Vào khoảng 0 giờ 28 phút ngày 9-10-2017, trái tim nhà giáo, PGS Văn Như Cương ngừng nhịp đập. Sáng cùng ngày, Facebook của các thế hệ học trò, bạn bè… của ông tràn ngập sự hụt hẫng, đau buồn.
Ngàn hạc trắng… giữ thầy ở lại
Trước đó, PGS Văn Như Cương đã phải trải qua ba năm chống chọi với bệnh ung thư gan.
Còn nhớ vào hồi đầu năm nay, khi biết tin thầy lâm trọng bệnh, 3.000 học sinh của Trường Lương Thế Vinh đã hát vang ca khúc truyền thống Bài ca Lương Thế Vinh như một món quà tinh thần gửi tặng thầy. Ngoài ra, 19.000 con hạc giấy đã được các học sinh gấp, ghi lời ước nguyện giúp thầy vững vàng chống chọi với bệnh tật và sớm bình phục trở về. Nhưng rồi thầy vẫn phải rời xa những cặp mắt bé thơ để “Ngàn hạc trắng tiễn thầy về cõi trời thanh sạch”.
Là người con của làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), PGS Văn Như Cương sinh ra trong gia đình làm nghề dạy chữ Hán. Tốt nghiệp phổ thông năm 1954, thầy ra Hà Nội học khoa Toán, ĐH Sư phạm Hà Nội và được giữ làm cán bộ giảng dạy.
Theo lời kêu gọi của GS Nguyễn Thúc Hào, thầy Cương cùng thầy Hào vào xây dựng ĐH Sư phạm Vinh (Nghệ An). Sau đó thầy được cử đi học chương trình nghiên cứu sinh ngành toán học tại Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô (cũ). Bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ vào năm 1971, thầy Cương trở về giảng dạy ở tổ hình học, khoa Toán, ĐH Sư phạm Vinh, sau đó lại về ĐH Sư phạm Hà Nội.
Hình ảnh đầy ấn tượng sẽ không phai mờ trong tâm trí bao người. Ảnh: Tư liệu
Thầy cũng là tác giả của nhiều cuốn sách (cả viết và dịch) và là chủ biên của hơn 60 đầu sách sách giáo khoa, sách tham khảo phổ thông và giáo trình ĐH về chuyên ngành hình học.
Đến năm 1989, với suy nghĩ phải có loại trường khác với trường công lập mong thay đổi nền giáo dục đang trì trệ bởi cung cách dạy và học từ thời bao cấp, thầy làm đơn xin thành lập trường phổ thông dân lập đầu tiên tại Việt Nam, mang tên nhà toán học nổi tiếng Lương Thế Vinh.
“Văn Như Cương, toán cũng như Cương”
Không chỉ là nhà giáo, thầy cũng là người có chất nghệ sĩ. Chia sẻ con người PGS Văn Như Cương ở góc độ nghệ sĩ, PGS Đỗ Ngọc Thống, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT), nhận xét thầy Cương còn là nhà thơ, nhất là thơ Đường luật. “Còn nhớ ngày nào ông đọc tôi nghe bài thơ Đường mới viết, khi tôi khen, ông cười bảo thế cậu không nghe câu “toán Như Cương mà văn cũng Như Cương” à?” - PGS Thống kể lại.
Thầy Đào Tuấn Đạt (Hiệu trưởng Trường THPT Anhxtanh Hà Nội), người có thời gian làm việc cùng với PGS Văn Như Cương, bổ sung thêm: “Thầy Cương từng làm bốn câu thơ nổi tiếng: Em cắm hoa tươi đặt cạnh bàn/ Mong rằng toán học bớt khô khan/ Em ơi trong toán nhiều công thức/ Đẹp tựa như hoa lại chẳng tàn”.
Những bài phát biểu ấn tượng mùa khai giảng
Ở góc độ của người làm chuyên môn, PGS Văn Như Cương cũng ghi dấu ấn ở tinh thần phản biện và là người truyền cảm hứng cho các thế hệ học trò.
Năm 2013, thầy đã “xin các bậc làm cha làm mẹ hãy thận trọng và bình tĩnh khi nhận xét, đánh giá con cái mình”. Thầy căn dặn: “Hãy dạy con chúng ta có tấm lòng nhân ái, biết làm việc từ thiện dù rất nhỏ và có thái độ thân thiện đối với mọi người. Lòng thương người, tính đôn hậu là tính tốt cơ bản nhất mỗi con người nên có. Và hãy dạy con cái mình sống nhiều hơn với các thế giới có thật xung quanh, đang diễn ra hằng ngày… để chúng đừng đắm mình và chạy theo thế giới ảo trên các trang mạng”.
Cuộc trò chuyện với thần chết
|
Tiếp đến, vào năm 2014, cũng trong lễ khai giảng, thầy nhắn nhủ học sinh phải biết “yêu núi cao, sông dài, yêu rừng xanh, biển bạc, yêu đất liền và đảo xa”. Thầy cho rằng một nắm đất ở vùng biên giới, một vốc cát ở Trường Sa, hay Hoàng Sa đều do ông cha ta để lại, đều không thể mất… Vì vậy, hãy yêu mến nhân dân mình, gần gũi nhất là yêu gia đình mình, yêu bạn bè, thầy cô.
Mùa khai giảng cuối cùng của mình trên cõi tạm, cũng là mùa khai giảng cuối cùng học sinh Trường Lương Thế Vinh thấy người thầy yêu quý, thầy nói: “Mỗi người đều có thời gian sống rất hữu hạn. Nếu họ mắc phải bệnh lười biếng thì khoảng thời gian sống đó càng trở nên ngắn ngủi”. Thầy giới thiệu phương pháp Kaizen để chữa bệnh lười. Mỗi ngày học sinh chỉ cần bỏ ra một phút để chống tay hít đất 10 cái hoặc học một từ tiếng Anh cùng với một số câu có chứa từ đó, hoặc làm một vài bài toán đơn giản.
“Ngày nào cũng phải làm việc ấy đúng một phút, từ đó các em sẽ cảm thấy bị lôi cuốn và đó là khi em đạt được bước đầu thành công trong quá trình vượt qua sự lười biếng... Hãy nhớ công việc gì có thể làm hôm nay thì đừng để đến ngày mai” - thầy nhắn nhủ học trò…
Những phản biện sắc sảo Năm 2014, Bộ GD&ĐT xây dựng dự thảo đề án đổi mới chương trình và sách giáo khoa với kinh phí dự kiến lên đến hơn 34.000 tỉ đồng (tương đương 1,7 tỉ USD). Khẳng định từ trước đến nay việc viết sách rất tiết kiệm, thầy Cương đề nghị thành lập trại viết sách giáo khoa tập trung và mời các tác giả đến. Những người này cần từ bỏ công việc của mình, tách ra ba tháng chỉ đặc phái đi viết sách xong lại về làm việc như cũ. Trước thực trạng một số trường sư phạm lấy điểm đầu vào quá thấp ở mùa tuyển sinh vừa qua, PGS Cương cho rằng đây là điều “hết sức lo ngại”. “Đội ngũ giáo viên tốt thì công cuộc đổi mới giáo dục sẽ thắng lợi, ngược lại đội ngũ này không đáp ứng được yêu cầu thì sẽ thất bại. Ra trận mà lính yếu ớt thì còn đánh được ai. Đầu vào trường sư phạm thấp thì đầu ra cũng không thể cao được” - thầy Cương nói và đề xuất điểm chuẩn sư phạm phải cao hơn mức sàn của Bộ GD&ĐT. |