Cả 18 bị cáo trong vụ án này đều có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm mà TAND TP Hà Nội đã tuyên hồi đầu tháng 1-2016. Tuy nhiên, trước phiên xử phúc thẩm, bị cáo Lê Minh Hiếu (nguyên chủ tịch HĐQT Công ty CP Lifepro Việt Nam và Công ty CP Vietmade) đã rút toàn bộ kháng cáo, chấp nhận mức án 15 năm về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Riêng bị cáo Đỗ Tiến Long (nguyên cán bộ phòng tín dụng Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội) có đơn xin xét xử vắng mặt do đang điều trị ung thư tại BV K.
Các bị cáo tại phiên xử sơ thẩm hồi tháng 1-2016. Ảnh: Đ.MINH
Theo bản án sơ thẩm, Công ty CP Enzo Việt (sau này đổi thành Công ty liên doanh Lifepro Việt Nam) do các thương nhân người nước ngoài làm chủ đã thông đồng với Công ty CP Lifepro Việt Nam, Công ty CP Vietmade dựng lên nhiều thương vụ làm ăn khống để vay tiền của Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội (từ năm 2007 đến 2011) tổng cộng 50 triệu USD… Do sự thiếu trách nhiệm của nhiều cán bộ ngân hàng và hải quan, Agribank đã bị thiệt hại số tiền lên đến hơn 2.400 tỉ đồng.
Vì vậy, nguyên tổng giám đốc Agribank Phạm Thanh Tân phải chịu án 22 năm tù về hai tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, buộc bồi thường hơn 24 tỉ đồng. Nguyên giám đốc Chi nhánh Agribank Nam Hà Nội Phạm Thị Bích Lương bị phạt 30 năm về tội vi phạm quy định về cho vay, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, phải liên đới bồi thường hơn 1.600 tỉ đồng. 16 bị cáo khác trong vụ án cũng phải nhận mức án từ 30 tháng tù đến 30 năm tù...
Tại phiên xử phúc thẩm, các luật sư bào chữa đã phản ánh công tác bảo vệ gây khó khăn cho họ. Cụ thể, các luật sư (cũng như những người tham dự phiên tòa) phải nộp ĐTDĐ, iPad, laptop cho bộ phận an ninh; không được tiếp xúc với thân chủ vào đầu giờ trước khi diễn ra phiên xử… Cuối giờ xét xử buổi sáng, sau khi hội ý, chủ tọa phiên tòa thông báo HĐXX đồng ý cho phép các luật sư tiếp xúc với thân chủ vào thời điểm phiên tòa nghỉ giải lao, theo đúng quy định của Bộ Công an. Ngoài ra, HĐXX cũng cho phép các luật sư được mang ĐTDĐ, laptop và các thiết bị khác vào phòng xử án. Tuy nhiên, chủ tọa phiên tòa nhắc là “không được phép sử dụng các thiết bị này vào việc ghi âm, ghi hình, thu phát sóng nếu chưa được sự đồng ý của HĐXX”.
Về phần các PV (đã làm thủ tục đăng ký dự phiên tòa, được cấp thẻ) phải theo dõi phiên xử qua màn hình tại một phòng riêng. Các PV phải nộp lại toàn bộ ĐTDĐ, máy ảnh cho bộ phận an ninh trước khi vào phòng dành cho báo chí. Tới phiên xử chiều, các PV mới được mang phương tiện tác nghiệp vào phòng dành cho báo chí.