Ngày 27-10, Ban Chỉ đạo (BCĐ) Ứng phó với Biến đổi khí hậu – Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (BĐKH – PCTT&TKCN) tỉnh Đồng Tháp vừa có văn bản đề nghị các đơn vị chủ động ứng phó với mưa lũ lớn kết hợp với triều cường.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Đồng Tháp, mực nước tại các huyện phía Nam của tỉnh lên nhanh theo triều và đạt đỉnh triều cường vào các ngày 28 và 29-10 (ngày 4,5-10 âm lịch); ở mức xấp xỉ đỉnh triều cường ngày 12-10 vừa qua. Đáng chú ý là đỉnh triều cường xảy ra vào ban đêm.
Triều cường gây ngập vườn cây ăn trái của người dân. Ảnh: HD |
Để chủ động ứng phó và giảm bớt thiệt hại, BCĐ Ứng phó với BĐKH – PCTT&TKCN tỉnh đề nghị các đơn vị, đặc biệt là UBND các huyện: Cao Lãnh, Lấp Vò, Tháp Mười, Châu Thành, Lai Vung và TP Cao Lãnh, Sa Đéc rà soát, cập nhật lên bản đồ hiện trạng các tuyến ô bao, bờ bao xung yếu, tổ chức gia cố ngay những đoạn đê bao cống đập còn thấp, chủ động bơm tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp. Bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện tại chỗ để triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho nhân dân và tổ chức khắc phục hậu quả nhanh chóng, kịp thời.
Bên cạnh đó, phân công lực lượng tuần tra bảo vệ tại các đê bao bảo vệ lúa, vườn cây ăn trái; kịp thời phát hiện và xử lý những đoạn đê xung yếu. Bố trí lực lượng trực ban 24/24 tại đơn vị, từ ngày 27, 28-10, kịp thời xử lý tình huống thiên tai có thể xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ”.
Chủ tịch Đồng Tháp, ông Phạm Thiện Nghĩa khảo sát tại đoạn đê ở huyện Tháp Mười có nguy cơ nước sông tràn vào. Ảnh: Gia Vi |
Trước đó, vào chiều 26-10, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp ông Phạm Thiện Nghĩa đã đi khảo sát thực tế tại một số điểm bị ảnh hưởng do mưa lũ kết hợp triều cường trên địa bàn huyện Tháp Mười.
Trong đợt triều cường vừa qua, kết hợp với các cơn mưa lớn làm cho mực nước dâng cao tại một số khu vực trên địa bàn huyện Tháp Mười, nhất là ở các ô bao thuộc 02 xã Thạnh Lợi và Trường Xuân, nguy cơ ảnh hưởng đến diện tích xuống giống vụ Đông Xuân 2022 - 2023.
Tại ô Trạm bơm Thạnh Lợi 6 (với 136 ha) và ô Trạm bơm Thạnh Lợi 9 (145 ha) đang có những đoạn đê có nguy cơ nước tràn vào, gây nguy hiểm đến vùng sản xuất của người dân.
Vừa qua, người dân và chính quyền địa phương đã kịp thời gia cố các bờ bao, chủ động ứng phó trước tình hình triều cường và mưa lớn để bảo vệ sản xuất nên chưa ghi nhận thiệt hại.
Theo Văn phòng Thường trực BCĐ Ứng phó với BĐKH – PCTT&TKCN tỉnh Đồng Tháp, đợt mưa lũ kết hợp triều cường vừa qua (đến 12-10) đã gây ngập 3.161 ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp, thiệt hại 115 ha, 02 ao cá, 83.000 chậu hoa kiểng...