Dịch bệnh chỉ có thể làm chậm đầu tư nhưng xu hướng chung của các công ty Mỹ là tiếp tục chọn Việt Nam (VN) là điểm đến đầu tư hấp dẫn. Bằng chứng là không chỉ hàng loạt tập đoàn hàng đầu của Mỹ như Apple, Amazon, Google, Intel… mà nhiều công ty khác cũng đang mở rộng đầu tư tại VN.
Tiếp tục mở rộng đầu tư
Nằm giữa những cánh rừng cao su bạt ngàn tại tỉnh Bình Dương, nhà máy của Tập đoàn Dole - nhà sản xuất chuối hàng đầu của Mỹ đang hoạt động hết công suất để kịp đưa sản phẩm nhanh chóng đến hệ thống các siêu thị ở Mỹ và thị trường khác trên thế giới. “Chúng tôi sản xuất không kịp bán. Tình hình kinh doanh hiện đang rất tốt” - vị đại diện nhà máy cho biết.
Dole cũng như nhiều nhà đầu tư Mỹ đang cảm thấy lạc quan với triển vọng kinh doanh tại VN và cam kết tiếp tục rót thêm vốn mở rộng quy mô sản xuất. Tại sự kiện Gặp gỡ Hoa Kỳ với chủ đề “Chung tay hợp tác tái mở cửa, phục hồi và phát triển khu vực kinh tế phía Nam” do nhiều cơ quan cùng phối hợp tổ chức mới đây, ông Sai Ramana Ponugoti, Tổng giám đốc Tập đoàn P&G VN, cho biết: Dù gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất do làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư nhưng tập đoàn vẫn đảm bảo cung cấp sản phẩm cho tất cả người tiêu dùng và khách hàng trong thời điểm đầy thách thức này.
“VN đã thực hiện tốt chiến dịch tiêm vaccine để kiểm soát dịch bệnh nên giúp kinh tế nhanh chóng quay lại hồi phục mạnh mẽ. Điều này tạo niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài. Riêng chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư và đưa nhà máy ở VN trở thành trung tâm sản xuất lớn và xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới” - lãnh đạo Tập đoàn P&G VN khẳng định.
Tương tự, ông KJ Ung, Giám đốc First Solar VN, nói trong dịch bệnh công ty đã gặp nhiều khó khăn để duy trì hoạt động theo mô hình “ba tại chỗ”. Điều này làm tăng chi phí, chưa kể còn làm chậm quá trình giới thiệu sản phẩm, ứng dụng công nghệ mới. Tuy nhiên, VN đang dần hồi phục với nhiều tiềm năng rất tốt trong tương lai, vì vậy công ty có kế hoạch mở rộng đầu tư với tổng giá trị 1 tỉ USD nhằm nâng cấp công nghệ cho nhà máy sản xuất pin năng lượng mặt trời.
“Để duy trì sản xuất và tăng cường năng lực cạnh tranh, chúng tôi mong muốn Chính phủ VN hỗ trợ nhiều hơn cho quá trình nhập cảnh của các chuyên gia, do quy trình nhập cảnh trong tình hình dịch bệnh còn phức tạp” - ông KJ Ung kiến nghị.
Đồng quan điểm, ông Andrew Lien, Tổng giám đốc Công ty Wanek Furniture, cho biết hiện nay công ty đang xúc tiến dự án đầu tư mới ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu với vốn hàng chục triệu USD nhằm phục vụ khách hàng. Tuy vậy, lãnh đạo công ty đề xuất VN đẩy nhanh hơn tốc độ tiêm vaccine, bao gồm cả mũi 3 cho người dân trong thời gian tới để việc sản xuất, kinh doanh không bị đứt gãy, gián đoạn.
Tập đoàn Dole của Mỹ đầu tư trồng chuối chất lượng cao ở Bình Dương để xuất khẩu sang nhiều nước. Ảnh: PM
Lắng nghe nguyện vọng của nhà đầu tư để thay đổi
Một khảo sát của Hiệp hội Thương mại Mỹ tại VN (AmCham Vietnam) vừa công bố cho thấy gần 80% doanh nghiệp Mỹ đánh giá rất tích cực hoặc tích cực về triển vọng trung lẫn dài hạn ở VN. Trong đó có gần 30% công ty Mỹ đánh giá rất khả quan về triển vọng trung và dài hạn, đồng thời có kế hoạch đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, gần 50% đánh giá khả quan, dự định ở lại hoặc có thể đầu tư thêm.
Bà Mary Tarnowka, Giám đốc điều hành AmCham Vietnam, đánh giá đến thời điểm này, các công ty VN lẫn thành viên AmCham đã vượt qua được khó khăn nhờ những nỗ lực của chính quyền để đưa cuộc sống trở lại bình thường mới.
Dù mọi thứ chưa thể như trước nhưng các nhà đầu tư rất vui khi chính quyền biết lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các nhà đầu tư và có những điều chỉnh khi tình hình thay đổi. Những chuyển biến tích cực này đã giúp các công ty quay lại hoạt động 100% công suất, các đơn hàng vẫn tốt.
“Chúng tôi nhìn thấy số lượng các thành viên AmCham tiếp tục tăng. Nhiều công ty bày tỏ mong muốn đầu tư thêm vào VN. Tôi nghĩ VN vẫn là điểm đến hấp dẫn của ngành sản xuất, vì các công ty mong muốn đa dạng chuỗi cung ứng” - bà Mary Tarnowka nói.
Tuy vậy, các nhà đầu tư Mỹ mong muốn các chính sách về sống chung an toàn với dịch cần nhất quán hơn trên khắp đất nước, vì đây là chìa khóa cho sự phục hồi kinh tế. Đặc biệt cần tạo điều kiện cho việc đi lại của các chuyên gia nước ngoài, qua đó sẽ thu hút thêm được nhiều nguồn đầu tư mới.
Theo TS Majo George, ĐH RMIT VN, xu hướng chung hiện nay là các công ty Mỹ vẫn đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu và giảm sự phụ thuộc của họ vào Trung Quốc. Ngoài ra, các công ty Mỹ còn bị hấp dẫn bởi các hiệp định thương mại tự do mà VN đã ký kết vì nó tạo thêm lợi ích cho các công ty này.
“Để tiếp tục thu hút các công ty lớn của Mỹ, các cơ quan chức năng cần tiếp tục nâng cấp các khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế. Song song đó cần tiếp tục đẩy mạnh đào tạo nhân lực liên quan đến công nghệ cao, kinh tế số, năng lượng, hạ tầng, logictics… Qua đó mở ra không gian lớn cho doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào VN trong thời gian tới” - ông Majo George khuyến nghị.
Doanh nghiệp Mỹ đầu tư hơn 1.100 dự án vào Việt Nam Theo Bộ KH&ĐT, tính đến tháng 11-2021, các doanh nghiệp Mỹ đã đầu tư vào VN 1.135 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 10 tỉ USD, đứng thứ 11 trong bảng xếp hạng nhà đầu tư nước ngoài tại VN. Ông Vũ Văn Chung, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ KH&ĐT, cho rằng nhìn về tiềm năng, đầu tư của Mỹ vào VN còn khá khiêm tốn nhưng chất lượng đầu tư lại rất tốt và đóng góp rất quan trọng vào việc thu hút cũng như sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư nước ngoài tại VN. Chưa kể sự hiện diện của nhà đầu tư Mỹ còn giúp thu hút các dòng vốn đầu tư từ các nước khác vào VN. “Dù dịch bệnh ảnh hưởng đến thế giới và VN, song các nhà đầu tư Mỹ đều xem các vấn đề đó chỉ là rào cản tạm thời. Họ vẫn đánh giá cao môi trường đầu tư tại VN, vì vậy khẳng định sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư tại nước ta” - ông Chung nói. |