Nhà lớn mới nhập hộ khẩu: Ý kiến của Sở Tư pháp TP.HCM

Mới đây, Sở Xây dựng TP.HCM đề xuất phải có ít nhất 20 m2 nhà ở thì mới được nhập hộ khẩu TP (với trường hợp nhà thuê, mượn, ở nhờ) gây nhiều tranh cãi. Trước vấn đề này, Sở Tư pháp TP.HCM cho hay con số về diện tích tối thiểu là chuyên môn của Sở Xây dựng…

Có sự lạm dụng quy định thoáng về nhập hộ khẩu

Theo ông Lê Đức Thanh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, quy định diện tích nhà ở tối thiểu bình quân với nhà ở thuê, mượn, ở nhờ khi đăng ký thường trú nhằm hạn chế tình trạng nhập hộ khẩu vào các TP lớn, đảm bảo người dân có đủ diện tích tối thiểu để sinh hoạt, giảm gánh nặng trong việc cung cấp các dịch vụ công như điện, nước…  

Ông cũng cho hay Sở Tư pháp chưa nhận được hồ sơ đề nghị thẩm định liên quan đến nội dung nêu trên. Tuy nhiên, trước đó theo chỉ đạo của UBND TP, Sở Tư pháp đã có báo cáo UBND TP về mục đích, yêu cầu và phạm vi nghị quyết của HĐND về diện tích bình quân để đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân, tổ chức tại các TP trực thuộc trung ương.

Theo đó, Luật Cư trú năm 2006 không quy định diện tích tối thiểu (bao nhiêu m2/người) đối với diện tích nhà cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ để được đăng ký thường trú. Từ đó đã nảy sinh tình trạng cho nhiều hộ, nhiều người nhập hộ khẩu vào một địa chỉ nhưng thực tế những người này lại không cư trú tại đó. “Tình trạng lạm dụng các quy định thoáng của Luật Cư trú năm 2006 để nhập hộ khẩu vào TP làm tăng dân số cơ học, gây mất cân đối về phân bố dân cư và an sinh xã hội. Điều này tạo sức ép rất lớn về vấn đề xã hội như trật tự, an toàn xã hội, cơ sở hạ tầng và các dịch vụ công. Đặc biệt là gây khó khăn cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm” - Sở nêu quan điểm.

Theo Sở Tư pháp TP.HCM, việc bổ sung quy định diện tích bình quân để đăng ký thường trú nhằm đảm bảo người dân có đủ diện tích tối thiểu để sinh hoạt, góp phần kéo giảm tốc độ tăng dân số cơ học tại các TP lớn. Ảnh: HTD

Quy định cần phù hợp thực tế thành phố

Sở Tư pháp cho hay trước thực tế trên, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú đã điều chỉnh quy định về điều kiện đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp cho thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân, tổ chức tại TP trực thuộc trung ương. Cụ thể, trường hợp trên phải có đủ các điều kiện sau đây: Đảm bảo điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của HĐND TP; có xác nhận của UBND xã/phường/thị trấn về điều kiện diện tích bình quân; được người cho thuê, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản.

Theo Sở Tư pháp, việc bổ sung quy định diện tích bình quân để đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân, tổ chức nhằm mục đích “hạn chế tình trạng nhập hộ khẩu vào các TP trực thuộc trung ương, góp phần kéo giảm tốc độ tăng dân số cơ học tại các TP này”. Đồng thời, đảm bảo người dân có đủ diện tích tối thiểu để sinh hoạt, giảm gánh nặng trong việc cung cấp các dịch vụ công như điện, nước…

Nó còn tránh tình trạng nhà ở nhiều thế hệ; nhiều hộ, nhiều người nhập hộ khẩu vào cùng một địa chỉ, dẫn đến diện tích ở chật hẹp, không đảm bảo các nhu cầu sống tối thiểu và ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, cơ sở hạ tầng tại địa phương.

Sở Tư pháp nhận định việc giao thẩm quyền quyết định diện tích bình quân để đăng ký thường trú cho HĐND TP là phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội thực tế tại địa phương.

Sở Tư pháp cũng cho hay Sở Xây dựng là cơ quan chủ trì soạn thảo nghị quyết của HĐND về việc này theo đúng chuyên môn, thẩm quyền của mình.

Cần thận trọng với cách tính bình quân chủ nghĩa

Về đề xuất của Sở Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Lê Hoàng Châu nói: Chưa nhận định con số này có phù hợp hay không. “Nhưng với tư cách cá nhân, tôi rất băn khoăn về cách tính bình quân để ban hành một con số bắt buộc chung cho người dân toàn TP. Cần hết sức thận trọng” - ông nói và cho rằng TP có người sở hữu hàng ngàn m2 nhà ở nhưng cũng có người chỉ vài chục m2, việc tính trung bình cộng rồi kết luận cho cả TP là chưa hợp lý.

TS-KTS Võ Kim Cương cũng cho hay ông phản đối áp dụng chủ nghĩa trung bình cộng trong phát triển đô thị. Theo ông, con số bình quân chỉ để đề ra chiến lược phát triển chứ không thể áp dụng khi ban hành quyết sách cụ thể vì dễ duy ý chí, mang tính bao cấp và hình thức.

CẨM TÚ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm