Lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 7 năm 2024 sẽ diễn ra vào lúc 19 giờ ngày 29-11, tại Nhà hát Lớn, Hà Nội.
Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 7 với nhiều đổi mới có sự tham gia của 372 tên sách và bộ sách, bao gồm 455 cuốn sách. Đây là giải thưởng sách được các đơn vị xuất bản cùng đội ngũ tác giả, dịch giả nói riêng và công chúng nói chung quan tâm.
Tại lễ trao giải Sách Quốc gia lần thứ 7, Ban tổ chức chọn ra 58 tác phẩm để trao giải, trong số đó, Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử (1698 - 2020) của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư được đánh giá cao.
Tác phẩm gồm 2 tập dày dặn với dung lượng hơn 1.500 trang, truyền tải một lượng thông tin giá trị về vùng đất Gia Định - Sài Gòn xưa, TP.HCM hiện nay.
Tác phẩm này được hình thành, liên tục bổ sung, cập nhật trong hơn 20 năm của tác giả, nhà nghiên cứu bách niên Nguyễn Đình Tư.
Trước khi nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư lên tàu ra Hà Nội tham dự Giải thưởng sách Quốc gia lần 7 diễn ra vào tối 29-11 tại Nhà hát Lớn, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM đã đến thăm nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư.
Tại buổi gặp, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã hỏi thăm sức khỏe, chúc mừng Nhà nghiên cứu 104 tuổi với tác phẩm viết về vùng đất, con người Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh được trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ VII.
Cũng với giải thưởng Sách Quốc gia, năm 2018, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư từng nhận giải A với bộ 2 tập tác phẩm Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ (1859 - 1954).
Nhà nghiên cứu chia sẻ khi lao động chữ nghĩa dù vất vả, nhưng tác phẩm được công chúng đón nhận, được Ban giám khảo đánh giá cao là niềm vui của người làm nghiên cứu, khi tuổi già thấy mình vẫn còn đóng góp được cho xã hội ở phương diện học thuật.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư cũng bày tỏ niềm vui và ký tặng Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi ba tác phẩm truyện dài Nguyễn Xí, Lẽ sống và Dì ghẻ, con chồng.
Đây là ba tác phẩm khởi đầu nghiệp cầm bút của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư, được in lần đầu trên báo Truyền bá thời gian 1943-1944, cách nay đã 80 năm. Hiện vừa được Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM ấn hành.
Nhờ sự hữu duyên khi biên tập viên Trần Đình Ba, nay là Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM, tìm lại được tư liệu những tác phẩm này, nay những truyện dài ấy lại có cơ hội trở lại với độc giả yêu mến.