Sở Du lịch TP.HCM vừa đề xuất UBND TP hai phương án xã hội hóa nhà vệ sinh (NVS) công cộng phục vụ miễn phí người dân và du khách trên địa bàn TP (báo Pháp Luật TP.HCM ngày 15-7 đã thông tin). Bạn đọc đã có nhiều ý kiến góp ý cho hai phương án trên.
Thiếu trân trọng những gì không mất tiền
• Trong hai phương án, tôi rất ủng hộ việc vận động doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh nhà hàng, khách sạn, quán cà phê, cửa hàng xăng dầu… treo bảng hiệu cho du khách sử dụng NVS sẵn có. Tuy vậy, theo tôi không nên miễn phí. Nghe thì có vẻ ích kỷ và tạo cảm giác khó chịu nhưng tôi nghĩ phải nhìn ở hai mặt: ý thức của du khách và người dân vãng lai; sự tôn trọng quyền lợi đối với DN thực hiện cuộc vận động.
Thứ nhất, ý thức nhiều người Việt mình rất kém. Các NVS trong sân bay, nhà ga là minh chứng rất rõ. Nhiều người không thèm xả nước cho sạch bồn cầu, thậm chí nôn trong lavabo rồi bỏ đi, hoặc mở nước rửa tay xong lại không thèm đóng kỹ van. Khi bị nhân viên dọn dẹp nhắc nhở hoặc do bực quá nên cằn nhằn đôi chút thì người không giữ vệ sinh lại còn cự nự kiểu: “Nhiệm vụ thì phải quét dọn, lau chùi, bày đặt ý kiến ý cò”.
Nói đâu xa, cơ quan tôi là công sở, toàn người chí ít tốt nghiệp đại học làm việc nhưng có người vẫn vô tư đổ thức ăn vô bồn, vứt thẳng giấy vào gây tắc đường thoát nước. Thậm chí có hôm họ còn để cả dấu giày chễm chệ trên bệ trông rất bẩn, các chị quét dọn phải chà rửa rất tội. Ngay cái lavabo rửa mặt, có người thay nước lọ hoa rồi để cánh hoa hoặc sỏi trang trí rơi xuống đường ống… Tâm lý con người, hễ cái gì “miễn phí” thì thường thiếu trân trọng khi sử dụng.
Thứ hai, hàng quán cho đi vệ sinh cũng phải thuê hoặc cử người giám sát, nhắc nhở khách và lau dọn để NVS sạch sẽ. Người đông thì phải lau dọn nhiều hơn, mệt hơn, sẽ liên quan đến tiền công mà chủ hàng quán phải chi. Thứ ba, đã là khách du lịch thì đều có tiền trong túi, tôi tin không ai tiếc một vài ngàn đồng để đi vệ sinh. Số tiền đó tưởng không đáng là bao nhưng có thể góp cho nhà hàng bù đắp cho các chi phí giấy vệ sinh, điện nước, khấu hao thiết bị… Khi ấy, chủ nhà hàng cũng có tâm lý thoải mái hơn mà khách vào sử dụng NVS cũng có ý thức trách nhiệm hơn. Với tình trạng người vãng lai cơ nhỡ, chủ nhà hàng, quán ăn có thể căn cứ vào tình hình để cho khách đi miễn phí.
