Cần Thơ: Đến hết năm 2022 còn 4 đợt triều cường

(PLO)- Từ nay đến hết năm 2022, Cần Thơ còn 4 đợt triều cường, trong đó đợt triều cường đầu tháng 11 âm lịch (khoảng ngày 25 đến 27-11) đỉnh triều vẫn cao ở mức 2,1-2,15m.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại cuộc họp thường kỳ tháng 10 của UBND TP Cần Thơ ngày 28-10, ông Nguyễn Văn Sử - Giám đốc Sở NN&PTNT báo cáo tình hình ảnh hưởng thiệt hại do đợt triều cường vừa qua và kế hoạch ứng phó sắp tới.

Ông Nguyễn Văn Sử - Giám đốc Sở NN&PTNT báo cáo tại cuộc họp ngày 28-9. Ảnh: NHẪN NAM

Ông Nguyễn Văn Sử - Giám đốc Sở NN&PTNT báo cáo tại cuộc họp ngày 28-9. Ảnh: NHẪN NAM

Theo đó, triều cường rằm tháng 9 âm lịch kéo dài trong sáu ngày (từ ngày 8 đến ngày 13-10), với mức đỉnh triều hàng ngày đều vượt báo động III, từ 2,16 – 2,27m.

Dự báo triều cường đầu tháng 10 âm lịch cũng có nhiều ngày vượt báo động III, đỉnh triều xuất hiện từ ngày 26 đến 28-10 ở mức 2,2 – 2,25m.

Theo thống kê, đợt triều cường rằm tháng 9, quận Ninh Kiều có hơn 61 tuyến đường chính bị ngập với mức ngập sâu từ 0,4 - 0,6m như Mậu Thân, Nguyễn Văn Cừ, Huỳnh Cương, Trần Hưng Đạo, Trần Văn Hoài, Cách Mạng Tháng Tám…, những tuyến còn lại ngập từ 0,2-0,4m.

Triều cường ngày 11-10 làm bể đập Chòng Chõng (khu vực 3 sông Hậu) với chiều dài hơn 10m, kinh phí gia cố trên 10 triệu.

Quận Thốt có diện tích hoa màu thiệt hại là 18,91 ha, cây ăn trái bị thiệt hại 11,6 ha, ước thiệt hại khoảng 85 triệu. Quận Bình Thủy ghi nhận 3 đoạn sạt lở, sụt lún đê bao tại Cồn Sơn, Cồn Khương…

Theo ông Sử, qua trao đổi với Đài khí tượng thủy văn TP Cần Thơ, nhận định từ nay đến hết năm 2022 còn 4 đợt triều cường gồm rằm tháng 10, đầu tháng 11, rằm tháng 11 và đầu tháng 12 âm lịch). Mực nước cao nhất trong các đợt triều này ở mức báo động II-III, riêng đợt triều cường đầu tháng 11 âm lịch (khoảng ngày 25 đến 27-11) vẫn còn ở mức cao trên báo động III từ 10-15cm (tức đỉnh triều khoảng 2,1 - 2,15m).

Triều cường đầu tháng 10 âm lịch vượt báo động III gây ngập sâu nhiều tuyến đường ở Cần Thơ. Ảnh: NHẪN NAM

Triều cường đầu tháng 10 âm lịch vượt báo động III gây ngập sâu nhiều tuyến đường ở Cần Thơ. Ảnh: NHẪN NAM

Về giải pháp ứng phó, ông Sử nêu một số biện pháp như Đài khí tượng thủy văn tiếp tục có dự báo sớm, chính xác mực nước đỉnh triều làm cơ sở cho các địa phương và sở ngành có biện pháp ứng phó, không bị động; Cơ quan báo, đài tăng cường tần suất, thời lượng đưa tin kịp thời về diễn biến triều cường…

Sở GTVT chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương chủ động khắc phục nhanh sạt lở trên các tuyến giao thông, tăng cường lực lượng phân luồng, khắc phục sự cố tại các điểm ngập sâu…; Ngành giáo dục phối hợp các địa phương tổ chức cho học sinh đi học an toàn, chủ động điều chỉnh thời gian học cho phù hợp hoặc nghỉ học trực tiếp chuyển sang trực tuyến…

Ông Sử cho biết, để chống ngập cho vùng nội ô, hiện nay TP đang triển khai thực hiện dự án Phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị. Dự án sẽ giúp kiểm soát ngập cho trên 2.657ha vùng lõi Ninh Kiều và Bình Thủy. Hợp phần 1 của dự án đầu tư trên 6,1km kè dọc sông Cần Thơ, trên 3km kè sông Cái Sơn, Mương Khai, kết hợp các công trình khác như âu thuyền, cống ngăn triều, van ngăn triều và trạm bơm.

Bên cạnh đó, quản lý và xử lý nghiêm việc lấn chiếm và san lấp các kênh rạch tại các khu dân cư; thường xuyên kiểm tra, duy tu, sửa chữa, nạo vét hệ thống tiêu thoát nước, miệng cống, hố ga để tăng khả năng thoát nước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm