Giá trị địa ốc của khu nhà máy cũ này là nằm trên lô đất vàng 61 Trần Phú (quận Ba Đình) rộng hơn 9.000 m2 với 4 mặt tiền đường Hùng Vương, Trần Phú, Lê Trực và Nguyễn Thái Học.
Theo quy hoạch phân khu đô thị quận Ba Đình được UBND Hà Nội phê duyệt vào tháng 3-2021, lô đất này nằm trong khu trung tâm chính trị quận Ba Đình, nơi có chỉ tiêu chặt chẽ về quy hoạch, kiến trúc, quy mô dân số...
Khu nhà máy tại 61 Trần Phú (quận Ba Đình) đang được phá dỡ để chuẩn bị xây cao ốc
Theo tìm hiểu của PLO, từ tháng 10-2011 phía Postef đã có chủ trương di dời cơ sở sản xuất tại địa chỉ số 61 Trần Phú để góp vốn với đối tác nhằm xây dựng một dự án bất động sản tại vị trí đắc địa trên.
Ngày 24-6-2017, UBND Hà Nội đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. Lô đất nghiên cứu làm dự án có diện tích 9.078 m2, trong đó diện tích trong đó diện tích lập dự án là 7.523 m2.
Quy mô công trình gồm 11 tầng nổi và 6 tầng hầm, với tổng diện tích sàn nổi khoảng 32.306,6 m2, tổng diện tích sàn tầng hầm khoảng 43.023,2 m2; chiều cao công trình tính từ cao độ vỉa hè để đỉnh tum thang là 42,9m.
Các nhà xưởng bên trong nhà máy đã được phá dỡ hết, chỉ còn một dãy nhà kiến trúc kiểu pháp ở mặt đường Hùng Vương (phía Đông của lô đất)
Năm 2018, Postef đã hoàn thiện các thủ tục về thuế để thuê đất với thời hạn 50 năm (đến ngày 24-6-2067), rồi ngày 1-2-2019, được Sở TN&MT TP Hà Nội cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ngày 4-5-2020, UBND Hà Nội ban hành quyết định điều chỉnh chủ trương dự án Công trình Đa chức năng POSTEF.
Cuối năm 2020, Sở Xây dựng Hà Nội đã cấp phép xây dựng cho dự án với thời hạn 12 tháng, tuy nhiên do dịch COVID-19 kéo dài nên đến nay khu nhà xưởng cũ tại lô đất trên mới được tháo dỡ để tiến hành xây mới.
Lo ngại nhồi cao ốc vào nội đô
Có thể nói dự án này là một trong những ví dụ điển hình của việc nhà máy di dời khỏi nội đô sau đó biến thành cao ốc tại Hà Nội. Điều khiến dư luận lo ngại là dự án trên nằm ngay trong trung tâm chính trị Ba Đình, khu vực Hà Nội đã ban hành nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn về quy hoạch, kiến trúc rất chặt chẽ để hạn chế gia tăng dân số, chất tải công trình vào khu vực lõi đô thị.
Dãy nhà xưởng của nhà máy nhìn từ phố Nguyễn Thái Học đang bị tháo dỡ dở dang.
Hôm 21-3, chính Phó Chủ tịch Hà Nội Dương Đức Tuấn đã ký quyết định ban hành “Quy chuẩn về quy hoạch, kiến trúc tại khu vực các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội”.
Đặc biệt văn bản này chỉ rõ nguyên tắc sử dụng quỹ đất sau khi di dời các cơ sở công nghiệp, y tế, giáo dục ở địa bàn 4 quận trên là phải dành tối thiểu 50% quỹ đất bổ sung các công trình công cộng, các tiện ích khác còn thiếu, gồm: trường học, công viên, cây xanh, thể dục thể thao, bãi đỗ xe, hạ tầng kỹ thuật đô thị...
Chiều 5-4, bên thềm hội nghị công bố quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống, PLO đã nêu câu hỏi trực tiếp về việc triển khai dự án 61 Trần Phú với ông Dương Đức Tuấn, người đang phụ trách mảng quy hoạch, kiến trúc, xây dựng của UBND Hà Nội. Tuy nhiên ông Tuấn đã từ chối trả lời và đề nghị phóng viên đem nội dung hỏi trên ra cuộc họp báo của UBND Hà Nội, dự kiến được tổ chức trong tuần này.
(PLO)- Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc TP Hà Nội Lê Vinh cho biết như vậy khi trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị BCH Đảng bộ TP Hà Nội diễn ra sáng nay 5-1 liên quan đến yêu cầu Hà Nội và TP.HCM phải kiểm soát việc xây dựng cao ốc trong nội đô mới đây.