Nhà băng giúp khách hàng thoát nhiều vụ lừa đảo, có vụ 1,3 tỉ đồng

(PLO)- Mặc dù các ngân hàng liên tục đưa ra cảnh báo song nhiều người dân mất cảnh giác vẫn bị sập bẫy các chiêu thức lừa đảo ngày càng tinh vi, đa dạng trên không gian mạng.

Theo thống kê, năm 2022, Agribank hỗ trợ khách hàng thoát khỏi gần 50 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với hơn 8 tỉ đồng. Nhưng chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023, con số vụ lừa đảo đã tăng gấp đôi với gần 100 khách hàng, số tiền “suýt” bị chiếm đoạt lên tới hơn 10 tỉ đồng. Điều này cho thấy, các vụ lừa đảo đang có chiều hướng gia tăng ngày càng nhiều cả về số lượng và mức độ tinh vi hơn.

Thủ đoạn lừa đảo trên mạng 'nở rộ' như nấm sau mưa

Thời gian gần đây, thủ đoạn lừa đảo trên mạng có xu hướng nở rộ, từ việc giả vờ kết bạn làm quen trên mạng xã hội, giả vờ gửi quà từ nước ngoài về và yêu cầu khách hàng chuyển tiền để nhận hàng tại hải quan, đến giả danh cán bộ công an, cơ quan chức năng để gọi điện đe doạ, tống tiền người dân.

Thậm chí, đối tượng lừa đảo còn sử dụng công nghệ cao “deepfake” để mạo danh người thân đi vay tiền đến việc “hack” SMS giả thương hiệu, website, fanpage ngân hàng... Tinh vi hơn, gần đây, các đối tượng lừa đảo còn thiết lập các phần mềm, ứng dụng ảo để từng bước lấy cắp thông tin cá nhân của người dùng, tự động rút tiền từ tài khoản khách hàng.

Một trong những khách hàng may mắn thoát khỏi "bẫy" kẻ lừa đảo

Qua thống kê, trên 50% phi vụ lừa đảo đối với khách hàng tại Agribank đều xuất phát từ hình thức giả mạo cơ quan chức năng để thao túng tâm lý, tống tiền khách hàng. Đã có không ít trường hợp mắc bẫy lừa đảo của những kẻ mạo danh công an, điều tra viên, đã thực hiện các bước để chuẩn bị chuyển tiền.

Tuy nhiên, khi ra tới ngân hàng rút tiền tiết kiệm, mở tài khoản chuyển tiền, nhờ sự cảnh giác, chủ động nhận diện dấu hiệu lạ của khách hàng, cán bộ nhân viên Agribank đã nhanh chóng nắm bắt tình hình, báo công an, kịp thời ngăn chặn hành vi lừa đảo ở phút chót.

Đơn cử như trường hợp tại phòng giao dịch Agribank Phước Sơn (Quảng Nam), nhân viên ở đây đã nhanh trí giúp khách hàng tránh được “bẫy” chuyển tiền, với số tiền 200 triệu đồng. Hay như Agribank chi nhánh Bắc Thanh Hoá đã ngăn chặn kịp thời được năm vụ giả danh cán bộ chức năng với số tiền được “cứu” là hơn 800 triệu đồng.

Trong khi đó, Agribank chi nhánh Tuyên Quang cũng kịp thời lật tẩy được bốn vụ lừa đảo, bảo vệ được gần 1,2 tỉ đồng cho khách hàng. Tương tự, Agribank chi nhánh Ba Vì – Hà Tây 1 cũng kịp thời hỗ trợ được hai khách hàng thoát lừa đảo trong gang tấc với số tiền hơn 1,3 tỉ đồng. Mới đây nhất, phòng giao dịch Chợ Cháy (Ứng Hòa, Hà Nội) đã phát hiện và kịp thời ngăn chặn một vụ giả danh công an đe dọa cựu chiến binh với số tiền 600 triệu đồng…

Cần xác thực bằng người thật sau khi mở tài khoản e-KYC

Năm 2023 được ghi nhận với sự gia tăng đột biến trên 60% các vụ lừa đảo công nghệ cao. Các hình thức giả mạo thương hiệu các cơ quan chức năng, tổ chức tài chính trên các mạng xã hội xuất hiện đầy rẫy trên tất cả các nền tảng mạng xã hội. Hình thức “deepfake” giả mạo người thân được đối tượng sử dụng triệt để trên mọi kênh liên lạc, từ video call trên Facebook, đến Zalo, Viber, Momo…

Hiện ngành ngân hàng đang đẩy mạnh triển khai e-KYC để hỗ trợ khách hàng các giao dịch trực tuyến (mở tài khoản trực tuyến, đăng ký dịch vụ ngân hàng trực tuyến,..). Để đảm bảo an toàn cho chính khách hàng như kết hợp xác thực bằng người thật, khách hàng cần đến các điểm giao dịch của ngân hàng để hoàn tất việc eKYC, bảo đảm đúng người đúng tài khoản.

Bên cạnh yêu cầu xác thực, các ngân hàng cũng khuyến cáo khách hàng nên chia nhỏ hoặc giảm hạn mức chuyển tiền trực tuyến khi chưa hoàn tất xác thực e-KYC để giảm thiểu giao dịch bất thường. Chỉ có như vậy, việc xác thực điện tử mới chặt chẽ hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới