Sáu tháng đầu năm nay, nhờ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ổn định tỉ giá đã giúp nhiều doanh nghiệp (DN) có lãi tốt. Nhưng đến thời điểm hiện nay, nhiều công ty thừa nhận việc tỉ giá VND/USD tăng mạnh ở cả thị trường chính thức và phi chính thức trong khi sức mua sụt giảm khiến cả xuất khẩu lẫn nhập khẩu đều bị ảnh hưởng.
Nhiều công ty gặp bất lợi vì tỉ giá
Ông Tạ Quang Huyên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hoàng Sơn 1, nhìn nhận tỉ giá USD/VND tăng khiến các công ty chế biến điều xuất khẩu gặp không ít thách thức. Bởi cả nhà xuất khẩu lẫn nhập khẩu đều đi vay USD là chủ yếu vì lãi suất tương đối thấp (khoảng 4%-5%), trong khi lãi suất vay bằng VND cao. Chính vì vay USD nên khi giá USD tăng thì DN lỗ tỉ giá.
Giá USD tăng, về mặt lý thuyết nhà xuất khẩu có lợi khi bán hàng thu về tiền USD quy ra tiền VND được nhiều hơn nhưng thực tế hiện nay không phải như vậy. Cụ thể, do lạm phát tăng cao diễn ra ở nhiều nước trên thế giới nên nhu cầu tiêu dùng của người dân các nước cũng giảm. Khách hàng giảm đơn hàng tiêu thụ khiến DN lỗ 20% vì giá bán thấp hơn mọi năm. Ví dụ, nếu mọi năm giá điều nhân loại tiêu chuẩn xuất khẩu khoảng 3 USD/kg thì hiện giảm chỉ còn 2,5 USD/kg.
Ngành thủy sản cũng chung cảnh ngộ trước áp lực của tỉ giá tăng trong thời gian qua. Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Gò Đàng, phân tích: Tỉ giá tăng đồng nghĩa lãi suất cho vay USD cũng tăng lên, trong khi xuất khẩu thủy sản vay USD nên gặp bất lợi. Ngoài ra, các công ty chế biến xuất khẩu hầu như đều phải nhập khẩu các chất phụ gia, thiết bị, máy móc… nên đồng USD tăng đồng nghĩa chi phí nhập hàng cũng tăng lên.
|
Tối đa hóa nguồn nguyên liệu nội địa, giảm dần sự phụ thuộc vào nhập khẩu sẽ giúp doanh nghiệp giảm rủi ro tỉ giá. Ảnh: QH |
“Vì thế, dù xuất khẩu có lợi khi giá USD tăng nhưng cũng có nhiều bất lợi, chưa kể thị trường xuất khẩu đang giảm sức mua nên cuối cùng nhà xuất khẩu cũng khó như nhập khẩu” - ông Đạo chia sẻ.
Tương tự, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM, cho biết các công ty dệt may muốn xuất khẩu thì phải nhập khẩu nguyên phụ liệu. Khi giá USD tăng DN phải chi thêm tiền nhập nguyên phụ liệu giá cao và phải gánh thêm phí nhập khẩu, phí vận tải đều tăng do tỉ giá.
Ông Hồng nhấn mạnh: “Đầu vào đã khó, đầu ra DN dệt may còn khó khăn hơn ở thời điểm hiện nay, khi đơn hàng sụt giảm khiến một số DN đối mặt với thua lỗ. Nhiều đơn vị phải giảm tần suất sản xuất từ ba ca/ngày xuống còn một ca/ngày vì thiếu đơn hàng sản xuất”.
Chủ động phòng ngừa trước việc USD tăng giá
Chuyên gia tài chính Trần Đình Phương cho biết so với các đồng tiền chủ chốt khác trên thế giới thì đồng tiền Việt Nam mất giá thấp hơn nhiều. Chẳng hạn, đồng yen Nhật đã mất gần 18% nhưng tiền đồng từ đầu năm đến nay chỉ mất giá 7%-8%. Để ổn định tỉ giá, NHNN có thể mang dự trữ ngoại tệ ra bán nhưng hiện dư địa cho vấn đề này đã không còn nhiều nên phải tăng tỉ giá. Sức ép có thể lớn hơn khi tháng 11 này, Fed có khả năng tăng lãi suất thêm 0,75%.
