Thành quả 70 năm sưu tầm, nghiên cứu
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu cho biết: “Địa bạ là sách bằng chữ Hán về các làng trên toàn quốc. Nếu mỗi làng có một địa bạ thì khoảng 16.000 ngôi làng của Việt Nam sẽ có gần 16.000 địa bạ. Tôi sưu tập, biên dịch hơn một nửa và đã xuất bản gần hết số đó”.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu tại phòng lưu trữ bản đồ của ông |
Về địa chí văn hóa, ông đã viết địa chí cho nhiều tỉnh, thành như: TP.HCM, các tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang, Cà Mau, Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa...
Đặc biệt, trong việc xác định chủ quyền biển đảo Việt Nam, tháng 9/2009, ông đã có một triển lãm bản đồ tại Nhà triển lãm TP.HCM (92 Lê Thánh Tôn, Q.1) với chủ đề Hoàng Sa - Trường Sa - Biển đảo Việt Nam, như việc nêu lên bằng chứng thuyết phục về chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, vốn đã được xác lập trong quá khứ. Trong đó có cả những bản đồ do người Trung Quốc vẽ, mà Truờng Sa và Hoàng Sa nằm trong vùng được gọi là “Giao Chỉ dương” (vùng biển nước Giao Chỉ) tức vùng biển của Việt Nam ngày nay. Hoặc bản đồ do Trung Quốc vẽ năm 1910 thời nhà Thanh không có quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa...
Bản đồ Địa lý Lịch sử Duyên cách Việt Nam, trích sách Hải quốc đồ chí của Ngụy Nguyên xuất bản năm 1842. Trong Đông Dương đại hải (tức biển Đông) có 2 quần đảo Vạn Lý Trường Sa (Hoàng Sa) và Thiên Lý Thạch Đường (Trường Sa) đều thuộc chủ quyền Việt Nam |
Trong số những công trình nghiên cứu đồ sộ của Nguyễn Đình Đầu, chỉ tính riêng Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn, nhiều người cho rằng đó là công trình nghiên cứu về lịch sử lớn nhất cuối thế kỷ 20. Nhưng điều đặc biệt là với tầm vóc của những công trình đó, ở nước ta thường là sự chủ trì của một viện nghiên cứu với sự tham gia của rất nhiều chuyên gia và được Nhà nước rót một kinh phí không nhỏ, thì những công trình nghiên cứu của Nguyễn Đình Đầu là do công sức, tiền bạc, chất xám của một mình ông. Điều đó nói lên tâm huyết và sự cống hiến lớn lao của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đối với đất nước (hiện nay, riêng phòng lưu trữ bản đồ của ông tại tư gia phải mở máy lạnh 24/24 giờ để bảo đảm cho việc bảo quản).
Khi được hỏi về việc “di chúc” những tài sản vô giá của 70 năm nghiên cứu, ông chia sẻ: “Bộ Ngoại giao và Bộ Công an biết được những công trình nghiên cứu của tôi về lịch sử, địa lý dân tộc. Đầu tháng 11/2010, 2 bộ có mời tôi ra Hà Nội làm việc, đầu tháng 12 đại diện của 2 bộ có đến tư gia của tôi tại TP.HCM trao bằng khen về những công trình nghiên cứu của tôi và đề nghị tôi giúp đỡ Chính phủ trong việc nghiên cứu lịch sử, tôi cũng bớt lo phần nào. Nhưng trong thâm tâm, tôi vẫn hằng mong có một người có lý tưởng, say mê nghiên cứu thật sự chứ không phải vì nhiệm vụ. Có nhiều nơi xin các công trình nghiên cứu và sưu tập của tôi nhưng tôi chưa dứt khoát trao cho ai. Giao thì dễ, nhưng giao được tận tay người tha thiết nghiên cứu để tiếp tục phát huy những điều tôi đã và đang làm thì rất khó. Nếu có một người nào rất tha thiết và với một lý tưởng nghiên cứu thật sự, tôi sẽ giao ngay toàn bộ cho họ”.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu sinh năm 1920 tại Hà Nội, là một trí thức yêu nước. Cách mạng Tháng Tám thành công, ông được cử làm Bộ trưởng Kinh tế của Chính phủ cách mạng, từng nhận nhiệm vụ vào Nam mua gạo ra Bắc để góp phần giải cứu nạn đói 1945. Năm 1953, ông tốt nghiệp cử nhân khoa học - xã hội thuộc Đại học Công giáo Paris (Pháp) sau đó về sinh sống và làm việc tại Sài Gòn. Ông đã đi đến nhiều nước như Pháp, Mỹ, Bỉ, Nhật… Là người biết đọc các văn tự bằng chữ Hán, Anh, Pháp, Latin, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha trong phạm vi nghiên cứu của mình. |
Theo Hữu Trịnh (TT&VH)