Dương Thụy, nhà văn “best seller” của giới trẻ, vừa có buổi gặp gỡ thân mật với bạn đọc nhân dịp chị ra mắt bộ truyện thiếu nhi đầu tay của mình với tên gọi: Susu và Gogo đi Paris, Susu và Gogo đi Tokyo, Susu và Gogo đi Singapore.
Viết cho những đứa trẻ thời Internet
. Phóng viên: Lý do vì sao từ một cây bút viết cho giới trẻ “ăn khách”, chị chuyển sang viết truyện cho thiếu nhi? Viết cho thiếu nhi là cảm hứng nhất thời của chị hay là một định hướng lâu dài?
+ Nhà văn Dương Thụy: Tôi đã ước mong viết cho thiếu nhi từ khi có con gái đầu lòng. Nay cháu 10 tuổi rồi mới thực hiện được. Cháu có đứa em trai năm tuổi, cả hai chị em trò chuyện với nhau rất vui, tạo cảm hứng cho mình viết nên bộ sách này. Ngoài ra, nhà văn Phan Hồn Nhiên, một người bạn lâu năm, nay là biên tập viên của NXB Kim Đồng, đã khuyến khích tôi viết cho thiếu nhi. NXB Kim Đồng nhận ra tôi là một người có khả năng truyền cảm hứng tích cực cho độc giả thông qua những cuốn sách dành cho các bạn trẻ, vậy thì tôi cũng có khả năng đó dành cho các độc giả nhỏ tuổi hơn. Khi bộ sách này ra đời, tôi nhận được rất nhiều lời khen ngợi từ phụ huynh và các bé. Vì thế, tôi sẽ tiếp tục viết cho thiếu nhi. Điều này không có nghĩa là tôi dừng viết cho độc giả người lớn. Nói ngắn gọn là tôi tiếp tục viết cho cả hai đối tượng.
. Nhiều nhà văn thế hệ 7X, 8X trở lên khi viết cho trẻ con thường viết về hoài niệm ấu thơ, những câu chuyện cổ tích cải biên. Riêng Dương Thụy, tại sao chọn sáng tác những câu chuyện cho trẻ em hiện đại với cá tính và bối cảnh hiện đại?
+ Tôi viết với mục đích cho trẻ con đọc, cho đối tượng độc giả như hai đứa con nhà mình. Vì thế đó là truyện được viết từ cuộc sống hiện đại ngày nay với những đứa trẻ sống trong thời buổi Internet phát triển. Tôi muốn truyền thông điệp nuôi dạy con một cách hiện đại mà vẫn giữ truyền thống người Việt Nam cho phụ huynh, rằng khi con còn nhỏ, quan trọng hơn hết là dạy cho con một thái độ sống đúng đắn “tiên học lễ, hậu học văn”. Đừng cố nhồi nhét kiến thức cho con quá nhiều.
. Chị hẳn là hay đọc truyện thiếu nhi?
+ Tôi đọc sách thiếu nhi thời còn thiếu nhi, tức là các cuốn Dế mèn phiêu lưu ký, Văn ngan tướng công, sách nước ngoài thì Đảo châu báu, Robinson trên đảo hoang, Nanh trắng… Những cuốn này rất bổ ích cho tôi nhưng thời nay thì các con tôi thờ ơ vì không còn phù hợp với cuộc sống hiện đại nữa. Các bé không hòa vào thiên nhiên, không có tinh thần phiêu lưu như trước kia. Vì thế, tôi càng muốn viết cho thiếu nhi Việt Nam để các bé có nhiều món ăn tinh thần phù hợp hơn.
Dương Thụy là nhà văn nổi bật trong dòng văn học dành cho tuổi trẻ với các tác phẩmOxford thương yêu, Nhắm mắt thấy Paris, Chờ em đến San Francisco, Venise và những cuộc tình Gondola…
Chỉ ngồi nhà viết thì buồn lắm!
.Chị nghĩ gì khi có một số bạn đọc cho rằng Dương Thụy viết hiền quá, trong lành quá trong khi hiện thực đời sống, thực tế xã hội khốc liệt hơn nhiều?
+ Mỗi người có một tạng viết khác nhau, có người dữ dội, có người hiền lành. Tạng tôi hiền, tôi không thể viết dữ được. Và tôi nghĩ khi viết thì mình nên lấy thế mạnh của bản thân để truyền tải những thông điệp tích cực. Viết hiền hay viết dữ không quan trọng, mà là viết làm sao phải có tính giải trí cao để độc giả cầm cuốn sách đọc đến trang cuối cùng và lồng trong đó là những thông điệp sống, nho nhỏ thôi mà có thể làm độc giả thấy thấm.
. Được biết công việc của chị là kinh doanh ở một công ty nước ngoài hẳn hoi. Vậy làm cách nào chị có thời gian viết để trở thành một nhà văn chuyên nghiệp?
+ Mình đi làm trong công ty Singapore chuyên về kinh doanh bất động sản. Trước đó thì làm trong công ty của Pháp chuyên về dược phẩm. Nói chung không liên quan gì đến văn chương. Nhưng khi đi làm mình trưởng thành lên hằng ngày thông qua công việc nên mình có may mắn được biết nhiều điều thú vị. Khi viết mình luôn lồng những thông điệp tích cực, lối sống lạc quan, thái độ đúng đắn vào những cuốn sách mang tính giải trí. Cho đến nay mình có một lượng độc giả rất trung thành, làm mình rất vui và càng muốn viết tiếp. Mình nghĩ ít ai chỉ ngồi ở nhà mà làm nhà văn trọn thời gian vì cũng buồn, không đủ chất liệu và vốn sống để viết.
. Xin cám ơn chị.