USD thị trường tự do hạ nhiệt
Ngày 28-10, giá USD tại các ngân hàng đứng im trong khi giá đồng bạc xanh trên thị trường tự do ghi nhận phiên giảm giá đầu tiên sau 10 ngày liên tiếp tăng mạnh.
Cụ thể, tại Ngân hàng Vietcombank, giá mua USD ở mức 24.567 VND/USD và giá bán ra ở mức 24.877 VND/USD, không tăng so với một ngày trước. Còn trên thị trường tự do, giá USD mua vào dao động 25.180-25.186 VND/USD, giá bán ra quanh mức 25.266-25.280 VND/USD, giảm 40-45 đồng/USD.
Theo ông Phương, để ứng phó với biến động tỉ giá, DN nên đa dạng thị trường nhập khẩu, lựa chọn đồng tiền thanh toán có lợi để trung hòa tác động của sức mạnh đồng USD. Trong dài hạn, DN nên chú trọng đến phòng ngừa rủi ro tỉ giá bằng cách tìm kiếm các ngân hàng có khả năng tài trợ thương mại tốt, sử dụng những công cụ tài chính phái sinh như mua bán ngoại tệ có kỳ hạn, các hợp đồng hoán đổi (SWAP)… Bên cạnh đó, để tăng năng lực cạnh tranh, DN phải tạo sự khác biệt cho sản phẩm, tối đa hóa nguồn nguyên liệu nội địa, giảm dần sự phụ thuộc vào nhập khẩu sẽ giúp giảm rủi ro tỉ giá.
Ông Andy Ho, Tổng giám đốc Hội đồng đầu tư của Tập đoàn VinaCapital, đánh giá do đồng USD mạnh lên nên khi DN vay bằng đồng USD sẽ chịu áp trả lãi cao hơn. Đặc biệt, các công ty phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu sẽ chịu nhiều thiệt hại khi tỉ giá tăng. Trong tình hình hiện nay, nếu DN nào chỉ có đầu ra tại thị trường nội địa, không có nguồn thu ngoại tệ thì không nên vay USD lúc này vì nếu tiền đồng tiếp tục giảm giá sẽ phải trả tiền lãi và gốc cao hơn.
“Trong bối cảnh tỉ giá còn khó dự đoán, DN nhập khẩu muốn hạn chế rủi ro tỉ giá nên tham gia vào thị trường quyền chọn hay phái sinh để bảo vệ mình. Nhưng với công ty xuất khẩu, có cơ hội thu USD có thể vay bằng USD do tiền lãi USD lúc này vẫn còn thấp hơn tiền đồng” - ông Andy Ho khuyến nghị.
Điều hành tỉ giá chủ động, phù hợp
Tại báo cáo vừa gửi Quốc hội, NHNN cho biết từ đầu năm đến nay, đặc biệt là từ giai đoạn tháng 3, tỉ giá và thị trường ngoại tệ chịu áp lực lớn từ những diễn biến phức tạp, khó lường trên thị trường quốc tế. Cân đối cung - cầu trên thị trường ngoại tệ trong nước khó khăn, hệ thống tổ chức tín dụng bán ròng ngoại tệ cho khách hàng.
Trong bối cảnh đó, NHNN đã điều hành tỉ giá chủ động, phù hợp vừa tạo dư địa để tỉ giá diễn biến linh hoạt hơn, hấp thụ cú sốc bên ngoài, vừa bán lượng lớn ngoại tệ can thiệp để bổ sung nguồn cung thanh khoản cho thị trường. Nhờ đó, chín tháng đầu năm, VND mất giá khoảng 4,8% so với USD, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực; diễn biến thị trường ngoại tệ tương đối ổn định, thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ.
Nên đa dạng hóa nguồn vốn
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng, cho rằng thời gian tới Mỹ có thể tăng lãi suất khiến đồng USD tiếp tục tăng giá, gây áp lực lên tỉ giá và lãi suất của Việt Nam. Việc nới biên độ giao dịch VND/USD của NHNN là bước đi cần thiết, để Việt Nam chủ động phòng ngừa trước việc USD tăng giá.
Để giảm thiểu rủi ro khi đối diện với tỉ giá và lãi suất tăng, các DN cần quyết liệt tái cấu trúc, đa dạng hóa nguồn vốn. Đặc biệt cần quan tâm hơn đến quản lý rủi ro, nhất là rủi ro dòng tiền, lãi suất và tỉ giá; có thể phối hợp với tổ chức tài chính trong nước để kiểm soát rủi ro.