CHẤT VẤN TẠI KỲ HỌP HĐND TP.HCM

Nhà không phép: Có tiêu cực của cán bộ

“Nhiều nơi nói lực lượng thiếu, mỏng nhưng dù thiếu, mỏng tới đâu cũng không đến nỗi không biết công trình trái phép mọc lên. Nói không thấy một căn thì còn cho là sai sót, chứ hàng trăm căn nhà trái phép mọc lên mà cứ nói không biết, không thấy là sao? Cứ cho là chính quyền, cán bộ địa chính, thanh tra xây dựng (TTXD) không biết đi nhưng dân thì họ biết hết đấy. Bởi vậy cần phải có cơ chế khuyến khích, thậm chí bảo vệ người dân khi họ phối hợp cùng với chính quyền giám sát vấn đề này. Nếu ta không kiên quyết xử lý thì sai phạm sẽ lại có cơ hội đua nhau mà nảy nở”.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín phát biểu như vậy trong phiên chất vấn tại kỳ họp HĐND TP ngày 12-7.

Không loại trừ nguyên nhân tiêu cực

Trả lời chất vấn của đại biểu (ĐB) Thi Thị Tuyết Nhung về hơn 600 căn nhà không phép ở huyện Bình Chánh, ông Trần Trọng Tuấn nêu ba nguyên nhân chính: Do tâm lý hoang mang của lực lượng thanh tra viên, cộng tác viên TTXD trước thời điểm chuyển giao (theo Nghị định 26) nên có hiện tượng buông lỏng kiểm tra, giám sát. Cạnh đó, do địa bàn rộng trong khi lực lượng TTXD sau khi kiện toàn giảm xuống 1/3 so với trước đó nên ảnh hưởng không nhỏ đến trật tự xây dựng. “Không loại trừ nguyên nhân có tiêu cực trong cán bộ xã và lực lượng TTXD tại địa phương nên đã làm ngơ, tiếp tay hoặc bao che cho việc xây dựng không phép, sai phép” - ông Tuấn nói.

Nhà không phép: Có tiêu cực của cán bộ ảnh 1

ĐB Thi Thị Tuyết Nhung chất vấn Giám đốc Sở Xây dựng Trần Trọng Tuấn về nhà xây không phép ở huyện Bình Chánh. Ảnh: HTD

Chưa hài lòng với giải trình của Sở Xây dựng, ĐB Nhung truy tiếp: “Trước thời điểm chuyển lực lượng TTXD về Sở quản lý, vẫn còn hơn 800 trường hợp xây dựng không phép. Như vậy, trong thời gian dài công tác quản lý về trật tự xây dựng ở địa phương như thế nào? Công tác kiểm điểm các tổ chức, cá nhân phải chăng làm chưa nghiêm?”.

ĐB Phạm Thị Thanh Hiền cũng cho rằng không thể đổ hết nguyên nhân cho thời điểm chuyển giao TTXD địa phương về Sở quản lý theo Nghị định 26 và cần sự minh bạch hơn trong xử lý nhà không phép. “Có những căn nhà xây không phép mọc lên hai tầng nhưng vẫn tồn tại mà không thấy lực lượng chức năng nhòm ngó gì. Trong khi có những trường hợp mới chỉ đổ xe cát là đã bị xử ngay” - bà Hiền dẫn chứng.

Nói không biết thì không ai tin

Trả lời các ĐB, giám đốc Sở Xây dựng cho biết từ khi hiện tượng xây nhà không phép nở rộ tại quận 9, Thủ Đức, Gò Vấp, Bình Chánh, sở này đã làm việc với các địa phương để chấn chỉnh kịp thời. Để xảy ra tình trạng như đã nêu, trách nhiệm lớn nhất thuộc về cấp quản lý nhà nước tại địa phương (địa chính và TTXD). Huyện Bình Chánh đã tổ chức kiểm điểm bí thư các xã, xử lý các cán bộ có liên quan. Đặc biệt, đã có một phó chủ tịch của một xã ở Bình Chánh bị khởi tố hình sự. “Quan điểm của Sở là không bao che, sai phạm đến đâu xử lý đến đó” - ông Tuấn nói và cho biết tới ngày 15-8 sẽ xử lý xong toàn bộ 2.262 trường hợp xây dựng không phép trên toàn TP.

Chiều cùng ngày, trả lời thêm về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín khẳng định: Quan điểm của TP là kiên quyết xử lý nhà xây trái phép, không chỉ ở Bình Chánh mà ở quận, huyện nào cũng vậy. Việc xây nhà trái phép đã là nghiêm trọng rồi, những hệ lụy mà nó để lại rất lâu dài, nghiêm trọng. Nếu xử lý không khéo sẽ tác động xấu tới xã hội, kỷ cương phép nước, luật pháp bị coi thường, bị vô hiệu hóa.

“Lâu nay khen thưởng thì ai cũng có phần nhưng trách nhiệm tìm hoài không thấy chỗ. Muốn xử lý dứt điểm vấn đề này, cái gốc chính là phải minh định cho được trách nhiệm thuộc về ai, đồng thời xét xem trách nhiệm của địa phương ở mức độ nào. Việc xảy ra tại địa phương mà địa phương trả lời tôi không biết, không thấy thì sao tin được” - ông Tín nói.

Gỡ khó cho người vay vốn mua nhà ở xã hội

Trả lời chất vấn của ĐB Võ Văn Sen về kế hoạch thực hiện chương trình 3.000 căn nhà ở xã hội (NƠXH) của TP, Giám đốc Sở Xây dựng Trần Trọng Tuấn cho biết TP phấn đấu khoảng 50% đối tượng trong 3.000 căn NƠXH từ nay đến cuối năm có thể được giải quyết vay vốn trong gói 30.000 tỉ đồng. Ông Tuấn nêu ra ba vướng mắc trong quá trình thực hiện chương trình cho vay: Người vay vốn phải có tài sản thế chấp; phải xác minh tình trạng nhà ở. Hai điều kiện này, Sở đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng để tháo gỡ. Riêng điều kiện người vay phải có 20% giá trị căn hộ mới được ký hợp đồng mua nhà, Sở kiến nghị chỉ áp dụng với trường hợp mua, không áp dụng đối với trường hợp thuê, thuê mua.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín cũng cho hay trước tình trạng bất động sản còn tồn kho nhiều, TP đã bàn bạc, có chính sách biến lượng hàng tồn kho là nhà ở thương mại thành quỹ NƠXH nhưng vấn đề đau đầu nhất là giá cả. “Hiện giá nhà ở thương mại là 20 triệu đồng/m2, cán bộ nhân viên làm sao mua được trong khi thu nhập trung bình của họ chỉ 8-9 triệu đồng/người/tháng. Trừ tiền ăn, học hành, các chi phí khác thì chi phí ở của họ chỉ còn lại 2-3 triệu đồng, vậy tích lũy tới bao giờ mới mua được nhà?” - ông Tín nêu thực trạng.

Để người thu nhập thấp có thể mua được nhà, ông Tín cho biết thêm TP đã thí điểm ba dự án NƠXH, vừa làm vừa mày mò rút kinh nghiệm. Đồng thời, tiếp cận để thương thảo với nhà đầu tư để hạ giá xuống, lúc đó nhà đầu tư phải chịu thiệt một phần, Nhà nước gánh một phần, kể cả ngân hàng cũng phải cơ cấu lại lãi suất mới mong điều chỉnh giá nhà về 10-11 triệu đồng/m2 được (với nhà bán) và 2-3 triệu đồng/tháng với nhà thuê mua.

VIỆT HOA - THU HƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm