Ngày 25-12, ông Nguyễn Văn Lèo, Giám đốc Công ty CP Vận tải TP.HCM (Citranco), cho biết tới đây công ty sẽ chính thức ngưng tuyến xe buýt 54 (Bến xe Miền Đông - Bến xe Chợ Lớn).
Ngưng tuyến xe buýt 54
Về nguyên nhân, theo ông Lèo, Citranco đã phát đi thông báo về việc xác định kinh phí trợ giá cho tuyến xe buýt này chậm trễ, không đủ bù đắp chi phí và xin chuyển qua chạy không trợ giá... Tuy nhiên, đã hai tuần qua Citranco vẫn chưa được Sở GTVT, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM (trung tâm) trả lời.
Theo ông Lèo, tuyến 54 được Citranco tiếp nhận từ HTX Đông Nam ngưng chạy từ tháng 7-2017. Từ đó đến nay, Sở GTVT TP và trung tâm vẫn áp dụng mức trợ giá thấp hơn năm 2017. “Việc xác định mức trợ giá thấp và chậm trễ làm cho Citranco bị thua lỗ hơn 5,6 tỉ đồng nếu tiếp tục hoạt động hết năm 2018. Vì vậy Citranco sẽ ngưng chạy tuyến này theo phương thức có trợ giá hoặc chuyển qua chạy không cần trợ giá” - ông Lèo nói.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Chí Trung, Giám đốc trung tâm, cho biết đang nghiên cứu đề xuất lên Sở GTVT hai phương án: xem xét điều chỉnh mức trợ giá cho tuyến 54 hoặc chuyển qua chạy không trợ giá nhưng giá vé phải phù hợp. “Tuyến 54 chủ yếu là người nghèo đi đến các bệnh viện, trường học, giữa các bến xe nên giá vé do doanh nghiệp đưa ra phải phù hợp” - ông Trung nói.
Xe buýt tuyến 54 chạy từ Bến xe Chợ Lớn đi Bến xe Miền Đông. Ảnh: L.ĐỨC
Tới giờ chạy nhưng trên xe tuyến 54 chỉ lèo tèo vài khách.
Theo giới chuyên hoạt động xe buýt, nếu chuyển tuyến trợ giá qua không trợ giá thì TP không thể kiểm soát được hoạt động của xe buýt về các mặt xã hội, giao thông đô thị và sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào doanh nghiệp.
“Doanh nghiệp chạy có ăn thì duy trì, không thì họ bỏ. Vậy mục tiêu dùng xe buýt để phát triển vận tải hành khách công cộng, hạn chế chạy xe cá nhân, kéo giảm ùn tắc của TP hoàn toàn bị phá sản” - một doanh nghiệp xe buýt cho biết.
Sáng 25-12, Sở GTVT đưa ra số lượng khách đi các loại phương tiện vận tải hành khách công cộng. Theo đó, đến hết tháng 12-2018 chỉ đạt 571 triệu, giảm 3,6% so với năm 2017.
Theo Sở GTVT, nguyên do là xe cũ, định mức chạy xe chưa phù hợp, số tuyến xe giảm, doanh nghiệp - HTX quản lý kém và bị các loại xe ôm công nghệ cạnh tranh...
Theo các chuyên gia xe buýt, số khách đi xe buýt giảm và các lý do khó được khắc phục trong thời gian ngắn sẽ dẫn đến nguy cơ “vỡ trận” hoạt động xe buýt trong năm 2019.
Đã ngưng bảy tuyến xe buýt Ngày 14-12, Sở GTVT thông báo tạm ngưng tuyến buýt số 95 (Bến xe Miền Đông - KCN Tân Bình). Ngày 21-9, Sở GTVT quyết định tạm dừng hai tuyến buýt số 37 (cảng quận 4 - Nhơn Đức) và 60 (Bến xe An Sương - KCN Lê Minh Xuân). Hồi tháng 8, trung tâm cho tạm ngưng hai tuyến xe buýt số 40 (Bến xe Miền Đông - Bến xe Ngã tư Ga) và 149 (Công viên 23-9 - Tân Phú - Bến xe An Sương). Trước đó, ngày 20-6, tuyến buýt số 49 (sân bay Tân Sơn Nhất - quận 1) nhận quyết định ngưng khai thác. Đầu năm 2018, tuyến buýt số 12 (Bến Thành - thác Giang Điền) cũng đã ngưng hoạt động. |