TRẦN THỊ HÀ (Quận 1, TP.HCM)
Một nhà vệ sinh công cộng sạch sẽ, lịch sự của Sacombank tại Công viên Lê Văn Tám, TP.HCM. Ảnh: HTD
• Hiện nay dù chúng tôi không treo bảng miễn phí NVS nhưng khách có nhu cầu vẫn vào bình thường. Một số khách lịch sự hỏi, xin phép nhưng cũng có người tỉnh bơ đi thẳng vào. Làm kinh doanh ở khu vực có khách du lịch nên chúng tôi cũng muốn tạo điều kiện thoải mái cho mọi người. Theo tôi, không nên treo bảng cho đi vệ sinh miễn phí. Thứ nhất về thẩm mỹ, đây là điều tế nhị. Nếu treo bảng như vậy, nhà hàng giống như một NVS công cộng. Mặt khác, thực tế những trường hợp chúng tôi để khách vào lại cho thấy ý thức khá tệ. Có những khách bên ngoài vào “chiếm lĩnh” NVS khá lâu, làm cho khách của nhà hàng dù chỉ muốn đi rửa tay trước khi dùng bữa cũng phải chờ đợi. Lại có trường hợp khách vào bày bừa rất mất vệ sinh. Cá biệt có người vào NVS xong còn lấy đi cả một cuộn giấy to, nhân viên nhà hàng chạy theo cản mà không kịp. Đó là những điều rất khó nói của chúng tôi.
NTT (Chủ nhà hàng thức ăn nhanh, quận 1, TP.HCM)
Ủng hộ việc giao các doanh nghiệp
• Tôi thật sự ngại việc treo bảng cho đi vệ sinh, kể cả có thu phí. Nhiều người Việt rất thiếu ý thức. Quán chúng tôi đã có ghi rõ ràng là không xả giấy hay bất cứ vật dụng nào vào toilet, không giẫm chân lên bệ nhưng có người vẫn hành xử như thế. Tiền thuê người thông cống, sửa chữa tốn kém khá nhiều. Tôi cũng băn khoăn là nếu tôi treo bảng như vậy, sẽ có nhiều người ra vào, những kẻ trộm cắp lợi dụng cơ hội hành nghề, khách hàng bị mất mát tài sản, ảnh hưởng đến uy tín cửa hàng chúng tôi. Đến lúc đó ai chịu trách nhiệm?
Tôi ủng hộ việc xây NVS công cộng, cụ thể giao các DN có nguyện vọng đầu tư NVS cao cấp để phục vụ dân và khách du lịch. Quyền lợi của DN là được phép quảng bá thương hiệu tại khu vực xây dựng NVS như Sacombank đã làm. Song, nếu thực hiện phương án này thì cũng không nên miễn phí. Đồng tiền đi liền trách nhiệm, lấy tiền đó trả thêm cho nhân viên dọn vệ sinh, có người giám sát và dọn dẹp thì sẽ góp phần khiến du khách nâng cao trách nhiệm giữ gìn vệ sinh chung hơn.
NGUYỄN THANH (kinh doanh quán cà phê ở quận 1, TP.HCM)
• Việc cho đi vệ sinh miễn phí nghe thì hay nhưng e làm sẽ khó. Nhà nước chưa làm đủ NVS miễn phí phục vụ nhu cầu người dân thì khó kêu gọi người dân cho khách lạ sử dụng miễn phí. Hoạt động của các DN thường đi liền với mục đích lợi nhuận nên việc kêu gọi miễn phí xem ra gian nan. Nếu phải chọn một trong hai phương án mà báo đã nêu, tôi sẽ chọn phương án thứ nhất, khả thi hơn, có tính ổn định lâu dài hơn, tuy vậy DN rất cần sự ủng hộ về chủ trương, kinh phí và ưu đãi của Nhà nước.
TRẦN DUY LONG (Quận 9, TP.HCM)
2 phương án 1. Giao các DN có nguyện vọng đầu tư NVS cao cấp. Quyền lợi của DN là được phép quảng bá thương hiệu tại khu vực xây dựng NVS. Nếu DN là ngân hàng thì cơ quan chức năng có thể cho phép xây dựng trụ ATM. 2. Chỉ đạo UBND quận/huyện vận động DN, hộ kinh doanh nhà hàng, khách sạn, quán cà phê, cửa hàng xăng dầu… trên địa bàn treo bảng hiệu cho du khách sử dụng miễn phí NVS sẵn có. (Theo Sở Du lịch TP.HCM) |