Nhà nước nên bồi thường cho nạn nhân trong án oan

Sự kiện gia đình nạn nhân phản ứng buổi công khai xin lỗi oan ông Hàn Đức Long khiến nhiều người bàn luận về nhiều chủ đề liên quan. Cá nhân tôi cho rằng đã đến lúc cần hoàn thiện pháp luật về bồi thường thiệt hại cho nạn nhân của tội phạm.

Nhà nước nên bồi thường cho nạn nhân trong án oan ảnh 1
Nhà nhà nạn nhân phản ứng buổi xin lỗi oan ông Hàn Đức Long, kéo cả tấm bảng xin lỗi xuống đất. Ảnh: TUYẾN PHAN

Ở Việt Nam hiện nay, người phạm tội phải bồi thường cho nạn nhân những thiệt hại về mặt vật chất trực tiếp do tội phạm gây ra, những thiệt hại gián tiếp (được quy định từ Điều 604 đến Điều 612 BLDS 2015) và được ghi nhận trong bản án của Tòa án.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, những trường hợp cơ quan chức năng không chứng minh được người phạm tội, người phạm tội bỏ trốn, người phạm tội không có khả năng bồi thường thì xem như nạn nhân (gia đình nạn nhân) không nhận được khoản bồi thường nào.
Điều này xuất phát từ lý do là pháp luật chưa có quy định về bồi thường thiệt hại cho nạn nhân từ Chính phủ, chính vì vậy có thể nói rằng quyền lợi của nạn nhân và gia đình họ trong những trường hợp trên chưa được bảo đảm, khiến gia đình họ phải gánh chịu những thiệt hại “kép”, tức là những thiệt hại khi bị tội phạm xâm hại và những thiệt hại về vật chất, tinh thần sau khi tội phạm xảy ra.
Các nước bồi thường cho nạn nhân ra sao?
Tại các nước phát triển, vấn đề Chính phủ bồi thường cho nạn nhân đã được quy định khá chi tiết. Bên cạnh các khoản bồi thường đã được ghi nhận tại bản án mà người phạm tội phải thực hiện, nạn nhân có thể yêu cầu Ủy ban phụ trách bồi thường cho nạn nhân (Victim Compensation and Government Claims Board) bồi thường những thiệt hại không được ghi nhận trong bản án hoặc không được bảo hiểm. Ví dụ, ở Mỹ, khoản bồi thường này cao nhất là 70 ngàn USD. (Xem thêm tại: http://www.1800victims.org/…/VT_Victims of Crime broc….)
Tuy nhiên, tại một số quốc gia khác, Chính phủ chỉ bồi thường khi nạn nhân không nhận được bất kỳ khoản bồi thường nào từ phía người phạm tội hay từ một tổ chức nào khác (ví dụ như tại Thụy Điển, xem thêm tại:
https://www.ncjrs.gov/ovc_ar…/reports/intdir2005/sweden.htmlhttp://www.brottsoffermyndigheten.se/eng) hoặc nạn nhân (hoặc người phụ thuộc) chỉ nhận được một khoản duy nhất khi bị thương tật hay nạn nhân bị chết mà người phụ thuộc còn sinh sống tại quốc gia đó.
Tuy nhiên, khi chưa chứng minh được người phạm tội hoặc chưa xác định rõ thương tích, Chính phủ sẽ tạm ứng trước một khoản trợ cấp cho nạn nhân (quy định của pháp luật Nhật Bản, xem thêm tại:
https://www.ncjrs.gov/ovc_arc…/reports/intdir2005/japan.html).
Về các tội phạm cụ thể mà nạn nhân được Nhà nước bồi thường cũng khá khác biệt ở các quốc gia, có thể là không giới hạn các loại tội phạm (như ở Mỹ), hoặc trong phạm vi một số tội phạm như các tội phạm mang tính bạo lực, các tội phạm đến nhân thân và các tội xâm phạm sở hữu (quy định pháp luật Thụy Điển), hoặc chỉ là các tội mang tính bạo lực như giết người (quy định pháp luật Nhật Bản).
Về kinh phí, các khoản bồi thường này mang tính “Nhà nước”, tức là được trích từ nguồn ngân sách của Chính phủ, từ nguồn thu thuế. Và để nhận được khoản bồi thường này, nạn nhân phải không có lỗi khi tội phạm xảy ra, nạn nhân hoặc gia đình phải báo cảnh sát khi tội phạm xảy ra trong một thời gian nhất định.
Việt Nam cần nghiên cứu, bồi thường cho nạn nhân
Vấn đề là Việt Nam có khả năng thành lập các Chương trình bồi thường thiệt hại cho nạn nhân như các nước phát triển hay không? Và tại sao phải gọi là bồi thường chứ không phải là trợ cấp hay hỗ trợ?
Thứ nhất, tôi cho rằng chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện được quy định tiến bộ này. Có thể do nền kinh tế còn nhiều khó khăn, những khoản tiền này ban đầu mang tính tương đối, sau có thể được nâng lên theo đà phát triển của kinh tế và có giới hạn mức tối đa trong từng loại tội phạm.
Nguồn thu cho những khoản bồi thường này có thể từ nguồn việc thu hồi tài sản của các tội phạm tham nhũng và tài sản của người phạm tội trong những tội phạm có nguồn thu lợi bất chính khác, hoặc từ nguồn thuế.
Đối tượng được hưởng khoản tiền bồi thường này là nạn nhân trực tiếp của tội phạm và người phụ thuộc của nạn nhân dưới 18 tuổi (trong trường hợp nạn nhân chết). Đó là các tội liên quan đến xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm danh dự con người, các tội phạm về bạo lực khác làm tổn thương thể chất, tinh thần cho nạn nhân, tội phạm khủng bố, các tội phạm về sở hữu.
Người được quyền yêu cầu bồi thường bao gồm công dân Việt Nam (một số trường hợp là người nước ngoài, người không quốc tịch đang cư trú dài hạn tại Việt Nam nhưng phải có việc làm và có nộp thuế).
Cơ quan có chức năng thực hiện việc bồi thường thiệt hại cho nạn nhân có thể trực thuộc Bộ Tư pháp hoặc trực thuộc Chính phủ.
Thứ hai, sử dụng từ “bồi thường” thể hiện sự chia sẻ trách nhiệm của Nhà nước khi tội phạm xảy ra (và phù hợp với xu hướng của các nước tiến bộ khi dùng từ “compensation”- xem thêm tại các đường link đã dẫn).
Thực hiện việc bồi thường cho nạn nhân của tội phạm trong những trường hợp trên không chỉ thể hiện tính nhân đạo của nhà nước, góp phần bảo đảm cuộc sống của nạn nhân và gia đình họ sau khi bị tội phạm xâm hại mà còn nâng cao ý thức trách nhiệm từ các cơ quan chức năng trong việc bảo đảm cho người dân có một cuộc sống bình yên, không bị tội phạm xâm hại, và hơn thế nữa là khuyến khích nạn nhân tích cực tham gia tố giác tội phạm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm