Bất động sản gặp khó, HUBA kiến nghị giải cứu

Bất động sản gặp khó, HUBA kiến nghị giải cứu

(PLO)- Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) kiến nghị hàng loạt giải pháp tháo gỡ khó khăn kéo dài của thị trường bất động sản đang gặp phải.

Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) vừa có báo cáo tháng 10 gửi UBND TP.HCM về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp thành viên, trong đó có lĩnh vực bất động sản.

Kiến nghị giảm 2% thuế VAT cho bất động sản

Báo cáo HUBA cho biết doanh nghiệp xây dựng, bất động sản hầu hết khó khăn do nợ nần chồng chất không thu hồi được nợ và khó có khả năng trả nợ trái phiếu. Sự đóng băng của thị trường bất động sản làm cho các doanh nghiệp xây dựng không có đơn hàng, kinh doanh đình đốn.

Nguyên nhân do không có vốn kinh doanh nên việc tiếp cận dự án đầu tư công là khó khả thi, kết quả là hàng loạt đơn vị xây dựng, bất động sản nhỏ lâm vào tình trạng phá sản.

Bên cạnh đó, thị trường bất động sản bị thu hẹp đáng kể với nguyên nhân chủ yếu là sự suy giảm niềm tin của người tiêu dùng đối với các chủ đầu tư.

Các khó khăn của bất động sản đã tác động nặng nề tới hầu hết các ngành kinh tế, đặc biệt là các ngành liên quan trực tiếp như xây dựng, vật liệu xây dựng, môi giới BĐS... và làm giảm đáng kể nguồn thu ngân sách trong lĩnh vực đấu giá đất công, cho thuê đất công, thuế chuyển quyền sử dụng đất và thuế chuyển nhượng BĐS.

bất động sản TPHCM HUBA kiến nghị giải cứu
Doanh nghiệp xây dựng, bất động sản hầu hết đang gặp khó khăn. Ảnh: QH

Theo HUBA, việc phục hồi thị trường bất động sản là nhu cầu cấp thiết, giúp thị trường phát triển lành mạnh, ổn định kinh tế - xã hội và tăng nguồn thu ngân sách nhà nước.

Hiện chính sách giảm thuế VAT 2% trong sáu tháng cuối năm (từ ngày 1-7-2023 đến 31-12-2023) đang rất được cộng đồng doanh nghiệp hoan nghênh. Tuy nhiên, có một số ngành, đặc biệt là bất động sản không được hỗ trợ và thời gian áp dụng quá ngắn, chưa đủ để hiệu quả của chính sách tác động sâu vào nền kinh tế.

Do đó, HUBA kiến nghị Chính phủ xem xét, cân đối ngân sách để áp dụng thuế suất giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 8% cho tất cả các ngành kinh tế và kéo dài chính sách hỗ trợ đến hết năm 2024. Đồng thời nên có chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và các khoản đóng góp bảo hiểm xã hội...nhằm hỗ trợ nguồn tiền kinh doanh của doanh nghiệp.

bat-dong-san-TPHCM-HUBA2.jpeg
Kiến nghị giảm 2% thuế VAT cho bất động sản. Ảnh: QH

Doanh nghiệp xây dựng, bất động sản hầu hết khó khăn do nợ nần chồng chất không thu hồi được nợ và khó có khả năng trả nợ trái phiếu. Sự đóng băng của thị trường bất động sản làm cho các doanh nghiệp xây dựng không có đơn hàng, kinh doanh đình đốn.

Ông Nguyễn Ngọc Hoà, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA)

Khơi thông nhà ở xã hội, bất động sản công nghiệp

Ngoài giảm thuế, cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị phát triển thị trường bất động sản theo từng phân khúc.

Đối với thị trường nhà ở, theo kế hoạch tại Quyết định 4151/2021 của UBND TP.HCM, giai đoạn 2021 - 2025 thành phố sẽ phát triển 50.000.000 m2 nhà ở.

Tuy nhiên, số lượng thực hiện là rất thấp, đặc biệt nhà ở xã hội và nhà lưu trú công nhân chưa đáp ứng đủ 10% nhu cầu. Nguyên nhân cơ bản là vấn đề pháp lý, thủ tục, cơ chế thực hiện chưa rõ ràng.

Ông Nguyễn Ngọc Hoà, Chủ tịch HUBA, kiến nghị Thành phố cần có các chính sách hữu hiệu hỗ trợ sự phục hồi và phát triển của thị trường, hỗ trợ việc làm cho doanh nghiệp và đảm bảo nhu cầu an cư của người dân.

HUBA cũng cảnh báo cần cân nhắc rủi ro thị trường khi phê duyệt các dự án khu dân cư lớn, rút kinh nghiệm các dự án ở Nhơn Trạch (Đồng Nai) hay là Forest City (Malaysia).

bat-dong-san-TPHCM-HUBA3.jpeg
HUBA kiến nghị TP.HCM phát triển dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Ảnh: QH

Thứ hai, đối với thị trường bất động sản công nghiệp, ông Hòa đánh giá khó khăn của bất động sản công nghiệp là vấn đề nguồn cung và pháp lý đất khu công nghiệp.

Bên cạnh đó, hình thức thuê đất trả tiền hàng năm, không gắn liền với việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất làm mất khả năng thế chấp vay, điều này làm giảm sức cạnh tranh của các khu công nghiệp tại TP.HCM so với các tỉnh trong khu vực, cần xem xét điều chỉnh phù hợp.

“TP.HCM nên quy hoạch một số khu công nghiệp tập trung ở ngoại thành có diện tích đủ lớn cho các tập đoàn đa quốc gia xây dựng đại bản doanh (như Apple, Boeing, Google, Siemens, Amazon, Foxcom...), từ đó tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước cung cấp dịch vụ, sản xuất phụ trợ và tạo việc làm cho người lao động”- ông Hoà góp ý.

can-ho-chung-cu-cao-cap9.jpg
TP.HCM có thể phát triển bất động sản du lịch, bất động sản công nghiệp. Ảnh: QH

Riêng với thị trường bất động sản thương mại - du lịch, bao gồm: các biệt thự nghỉ dưỡng, condotel, officetel, shophouse... thị trường này hầu như tê liệt thời gian qua, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 và pháp lý chủ quyền.

Lãnh đạo HUBA kiến nghị TP.HCM nên xem xét điều chỉnh chính sách hỗ trợ theo định hướng phát triển ngành công nghiệp không khói, tận dụng lợi thế đất đai, môi trường, sông rạch, di tích lịch sử, truyền thống, nguồn nhân lực hiện có, ít tác động đến môi trường, cảnh quan, tạo nguồn thu ổn định, lâu dài cho ngân sách. Trong đó, tiềm năng du lịch - thương mại sông Sài Gòn cần được khai thác sớm, làm điểm nhấn đột phá và lưu giữ du khách khi tới TP.HCM.

Cần khảo sát, xóa bỏ tình trạng đất hoang hóa

Nghị quyết số 98/2023/QH15 thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Trong đó, Nghị quyết 98 cho phép thành phố quyết định chuyển đổi đất lúa dưới 500 ha làm dự án nhà ở xã hội. Đồng thời, cho phép doanh nghiệp được thế chấp, chuyển nhượng hoặc cho thuê quyền thuê đối với đất thuê trả tiền hằng năm nguồn gốc ngoài ngân sách.

hinh-bds-tpchm.JPG
TP.HCM cần xóa bỏ tình trạng đất hoang hóa, tăng hiệu quả kinh tế sử dụng đất.
Ảnh: QH

Do đó, HUBA kiến nghị TP.HCM nên tiến hành khảo sát hiện trạng sử dụng đất để xóa bỏ tình trạng đất hoang hóa, tăng hiệu quả kinh tế sử dụng đất. Trong đó, đặc biệt quan tâm sử dụng đất cho loại hình bất động sản công nghiệp và bất động sản nông nghiệp kết hợp du lịch đang có nhu cầu lớn hiện nay.

Đọc thêm