Sỏi thận là gì?
Sỏi thận hay sạn thận là một hiện tượng chất khoáng trong nước tiểu lắng đọng lại ở thận, lâu ngày kết lại tạo thành sỏi.
Nếu sỏi thận nhỏ, có thể tự đẩy ra ngoài theo đường tiểu. Nhưng nếu sỏi lớn, viên sỏi di chuyển cọ xát vào đường niệu có thể gây ra những cơn đau lưng, tiểu ra máu hoặc sỏi bị kẹt trong cuống đài thận gây tắc nghẽn, ứ đọng nước tiểu, gây viêm nhiễm, suy thận…
Có mấy loại sỏi thận?
Có bốn loại sỏi thận được hình thành bởi nguyên nhân khác nhau:
Sỏi canxi: Là loại sỏi thường gặp nhất, chiếm khoảng 80% các trường hợp mắc bệnh. Sỏi canxi cứng, có nhiều hình dạng, kích thước, mật độ khác nhau.
Nguyên nhân thứ nhất hình thành sỏi canxi là tình trạng nước tiểu quá bão hòa về muối canxi do tăng hấp thu canxi ở ruột hoặc tăng tái hấp thu canxi ở ống thận. Bình thường thận đào thải khoảng 300 mg canxi qua nước tiểu một ngày, trong trường hợp nước tiểu bị quá bão hòa về muối canxi, lượng canxi đào thải qua nước tiểu có thể tăng lên 800-1.000 mg trong 24 giờ với chế độ ăn bình thường.
(Hình minh họa)
Một nguyên nhân nữa là do giảm citrat niệu. Citrat niệu có tác dụng ức chế kết tinh các muối canxi. Khi có toan máu, nhiễm khuẩn tiết niệu, hạ Kmáu thì thường citrat niệu giảm. Khi thiếu citrat nước tiểu sẽ bão hòa muối canxi tạo điều kiện kết tinh sỏi.
Nguyên nhân thứ ba là nước tiểu quá bão hòa về oxalat. Thức ăn chứa nhiều oxalat hoặc trong trường hợp ngộ độc vitamin C sẽ dẫn đến tình trạng này. Ngoài ra, những người bị viêm ruột, cắt một phần ruột non, người có rối loạn chuyển hóa.... cũng hay bị sỏi thận.
Những loại rau có hàm lượng oxalat cao bao gồm: cần tây, tỏi tây, củ cải, rau cải, khoai lang, đậu xanh, đậu nành, bí, ớt, cà tím, măng tây, đào lộn hột, rau diếp, nho, mận (miền Bắc) và trà...
Sỏi struvit hay sỏi nhiễm trùng: Chiếm khoảng 10% các loại sỏi thận. Sỏi xuất hiện do nhiễm khuẩn lâu dài đường tiết niệu, vi khuẩn giải phóng chất khiến giảm hòa tan struvit, tạo điều kiện hình thành sỏi. Trong trường hợp này, việc dùng kháng sinh được xem là một bước bắt buộc, không thể thiếu trong quá trình điều trị.
Sỏi acid uric: Thường gặp ở những người có nồng độ acid uric cao, chiếm khoảng 10% các trường hợp sỏi thận. Sỏi acid uric không cứng và cũng không dễ phát hiện bằng tia X như sỏi canxi.
Thức ăn quá mặn, quá nhiều đạm cũng là một trong những nguyên nhân gây sỏi thận. Hình minh họa
Nguyên nhân xuất hiện sỏi acid uric là do nước tiểu quá bão hòa acid uric tạo điều kiện gây sỏi urat và thường có tăng acid uric niệu đi kèm. Sỏi acid uric gặp trong tăng acid uric máu, bệnh gout, trong một số trường hợp di truyền, béo phì, những người tiểu đường kháng insulin.
Khi đi khám, người bệnh nên có những xét nghiệm về bệnh mắc kèm và cần giảm ăn những thức ăn quá nhiều đạm.
Sỏi cystin: Sỏi cystin rất hiếm, hình thành do cystin bị đào thải nhiều qua thận nhưng ít hòa tan nên dễ đọng thành sỏi. Trong các loại sỏi thì sỏi cystin có tính di truyền rõ rệt nhất. Những người với tiền sử gia đình có người mắc bệnh có nguy cơ cao bị mắc loại sỏi này.
Những ai có nguy cơ mắc sỏi thận?
- Người có thói quen nhịn tiểu (ít đi tiểu), uống ít nước hoặc bị mất nước nhiều qua đường mồ hôi. Bình thường lượng nước tiểu 24 giờ ở người lớn khoảng trên 1,5 lít. Khi khối lượng 24 giờ giảm giảm một nửa thì nguy cơ bị sỏi thận sẽ tăng lên gấp đôi.
- Người có chế độ ăn nhiều thịt, nhiều muối, uống nhiều sữa, sử dụng nhiều vitamin C, D, người thừa cân béo phì, nghiện rượu... sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao.
- Những bệnh nhân phải bất động lâu ngày như chấn thương cột sống, gãy xương, bại liệt, đa thương, người có bệnh cường tuyến cận giáp, các bệnh khác gây bế tắc đường tiểu như u tuyến tiền liệt, hẹp niệu đạo do chấn thương hay bẩm sinh. Cạnh đó, những người có tiền sử gia đình có người bị sỏi thận, sỏi tiết niệu (bệnh có yếu tố di truyền) sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
- Ngoài ra, nguy cơ mắc sỏi thận còn liên quan đến yếu tố nghề nghiệp. Những người thường xuyên làm việc trong môi trường nóng có nguy cơ cao mắc sỏi thận do bài tiết nhiều mồ hôi làm giảm lượng nước tiểu bài tiết qua thận.
Những người làm trong nghành chế biến kim loại, sản xuất sơn, pin, ắc quy... cũng có nguy cơ cao mắc sỏi thận do công việc tiếp xúc nhiều với cadmium.
Triệu chứng khi bị sỏi thận
- Đau: Đau dữ dội thường khởi phát từ các điểm niệu quản, lan dọc theo đường đi của niệu quản xuống phía gò mu. Cũng có khi đau xuyên ra hông, lưng, có khi buồn nôn và nôn.
Ở một số người xuất hiện cảm giác đau âm ỉ, gặp ở những trường hợp sỏi vừa và thậm chí lớn nhưng nằm ở vị trí bể thận.
- Tiểu máu: Là biến chứng thường gặp của sỏi thận - tiết niệu, nhất là khi sỏi đang di chuyển bên trong niệu quản gây đau kèm tiểu máu.
- Tiểu buốt, tiểu gắt, tiểu ra mủ: Khi có nhiễm khuẩn tiết niệu, tái phát nhiều lần, có thể tiểu ra sỏi.
- Sốt: Người bệnh sốt cao, rét run kèm theo triệu chứng đau hông, lưng, tiểu buốt, tiểu gắt, tiểu ra mủ là dấu hiệu của viêm thận - bể thận cấp.
- Các dấu hiệu tắc nghẽn đường niệu: Tiểu tắc từng lúc hoặc hoàn toàn.
Điều trị sỏi thận ra sao?
Tùy thuộc vào từng loại sỏi, kích thước lớn hoặc nhỏ của sỏi mà các bác sĩ lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp.
Các loại sỏi nhỏ (kích thước dưới 5 mm), sỏi bùn, bệnh nhân được chỉ định thuốc uống làm tan và tống sỏi ra ngoài.
Bên cạnh mã đề, kim tiền thảo, râu ngô... cũng được dùng để chữa bệnh sỏi thận. Hình minh họa
Tây y thường dùng một hỗn hợp các chất terpen (như pinen, camphen, cineol, fenchon, borneol, anethol (rowatinex) làm tan và tống sỏi ra ngoài, tăng lượng máu qua thận, tăng lượng nước tiểu, giảm viêm đường niệu; các thuốc chẹn canxi (nifedipin), ức chế thụ thể anpha 1 (tamsulosin) làm dãn cơ trơn tạo điều kiện tống xuất sỏi ra ngoài.
Đông y dùng các loại thảo dược như kim tiền thảo, mã đề, râu ngô, rau ôm, chuối hột...
Những loại sỏi lớn, kết hợp thuốc và các phương pháp y học hiện đại như tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi ngược dòng, tán sỏi bằng laser, lấy sỏi qua da, phẫu thuật mổ hở, nội soi...
Cách phòng ngừa sỏi thận
- Uống nhiều nước để tiểu nhiều (khoảng 10 cốc/ngày, tương đương 2,5 lít nước), như vậy sỏi sẽ ít có nguy cơ tái phát.
- Điều trị các bệnh niệu như nhiễm trùng, bế tắc một cách đúng quy cách do các bác sĩ chuyên khoa thực hiện vì nhiễm trùng niệu là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây sỏi.
- Không sử dụng quá nhiều các loại vitamin C, D. Chế độ ăn vừa phải chất canxi, giảm ăn muối, chất đạm và các thực phẩm chứa nhiều oxalat. Cạnh đó tăng cường vận động, giảm béo phì.
- Người làm việc trong điều kiện nóng phải bù đủ lượng nước đã mất qua mồ hôi. Tùy từng trường hợp cụ thể mà lượng nước bù khác nhau, trung bình nên 20 phút làm việc nên nghỉ uống nước một lần (kể cả khi không cảm thấy khát) với tổng số khoảng 1 lít nước trong một giờ lao động. Nước uống nên để mát khoảng 10-15°C. Ngoài ra cần có thời gian làm việc nghỉ ngơi hợp lý, tránh nhịn tiểu quá lâu trong thời gian làm việc.
- Người làm việc tiếp xúc với các hóa chất độc hại, ngoài các biện pháp để giảm tối đa mức độ tiếp xúc, nên thường xuyên khám sức khỏe để kiểm tra phát hiện sớm bệnh sỏi thận.