Trong cuộc sống hằng ngày, con người đang phải đối mặt với nhiều rủi ro liên quan đến sức khỏe. Từ việc tham gia lưu thông trên đường đến các hoạt động vui chơi giải trí, chúng ta đều có thể bị ảnh hưởng do ô nhiễm không khí ở nhiều mức độ khác nhau.
Tác động lớn đến sức khỏe
Hoạt động đổi vỏ sữa lấy cây xanh tại chương trình do Sở TN&MT TP.HCM tổ chức. Ảnh: MT
Theo báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2011-2015 của Bộ TN&MT, ô nhiễm không khí ở thành phố có những ảnh hưởng rất lớn đối với đường hô hấp. Khí thải của các loại xe sản sinh chất gây hại cho phổi. Bên cạnh đó, bụi mịn trong không khí cũng là tác nhân gây bệnh ung thư phổi. Nguy hiểm nhất là loại bụi PM2.5 với kích thước rất nhỏ sẽ thâm nhập sâu hơn vào trong phổi. Ngoài ra, ô nhiễm không khí còn gây ra các triệu chứng chóng mặt, đau đầu, các vấn đề tim mạch, rối loạn hành vi. Các nhóm cộng đồng nhạy cảm nhất với sự ô nhiễm không khí là những người cao tuổi, phụ nữ mang thai, trẻ em dưới 15 tuổi, người đang mang bệnh thường xuyên phải làm việc ngoài trời… Mức độ ảnh hưởng đối với từng người tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, nồng độ, loại chất ô nhiễm và thời gian tiếp xúc với môi trường ô nhiễm. Những năm gần đây bệnh hô hấp ngày càng phổ biến với tỉ lệ mắc bệnh cao. Nguyên nhân phần lớn là do tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng.
Không chỉ ô nhiễm ngoài trời, nhiều thông tin cho thấy ô nhiễm không khí trong nhà cũng nghiêm trọng không kém. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 4,3 triệu người tử vong do ô nhiễm không khí trong nhà. Và khoảng 3 tỉ người đang nấu nướng, sưởi ấm nhà cửa bằng các nhiên liệu rắn như gỗ, than củi, than đá… bằng các vật dụng không được che chắn. Việc này vô tình tạo ra nguồn ô nhiễm không khí, trong đó bao gồm một loạt các chất gây hại cho sức khỏe như các hạt bụi mịn và carbon monoxide.
Giảm ô nhiễm không khí
Để giảm ô nhiễm trong nhà, bạn có thể can thiệp một loạt các biện pháp sau:
Dùng nhiên liệu thay thế: Bạn có thể chuyển đổi từ nhiên liệu rắn như than đá sang nguyên liệu sạch hơn như khí hóa lỏng, biogas, năng lượng mặt trời… Bếp lò, khu vực nấu nướng cần được thiết kế, lắp đặt đúng cách nhằm giảm khói bụi, giảm mức phát thải, giúp cải thiện thời gian nấu nhanh hơn.
Giữ cho sàn nhà sạch sẽ: Hóa chất và chất gây dị ứng có thể tích tụ trong nhà. Bằng cách sử dụng các loại máy hút cùng bộ lọc, bạn có thể làm giảm nồng độ chì cũng như độc tố khác như hóa chất, các chất gây dị ứng như phấn hoa, vật nuôi, rệp, bụi… Đồng thời bạn nên kiểm soát tốt độ ẩm trong nhà, nhất là mùa mưa, vì thời tiết ẩm ướt là điều kiện tốt để nấm mốc phát triển.
Nếu gia đình bạn có người hút thuốc, hãy đảm bảo hạn chế việc hút thuốc thụ động. Khói thuốc lá chứa hơn 4.000 hóa chất, nghiên cứu cho thấy khói thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm tai, hô hấp, hen suyễn, ung thư và hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh.
Radon: Đây là một loại khí có tính phóng xạ tự nhiên, sinh ra từ sự phân rã phóng xạ của Uran. Radon có mặt ở khắp mọi nơi, thậm chí trong nhà. Đặc biệt, loại khí không màu, không mùi này làm tăng đáng kể nguy cơ ung thư phổi. Nếu bạn hút thuốc kết hợp với tỉ lệ radon cao, nguy cơ ung thư phổi sẽ cao.
Các loại hương thơm: Chúng thường có mặt trong các sản phẩm giặt, chất tẩy rửa, xịt côn trùng, chất khử mùi, thuốc xịt tóc, đánh bóng đồ gỗ, nước làm mát không khí… Thay vì sử dụng hóa chất, bạn hãy tận dụng nguyên liệu từ thiên nhiên như chanh, xả, vỏ cam, bưởi… để làm sạch và cải thiện không khí. Bạn hãy sử dụng hóa chất khi thực sự cần và giữ chai lọ tránh xa tầm với của trẻ em.
Sống hài hòa với thiên nhiên là một trong những cách làm thực sự hiệu quả, không chỉ thư giãn mà còn giúp bạn lọc bớt ô nhiễm trong không khí. Vì vậy, trồng cây là một trong những việc chúng ta có thể áp dụng như cây thường xuân, lan ý, trúc mây, dương xỉ Mỹ, lưỡi hổ, trầu bà, hồng phát tài, dây nhện, lô hội…