dán nhãn hoặc sơn chữ “Chất thải hữu cơ” hoặc “Chất thải còn lại”. Các phương tiện phải đáp ứng yêu cầu về an toàn kỹ thuật khi tham gia giao thông, đảm bảo vệ sinh môi trường, không rơi vãi chất thải, nước thải trong quá trình thu gom. Đơn vị thu gom chất thải rắn sinh hoạt có quyền từ chối thu gom chất thải nếu hộ gia đình, chủ nguồn thải không thực hiện đúng việc phân loại. Đồng thời có quyền yêu cầu chủ nguồn thải phải thực hiện lại việc phân loại mới tiến hành thu gom.

Ngoài ra, dự thảo cũng đề xuất việc kiểm tra, khen thưởng, xử lý vi phạm từ việc phân loại, thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đến lộ trình xử phạt hộ gia đình (nếu vi phạm). Hình thức xử phạt là nhắc nhở hoặc xử phạt hành chính theo các mức quy định. Chi tiết bản dự thảo được đăng tải đầy đủ tại website http://www.donre.hochiminhcity.gov.vn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm