Ham vui là nghề của tôi
Tôi được các đồng nghiệp của anh “bật mí” rằng, khi tham gia dẫn Chúng tôi là chiến sĩ, đôi khi anh còn trẻ trung hơn cả… tân binh. Đã ngấp nghé 60 rồi nhưng có vẻ như anh vẫn là người… ham vui?
Đúng rồi, ham vui là "nghề" của tôi đấy. Tôi rất thích đám đông và những trò nghịch ngợm của các bạn trẻ. Đôi khi tôi quên mất tuổi. Có thể ai đó nhìn vào và nghĩ là ông này năm mươi mấy tuổi mà còn “cưa sừng làm nghé”, cứ như trẻ con. Nhưng không phải đâu, thật sự tôi vẫn ham vui cho đến tuổi này.
Với Chúng tôi là chiến sĩ, đây là chương trình có thể ngẫu hứng nên tôi thường không dẫn theo kịch bản. Bởi vì các phần chuẩn bị lên sân khấu thì các chiến sĩ đã làm rồi, những phần chơi như "Chiến sĩ và những người bạn" cũng được ghi hình trực tiếp tại đơn vị, "Nhật kí chiến sĩ" cũng đã làm sẵn… Trên sân khấu chỉ còn "Tình yêu chiến sĩ" là phần duy nhất chúng tôi có thể làm nhiệm vụ dẫn. Phần này của các chiến sĩ, các cô gái được mời đến chơi không có kịch bản và đều diễn ra trên sân khấu. Vì không biết cái gì sẽ diễn ra nên rất thú vị. Tôi thích dẫn ngẫu hứng.
Cũng vì ngẫu hứng mà trong một phần chơi của Chúng tôi là chiến sĩ, thay vì trao cho khán giả 1 chiếc đồng hồ, anh đã trao tới tận 6 chiếc?
Hôm ấy là tôi phạm luật đấy. Bình thường chỉ có 1 thôi. Đạo diễn sau đó chắc sẽ phàn nàn nhiều bởi tôi tự tung tự tác, ngẫu hứng quá và phá luật. Nhưng tôi nghĩ, đôi khi sự ngẫu hứng cũng thú vị và chúng ta phá luật nhưng vẫn trong khuôn khổ cho phép.
Anh vẫn thường ví mình như… người lấp chỗ trống, ở đâu hổng, thiếu người thì anh trám ở chỗ đó. Không bao giờ thấy anh phàn nàn về nhiệm vụ được nhân viên giao?
Tôi làm quản lý nhưng không bao giờ chỉ đạo đơn thuần, phân công công việc cho mọi người mà tôi sẵn sàng xắn tay vào cùng làm. Tôi thích như thế. Vì thế mà tôi mới chịu làm quản lí lâu như vậy. Nếu yêu cầu phải tách ra, không được tham gia sản xuất với anh em thì chắc tôi cũng không làm quản lý.
Trong khi làm nhiệm vụ MC, có khi nào anh mắc bệnh quản lý là… chỉ đạo anh em?
Tôi không chỉ đạo. Có đôi lúc tôi thấy, phần nào cần phải lưu ý đạo diễn thì tôi nói nên bắt hình này, lấy hình kia. Khi dẫn, đôi lúc tôi bị nhiễm bệnh nghề nghiệp thì đúng hơn, chẳng hạn khi thấy bạn dẫn có gì đó không phải lắm trong cách nói, trong cách dẫn thì bằng cách tế nhị, tôi nhắc cô ấy nên thế này thế kia. Hay như cảm giác âm thanh, ánh sáng có vấn đề thì tôi cũng lưu ý ê-kíp tập trung làm.
Nhân viên của anh cho biết, mời anh tham gia chương trình vô tình giúp ê-kíp sản xuất giảm được rất nhiều áp lực. Bởi tính ngẫu hứng của anh đã giúp cho chương trình nhiều khi hay hơn kịch bản ban đầu?
Tôi nghĩ mình tạo thêm cảm hứng cho các bạn. Đó là điều tôi rất muốn. Tôi nói ngay với mọi người, từ lúc này, anh không phải là Trưởng ban mà là người dẫn chương trình nên mọi chỉ đạo của các bạn theo đúng chỉ đạo với người dẫn, không có áp lực nào hết. Nếu các bạn thoải mái thì tôi đã thành công và cảm thấy rất hạnh phúc.
Có tham gia dẫn anh mới cảm nhận được sự vất vả của nhân viên. Điều đó có khiến anh “lỏng tay” hơn khi ký các công văn, quyết định cho chương trình?
Không phải bây giờ tôi mới hiểu được nỗi khổ của anh em. Tôi xuất thân từ phóng viên, từ người trực tiếp làm chương trình nên hơn ai hết, tôi hiểu các bạn phải đối mặt với áp lực như thế nào. Nhưng không vì thế mà tôi giảm nhẹ yêu cầu chất lượng công việc.
