Ngày 27-5, cuốn sách Từ rừng thẳm Amazon đến quê hương Bolero sẽ được ra mắt tại đường sách TP.HCM.
Nói về những chuyến đi của mình, tác giả - nhà báo Nguyễn Tập cho biết là nhà báo, trước hết anh đi để viết báo. Nhưng đó cũng là nhằm thỏa nỗi đam mê khám phá của anh. Viết sách với Nguyễn Tập chỉ là một hệ quả sau hai điều trên. “Giống như khi mình ăn cái bánh ngon, coi bộ phim hay thì mình có nhu cầu chia sẻ niềm vui, sự sung sướng đó với người khác vậy”.
“Cần phải giữ văn hóa du hành”
. Phóng viên: Anh nghĩ gì về trào lưu du lịch khám phá hiện nay của các bạn trẻ với những mục đích khá phổ biến như đi để viết một cuốn sách lưu danh với đời, đi để chứng tỏ mình ngon lành đẳng cấp, đi để chụp ảnh up Facebook cho người khác ngưỡng mộ…?
+ Anh Nguyễn Tập: Tôi nghĩ đi với mục đích nào kể trên cũng được, đều tốt và đáng được hoan nghênh. Suy cho cùng đi để viết sách lấy tiếng hay lên Facebook gì đó cũng bình thường, miễn là người làm việc đó có lương thiện hay không. Theo tôi, với hình thức nào cũng được, vì mình đi mình sẽ có những trải nghiệm của riêng mình. Nhưng điều quan trọng nhất là phải có văn hóa du hành. Nhiều bạn đi phượt bẻ hoa bứt cành, mang loa dập rầm rầm ảnh hưởng cuộc sống địa phương người ta, cho trẻ con tiền bạc linh tinh, ứng xử kiểu như thực dân mang văn minh đến nơi hoang dã…Họ tưởng họ văn minh nhưng thực sự là đang phá nát. Mình cứ đi, cứ khám phá, trải nghiệm, hưởng thụ nhưng đừng làm rối loạn, xáo trộn cuộc sống của dân địa phương, gây ảnh hưởng đến văn hóa của vùng đất ấy.
. Vì sao anh lại chọn đến Nam Mỹ? Đọc sách của anh bắt gặp một cảm giác háo hức của người đi khám phá, phiêu lưu lẫn một kiểu thông tin, đặt vấn đề của người làm báo. Với anh, tính báo chí hay tính khám phá được đặt lên hàng đầu?
+ Tôi thích khám phá Nam Mỹ từ nhỏ nhưng nghĩ nó quá xa vời, là chuyện không thể nào thực hiện nên khi bắt đầu, tôi đi đến những nước châu Á. Đến khi qua Mỹ học, tôi thấy nó gần hơn, bay có vài tiếng thì mình đi thôi.
Viết báo và khám phá là hai điều không tách rời trong tôi. Trước nhất tôi phải thích mới đề xuất đề tài, mới tìm hiểu thông tin về nó để đi và viết, phải có đam mê trước đã. Nếu mình đam mê vấn đề nào đó thì mình sẽ quyết tâm đi đến cùng. Nó cũng không mâu thuẫn với bản chất con người làm báo là tò mò, thích khám phá thế giới xung quanh, những nền văn hóa xung quanh. Tôi muốn đi để tìm lời giải đáp cho sự tò mò của mình. Nếu không làm báo thì tôi cũng sẽ đi như mình từng đi.
Tác giả - nhà báo Nguyễn Tập với thổ dân Matse’s trong rừng Amazon, Nam Mỹ. (Ảnh nhân vật cung cấp)
“Đam mê đủ để trả giá”
. Cuốn sách mới của anh thôi thúc người đọc muốn lên đường khám phá những nơi chốn kỳ bí của thế giới này. Tuy nhiên, cuốn sách cũng cho biết anh đã tiêu tốn rất nhiều tiền cho chuyến đi của mình.
+ Cái gì cũng có giá của nó. Chuyến đi Nam Mỹ cuối cùng dài bốn tháng tôi mượn 8.000 USD, phải về Việt Nam đi làm gần hai năm rưỡi sau mới trả hết nợ. Nếu bạn đủ đam mê thì mọi chuyện còn lại đều được hết. Vấn đề là bạn có đủ đam mê để chấp nhận cái giá phải đánh đổi hay không. Nếu bạn không dám đánh đổi, không sao hết, đam mê bạn không đủ lớn còn đam mê của tôi lớn hơn. Ngoài ra, tôi còn có cách khác để kiếm tiền cho những chuyến đi của mình. Tức tôi chuẩn bị thật kỹ để viết đề cương những gì mình sẽ đi, sẽ làm, sẽ viết để xin kinh phí từ các tờ báo mình sẽ viết bài cho họ. Giống như mình làm một dự án rồi đi xin kinh phí vậy. Báo Tuổi Trẻ tài trợ cho tôi đi Peru lần đầu, báo Thanh Niên giúp tôi đi Cuba…
. Truyền hình, Internet đã làm mọi thứ trên thế giới này không còn gì bí ẩn nữa. Những nơi anh đến có khác với những điều anh biết được qua xem, đọc… hay không?
+ Khi truyền thông trở nên dễ dàng hơn, người ta dễ có cảm giác cái gì cũng biết rồi, nằm ở nhà có thể biết hết về thế giới. Cứ tưởng truyền thông, Internet làm con người xích lại gần nhau nhưng ngược lại chính nó lại làm con người cô đơn, xa cách nhau hơn. Sự thực cái gì qua Internet, truyền hình đều là ảo hết. Ví dụ qua một cái video nào đó, một bộ phim nào đó về một nơi nào đó thì đó chỉ là một góc nhìn cụ thể của một tác giả, nó chỉ là một lát cắt chứ không thể là một toàn cảnh về nơi đó. Xem tivi là mình chỉ nhìn bằng con mắt của người khác chứ không phải nhìn bằng con mắt của mình. Khi bạn đến tận nơi, nhìn bằng con mắt của mình, cảm bằng trái tim của mình trên nền tảng văn hóa của mình thì đó mới là của riêng bạn, thú vị và vô cùng sung sướng.
. Xin cám ơn anh, chúc anh nhiều chuyến đi thú vị hơn.
Nguyễn Tập hiện là PV của báo Thanh Niên. Anh tốt nghiệp Trường ĐH Kiến trúc năm 2002, là kiến trúc sư nhưng theo nghiệp báo của cha mẹ là hai nhà báo tên tuổi. Anh sang Mỹ học báo chí tại Houston, vừa học vừa làm. Năm 2006, Nguyễn Tập đã ra mắt cuốn sách Dặm đường lang thang viết về nhiều chuyến đi kỳ thú của mình ở Tây Tạng và những vùng đất khác… Cuốn Từ rừng thẳm Amazon đến quê hương Bolero kể về những khám phá ở vùng đất Nam Mỹ, từ việc vào rừng già sống với bộ lạc từng ăn thịt người, đến những hòn đảo trôi dạt lạ lùng, đảo búp bê đầy ma quái… |