Nhà đầu tư ngoại săn lùng bất động sản tại Việt Nam

(PLO)- Trong khi thị trường bất động sản trong nước trầm lắng thì các doanh nghiệp ngoại vẫn âm thầm thâu tóm các dự án tại Việt Nam.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong báo cáo về thị trường bất động Việt Nam quý III-2023, Hiệp hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) khẳng định: Bất động sản (BĐS) nhà ở và BĐS công nghiệp vẫn là hai phân khúc thu hút nhiều sự quan tâm và tìm kiếm của các nhà đầu tư ngoại.

Nhà đầu tư ngoại "chơi lớn"

Nhiều nhà đầu tư ngoại đã bắt đầu chuyển vốn vào các dự án BĐS tại Việt Nam theo hình thức mua lại cổ phần. Một số ít doanh nghiệp Việt Nam với tiềm lực tài chính mạnh cũng gia nhập cuộc chơi nhưng quy mô của các thương vụ chỉ ở mức nhỏ và vừa.

Đồng quan điểm, theo quan sát của Savills Việt Nam (công ty 100% vốn nước ngoài cung cấp dịch vụ tư vấn toàn diện trong lĩnh vực BĐS tại Việt Nam), các hoạt động mua bán và sát nhập (M&A) BĐS tại Việt Nam gia tăng mạnh mẽ trong quý III năm nay.

Nhà đầu tư ngoại săn lùng bất động sản tại Việt Nam
Thị trường BĐS Việt Nam đang là điểm ngắm của nhiều nhà đầu tư ngoại.

Có thể kể đến hàng loạt thương vụ điển hình như SkyWorld Việt Nam - công ty con thuộc sở hữu của SkyWorld Development Berhad (Malaysia) đã mua khu đất có diện tích 2.060 m2 tại quận 8, TP.HCM của CTCP Sản xuất Thương mại và Kinh doanh BĐS Thuận Thành với giá 350 tỉ đồng, tương ứng 14,3 triệu USD để phát triển dự án nhà ở.

Một ông lớn khác của Malaysia là Gamuda Berhad đã chi khoảng 7.300 tỉ đồng, tương đương gần 315,8 triệu USD để mua 3,68 ha đất tại TP Thủ Đức từ Công ty Cổ phần BĐS Tâm Lực để phát triển dự án đa dụng.

Hay như Tập đoàn Keppel - một trong những tập đoàn đa quốc gia lớn nhất Singapore đã mua 65% cổ phần trong một doanh nghiệp đang sở hữu một BĐS thương mại tại Hà Nội với tổng giá trị hơn 1.230 tỉ đồng. Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Phát triển Bình Minh sẽ nắm giữ 35% cổ phần còn lại.

Ngoài ra, có thể kể đến một vài giao dịch mua bán và sáp nhập khác như Công ty Cổ phần Địa ốc First Real Land (Việt Nam) đã mua 22% cổ phần vốn điều lệ của Công ty Cổ phần thương mại - dịch vụ Bạch Đằng, chủ sở hữu một lô đất diện tích 6.879 m2 tại Đà Nẵng với giá 8,2 triệu USD.

Pháp lý dự án là mấu chốt

Tập đoàn Saigonres (Việt Nam) đã thực hiện các thủ tục M&A để mua 90% cổ phần của Công ty Cổ phần Đức Nhi, trở thành chủ sở hữu của một lô đất diện tích 7.700 m2 ngay mặt tiền đường Lê Sát, phường Tân Phú, quận Tân Phú, TP.HCM.

Thương vụ không tiết lộ giá trị, song doanh nghiệp địa ốc cho rằng với quỹ đất sạch ngày càng khan hiếm thì việc Saigonres Group mua thành công một khu đất đẹp ngay ở khu vực nội thành là điều không dễ dàng.

Điểm chung của các dự án lọt vào tầm ngắm của các nhà đầu tư nước ngoài là pháp lý dự án phải "sạch".

Bởi theo VARS, hoạt động M&A hiện chưa phát triển tương xứng với tiềm năng do vướng mắc về pháp lý là rào cản lớn nhất khiến các thương vụ mua bán và sáp nhập bị kìm chân, đồng thời hạn chế cơ hội lựa chọn của các nhà đầu tư ngoại.

Nhóm các nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu đến từ Singapore, Đài Loan, Nhật Bản, Malaysia... Quy mô vốn cho mỗi thương vụ khoảng từ 20 - 50 triệu USD.

Các nhà đầu tư ngoại đều ưu tiên dự án pháp lý "sạch", có tiềm năng trong tương lai, vị trí đẹp và giá bán giảm 10-20% so với giai đoạn trước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm