Sáng mai (23-12), TAND TP.HCM sẽ đưa vụ án Phạm Sỹ Hoài Như (nguyên thượng úy thuộc Đội CSGT Công an quận Tân Bình) và bốn bị can khác ra xét xử sơ thẩm về tội cố ý gây thương tích.
CSGT kêu côn đồ đánh người vi phạm
Đêm 25-6-2014, tổ tuần tra do Như làm tổ trưởng chốt tại giao lộ Trường Chinh và Tân Kỳ Tân Quý (phường 13, quận Tân Bình) đã dừng xe của ông Nguyễn Văn Chín do thấy ông có biểu hiện sử dụng rượu, bia.
Ông Chín không đồng ý ký biên bản và la lối.
Lúc này, Nguyễn Minh Chung (người quen của Như, vừa ra tù về tội cướp giật tài sản) đến giải quyết bằng cách đánh dằn mặt. Chung đã gọi theo Phạm Thanh Kim Hạnh, Ngô Thành Vương và Trần Đức Vững cùng đến. Nhóm của Chung đã gọi ông Chín ra một nơi khác rồi lao vào đánh.
Ông Chín được đưa đi cấp cứu nhưng đã chết tại BV Thống Nhất hai ngày sau. Giám định pháp y kết luận: Nguyên nhân chết do: Chấn thương bụng kín gây vỡ ruột non - Suy hô hấp cấp do sặc chất chứa trong dạ dày…
Theo giải thích của cơ quan pháp y thì hành vi đấm đá vào dưới sườn và hông của nạn nhân đã gây ra thương tích dẫn đến cái chết.
Được biết TAND TP.HCM đã quyết định đưa Trung tâm Giám định Pháp y TP.HCM vào tham gia tố tụng để giải thích rõ về nguyên nhân cái chết của nạn nhân.
Gia đình ông Chín đau buồn trước cái chết của người thân. Ảnh: Xuân Ngọc
Nhờ giang hồ “gánh” tội giùm
Ngày 9-7-2014, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án cố ý gây thương tích. Chung, Hạnh, Vương, Vững lần lượt bị bắt tạm giam ngay sau đó. Riêng Như thì đến ngày 7-11-2014 mới bị tạm giam (khởi tố 22-10-2014).
Tại cơ quan điều tra, ban đầu Như khai gọi Chung chỉ để rủ đi nhậu sau khi trực xong. Sau Như thừa nhận có nhờ Chung đến để “giúp đỡ” đưa ông Chín về. Sở dĩ ban đầu khai vậy là do sợ bị kỷ luật, sợ bị xử lý hình sự, sợ ảnh hưởng gia đình và uy tín của ngành.
Lời khai của Chung trong hồ sơ thể hiện: Như gọi Chung đến đánh dằn mặt ông Chín. Sau khi Như biết ông Chín chết, Như đã đến gặp Chung và đề nghị Chung nhận hết mọi hành vi. Đổi lại, Như sẽ cho Chung 200 triệu đồng, lo cho gia đình của Chung, hằng tháng sẽ thăm nuôi Chung và cho Chung 5 triệu đồng. Hai bên đã nhiều lần gặp nhau tại quán nước và tại nhà của Chung.
Các bị cáo khác khai rằng Chung gọi họ đến. Khi đến thì Chung nói: “Có ông kia chửi anh Như. Mấy đứa giúp anh Như cái đi rồi sau này đi xe cộ gì bị bắt thì nhờ anh Như được vì anh Như là phó phòng CSGT…”. Sau đó nhóm này đã đến chỗ ông Chín rồi lao vào đánh.
Được tại ngoại vì từng là chiến sĩ công an nhân dân
Ngày 11-9-2014, Như bị tước danh hiệu công an nhân dân. Ngày 7-11-2014, Như bị khởi tố, bắt tạm giam. Ngày 13-2-2015 Như được gia đình bảo lãnh tại ngoại vì “từng là chiến sĩ công an nhân dân và phạm tội lần đầu”.
Từ đó, VKSND TP.HCM đã hủy bỏ tạm giam, cho Như tại ngoại chờ ngày ra tòa vì VKSND TP.HCM “xét thấy không cần thiết tạm giam Như”. Người ký quyết định là phó Viện trưởng VKSND TP.HCM Đoàn Tạ Cửu Long.
Vợ nạn nhân Chín đã phản đối việc cho Như tại ngoại vì Như là bị cáo đầu vụ, tuy nhiên chị được trả lời rằng “căn cứ vào hồ sơ và lời khai nhận của các bị can, đã đủ căn cứ để truy tố tội cố ý gây thương tích. Do đó, khi nhận được đơn xin bảo lãnh tại ngoại của gia đình Như, VKSND TP.HCM đã xem xét giải quyết theo đúng quy định pháp luật”.
Vợ ông Chín đã nhiều lần nộp đơn yêu cầu chuyển tội danh truy tố thành tội giết người do “nạn nhân đã bất tỉnh rồi mà vẫn bị đá vào ngực liên tiếp”.
Sau khi có kết luận điều tra, Như đã khiếu nại rằng: Không nhờ Chung đánh dằn mặt ông Chín, chỉ nhờ đến kéo ông vào lề đường và gọi xe cho ông Chín về nhà; không có chuyện Chung gọi lại cho Như nói đã đánh ông Chín xong, Chung có gọi nhưng là gọi để chào Như và báo là đã lên xe; Chung khai do Như chỉ đạo nên mới đánh ông Chín là không đúng. Có gặp và nói chuyện với Chung tại vị trí tổ công tác nhưng Như không biết nhóm của Chung đánh ông Chín.
Tuy nhiên, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã bác các nội dung khiếu nại này vì “những khiếu nại này đã được ghi nhận đầy đủ trong hồ sơ” và “tài liệu chứng cứ cũng chứng minh lời khai của Chung là phù hợp diễn biến vụ án”.