Có người nói với tôi rằng, họ không đủ năng lực để làm lãnh đạo phòng và đề nghị, nếu có người khác thay thế thì sẵn sàng nhường vị trí này. Tôi nhắn tin trả lời rất thật: "Ở trên đời có hai loại người không mắc lỗi. Thứ nhất là người rất giỏi trong việc che giấu, lấp liếm lỗi của mình. Thứ hai là người không làm gì. Còn những người làm thì chắc chắn không mắc lỗi này sẽ mắc lỗi khác. Tôi không tin có ai đó không bao giờ mắc lỗi. Người ta chỉ coi thường những người không có lỗi chứ không ai xem thường những người mắc lỗi cả". Tôi hiểu, chia sẻ và thông cảm với những lỗi mà các bạn mắc phải hoặc khó khăn trong công việc.
Tôi là người rất “mộc”
Trên truyền hình, khi đứng cạnh các bạn dẫn trẻ hơn mình đến 2 - 3 giáp, trông anh cũng không chênh lệch lắm. Có phải do anh "ăn hình" không?
Tôi không biết mình "ăn hình" hay không nhưng gặp tôi ở ngoài ai cũng bảo tôi trẻ hơn trên hình. Hay là họ động viên cũng không biết nữa. Về cá nhân, tôi thấy trên hình mình trông đĩnh đạc, chỉn chu hơn. Trang phục yêu thích của tôi suốt 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông là quần bò, đi giầy bụi nên mọi người có thể ngạc nhiên vì thấy tôi không đóng bộ comple, caravat. Một niềm tự hào là tôi dẫn với những người trẻ thì vẫn rất hợp.
Anh có vẻ là người dẫn phù hợp với nhiều MC nữ: già có, trẻ có, trung tuổi có?
Tôi cho rằng đấy là một lợi thế của người cao tuổi. Nếu các bạn trẻ dẫn với tôi thì có vẻ khó vì bên ngoài thường các bạn gọi tôi là chú xưng cháu, lên sân khấu là anh - tôi nên lúc đầu có thể chưa quen. Tôi thì dễ hơn, tôi dẫn với bạn trẻ cũng được, bạn lớn tuổi cũng được bởi cách xưng hô không bị gò bó, gượng ép.
Khi làm việc với người trẻ, tôi có thể hòa đồng. Còn với những người có tuổi, tôi lại có cách dẫn phù hợp. Có những người dẫn và diễn kết hợp, tức là người ta diễn trong lúc dẫn như MC Thanh Bạch, Trấn Thành… là những người dẫn diễn rất tốt, mang tính showbiz. Có người dẫn hoàn toàn tự nhiên và theo bản năng.
Tôi không biết diễn nhưng cũng không phải bản năng. Tôi là người rất “mộc”, nghĩ gì nói thế và có lẽ tính chân thành được bộc lộ qua những phần mà tôi dẫn chương trình. Tôi nghĩ sự việc, con người như thế nào thì đánh giá đúng như thế. Có chăng, cách tôi nói ở bên ngoài khác, dẫn trong chương trình truyền hình phải chọn từ sao cho hợp với văn hóa của người Việt Nam.
Thế nên, bạn dẫn với tôi đều cảm nhận là tôi rất thật nên họ thấy tự nhiên, thoải mái và cũng rất thật khi dẫn với tôi.
Sức hút của MC Lại Văn Sâm đến bây giờ vẫn rất "nóng". Anh có tự hào vì đi đến đâu cũng được mọi người chào đón?
Nếu nói không tự hào là nói dối. Thậm chí, năm 2014, trong chương trình Ấn tượng VTV, tôi vẫn lọt top 5 MC được bình chọn cao nhất cùng với các bạn trẻ bình thường gọi tôi bằng chú như: Công Tố, Trấn Thành, Nguyên Khang. Thích nhất là tôi được khán giả nhiều lứa tuổi chấp nhận, những đứa trẻ bé tí cũng rất thích tôi.
Tôi 58 tuổi mà con của nhân viên đến Đài chơi, tôi đùa: “Chào anh Sâm đi”, các cháu đáng lẽ phải chào bằng ông rồi nhưng vẫn nói: “Chào anh Sâm” khiến tôi rất vui. Có khán giả như bà Phùng Thị Tơ ở Sơn Tây, hơn tôi một giáp, đã gửi thư mời tôi đến nhà chơi. Rồi những bạn lính trẻ, sau mỗi lần ghi hình chương trình, họ túm đến xin chữ ký, chụp ảnh… Điều đó khiến tôi cảm thấy rất vui.
Đằng sau sự nổi tiếng không đơn giản là niềm vui mà nhiều lúc còn là sự rắc rối, đúng không anh?
Trang cá nhân Facebook là cái mà tôi khó chịu nhất. Vừa rồi, có bạn cho tôi xem một danh sách hơn một chục người lấy tên Lại Văn Sâm. Thậm chí, có Facebook Lại Văn Sâm đều đặn đăng và cập nhật những hình ảnh mới nhất của tôi lên đó. Tệ hơn, nhiều người tin đấy là tôi, bình luận rất nhiều. Có người còn làm thơ, đăng lên Facebook, ký tên là Lại Văn Sâm.
Mọi người nhắn tin cho tôi khen thơ hay quá trong khi từ bé đến giờ tôi chẳng bao giờ làm thơ. Hay có những bài viết không đúng sự thật khiến tôi rất buồn. Tôi đã nhờ một số tờ báo và cá nhân tôi khẳng định là tôi không có Facebook nên hơn chục nick name trên Facebook có tên Lại Văn Sâm, không có cái nào của tôi hết.
Xin cám ơn anh!