Nhà ‘hang’ trên tuyến đường mới

Một đoạn đường Phạm Văn Đồng (1,4 km, đi qua quận Thủ Đức) vừa tiếp tục được hoàn thành, giúp tháo gỡ tình trạng kẹt xe thường xuyên xảy ra trên đường Kha Vạn Cân. Nhưng đi qua đoạn đường mới, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng khi nhìn thấy những căn nhà thấp lè tè so với mặt đường.

Nhà mới xây cũng thành hầm

Đi dọc đoạn đường, chúng tôi ghi nhận có hàng chục căn nhà có tầng trệt y hệt tầng hầm do nằm sâu hun hút so với mặt đường phía trước. Đơn cử, chủ nhân của cụm ba căn nhà tại địa chỉ 252 Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh phải đặt một cầu thang dốc ngược vào nhà để có lối ra vào. Lý do là nền của cụm ba căn nhà này thấp hơn vỉa hè gần 1 m.

Thậm chí có những căn nhà mà khi đứng trên vỉa hè, chúng tôi chỉ cần bước với chân là có thể leo lên tới… nóc. Ông T. (phường Hiệp Bình Chánh) cho biết sở dĩ căn nhà ông thành hầm là vì khi xây mới, tuyến đường Phạm Văn Đồng được nâng lên rất cao. “Căn nhà bỗng lọt thỏm xuống quá sâu. Phương án nâng cao nền nhà gần như không làm được (do nếu nâng thì nền nhà sẽ đụng… trần), trong khi gia đình chưa có điều kiện xây lại nhà nên đành phải sống trong hầm và đi gửi xe nhà hàng xóm” - ông T. nói.

Không chỉ những căn nhà cũ, nhiều hộ dân bị giải tỏa để làm đường Phạm Văn Đồng khi xây lại nhà mới cũng rơi vào hoàn cảnh vừa nêu. Như khu vực gần cầu Gò Dưa, phường Hiệp Bình Chánh có một căn nhà mới xây nhưng bị vỉa hè bít quá nửa cửa sổ. Còn phía bên kia cầu (thuộc phường Linh Đông), nền của vựa gạo Đại Lâm thấp hơn mặt đường hơn 1,5 m.

Nền căn nhà này thấp hơn vỉa hè đường Phạm Văn Đồng khoảng 1,5 m. Ảnh: MP

Thiếu phối hợp, dân chịu thiệt

Thực trạng “kẻ cao, người thấp” vừa nêu không chỉ xảy ra ở nhà riêng lẻ của dân mà còn xảy ra ở các công trình do Nhà nước thực hiện. Đó là vài chục căn nhà liên kế gần vựa gạo Đại Lâm, được Nhà nước xây dựng để bố trí tái định cư cho những hộ dân bị giải tỏa trong dự án xây đường Phạm Văn Đồng. Sau khi đã hoàn thành, các căn nhà này phải sửa lại nền, làm lại lối ra vào bởi nền nhà thấp hơn vỉa hè gần 40 cm. Nghiêm trọng hơn, tuyến đường Kha Vạn Cân (đoạn mới được nâng cao hơn 1 m cách đây không lâu) lại có độ chênh rất lớn so với mặt đường Phạm Văn Đồng, có nơi thấp tới hơn 1 m.

Trước đây, người dân từng phản ứng dự án nâng đường Kha Vạn Cân vì họ buộc phải bước vào cuộc đua nâng đường - nâng nhà. Khi đó chủ đầu tư lý giải, đường Kha Vạn Cân được nâng để đảm bảo kết nối với dự án Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài (nay là đường Phạm Văn Đồng). Nhưng thực tế hiện nay hai tuyến đường này lại vênh nhau rất nhiều như đã nói.

Được biết trong hồ sơ thiết kế của dự án nâng đường Kha Vạn Cân và đường Phạm Văn Đồng (đều đã được cơ quan chức năng phê duyệt), một trong những căn cứ quan trọng là cốt nền không thấp hơn 2 m. Vậy vì sao có sự chệch choạc nêu trên?

Theo TS Phạm Sanh, đó là do không có phối hợp với nhau ở hai dự án. “Đường Kha Vạn Cân được nâng ở thời điểm dự án Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài qua khu vực chỉ mới trên bản vẽ và có thể sau đó đã được điều chỉnh về cao độ. Nhưng điều chỉnh gì đi nữa thì cốt nền cần phải được đảm bảo để các tuyến đường kết nối đồng bộ. Việc để xảy ra tình trạng như trên là lỗi ở cơ quan chuyên ngành quản lý giao thông” - TS Sanh nhấn mạnh.

Một yếu tố quan trọng nữa là hiện nhiều địa phương khi cấp phép xây dựng cho nhà dân riêng lẻ gần như không quan tâm và có khuyến cáo để người dân lựa chọn cao độ nền nhà hợp lý. “Chính vì không được khuyến cáo nên nhiều người dân phòng xa làm nền nhà cao hơn mặt đường hiện hữu rất nhiều. Nhưng điều đó chưa hẳn đúng, vì họ không thể đoán được độ cao nền nhà phù hợp với cao trình tương lai của đường” - lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị một quận trung tâm nói.

Nâng đường ở cửa ngõ miền Tây cao thêm 1 m

Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM dự kiến thực hiện dự án chống ngập cho tuyến đường Kinh Dương Vương, đoạn từ mũi tàu Phú Lâm đến vòng xoay An Lạc. Dự án sẽ xây hệ thống cống thoát nước và nâng cao đoạn đường này lên khoảng 1 m so với mặt đường hiện hữu.

Trung tâm Chống ngập cho rằng nếu nâng đường Kinh Dương Vương lên cao hơn nữa sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt và việc kinh doanh buôn bán của người dân hai bên đường.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm