Theo trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM, triều cường thường xuất hiện khi mặt trăng - mặt trời và trái đất nằm thẳng hàng với nhau, tức là vào ngày 30-1 và 15-16 âm lịch hàng tháng. Triều cường cao nhất trong năm thường xuất hiện vào tháng 10 và 11 âm lịch.
Chế độ thủy triều tại TP.HCM là chế độ bán nhật triều, con nước thuỷ triều lên xuống hai lần trong một ngày, những vùng chịu ảnh hưởng của loại triều này thường nằm ở vĩ tuyến gần xích đạo.
Triều cường dâng cao dễ gây ra tình trạng ngập. Ảnh: TH |
Ngoài ra, qua theo dõi trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM nhận thấy tần suất xuất hiện đỉnh triều ở mức cao trên +1,50 m cũng tăng đột biến. Từ năm 2006 đến 2010 xuất hiện 15 lần, nhưng từ năm 2011 đến nay, trung bình mỗi năm đỉnh triều ở mức cao trên +1,50 m đã xuất hiện gấp 2-3 lần giai đoạn 2006 đến 2010.
Nguyên nhân là do tình trạng san lấp kênh, rạch trong một số thời điểm diễn biến phức tạp làm thu hẹp không gian điều hòa nước. Ngoài ra, tình trạng biến đổi khí hậu làm nước biển dâng, qua đó tăng mực nước hiện hữu tại các tuyến sông lớn cũng gây nên triều cường.
Thời điểm đỉnh triều trùng với thời điểm xả lũ của các hồ chứa (với khu vực TP.HCM là hồ Dầu Tiếng và hồ Trị An).
Bên cạnh đó, tình trạng khai thác nước ngầm, sụt lún nền đất hiện hữu diễn ra liên tục và ngày càng tăng. Với độ lún tích lũy đến nay ước tính khoảng 100 cm, tốc độ lún hiện nay khoảng 2-5 cm mỗi năm.
Riêng những khu vực tập trung như các công trình thương mại, tốc độ lún khoảng 7-8 cm mỗi năm. Tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng hai lần mực nước biển dâng. Do đó, TP.HCM là một trong các TP bị ảnh hưởng ngập do triều cường, đặc biệt trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay.