Nhà văn Lê Văn Nghĩa:Viết sách thiếu nhi để người già bồi hồi

Hẳn nhiên nhà văn Lê Văn Nghĩa phải có cái cớ để tự tin cho chất lượng cuốn sách có cái tựa dài… nhất thế giới: Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy.Nhưng nhiều hơn, như anh nói, đó là sự nhẹ nhõm bởi những gì có thể làm được bằng ngòi bút của mình, để trả nợ cho một tuổi thơ quá tươi đẹp của chính mình và những người Sài Gòn cùng thời thì anh đã làm rồi.

Đẫm tình đất, tình người Sài Gòn xưa

Sài Gòn trong cuốn sách mới của Lê Văn Nghĩa là Sài Gòn của những năm 1960 xa hoa, rực rỡ như ánh đèn màu trong mắt một cậu nhóc sống giữa những người dân lao động bình dân, hằng ngày bươn chải vì miếng cơm manh áo và đám con nít trong những xóm nghèo ven Sài Gòn.

Nhà văn Lê Văn Nghĩa: “Con nít bây giờ cô đơn quá, thiếu bạn chơi và chơi thụ động chứ không như lứa tụi tôi ngày xưa”.

Các nhân vật với những câu chuyện riêng như những mảnh ghép tạo nên bức tranh sống động về đời sống Sài Gòn nửa thế kỷ trước như trong những thước phim tài liệu. Ở đó có tình nghĩa sâu đậm như tình cha con giữa chú chiếu bóng với thằng “đầu đảng” xóm Ba-ra-dô, ưa đọc sách, rành cải lương... Có tình thầy trò giữa nhà ảo thuật và một thằng nhỏ thường trốn học đi coi biểu diễn ảo thuật ngoài lề đường... Có tình bạn giữa những đứa con nít rủ nhau về nhà ăn “sơn hào hải vị”; có nghĩa xóm làng…

Thế giới ấy, xóm nhỏ nghèo quận 6 ấy cũng có tệ nạn, cũng có tị hiềm giữa những đứa con nít nhưng chỉ vừa đủ thành kịch tính, còn thì trước sau nó vẫn đọng lại dư vị vô cùng trong trẻo, hồn nhiên. Nhà văn Lê Văn Nghĩa cho biết đó là điều anh hài lòng nhất về cuốn sách của mình bởi: “Thời bây giờ, nhất là với người làm báo như mình, cứ giở trang báo ra là thấy bao nhiêu chuyện bất ổn, quá nhiều chuyện xấu, quá nhiều người xấu, mình đối phó đã mệt mỏi quá rồi nên tôi cố ý làm sao để cuốn sách như một mạch nước ngầm hoàn toàn trong trẻo, “tiệt trùng”. Mừng là nhiều người đọc cũng đã cảm nhận được sự trong trẻo đó”.

Cuộc chơi công phu

Cuốn sách được Lê Văn Nghĩa bắt tay viết ngay cả trước khi anh viết Mùa hè năm Petrus, vào tháng 12-2012 nhưng anh cho rằng mình đã tốn đến hơn 50 năm cho nó, mới đủ cho trải nghiệm thời con nít đẹp đẽ và gìn giữ nó đến tận bây giờ. Không bị thúc bách bởi áp lực làm nhà văn thì phải có tác phẩm, anh cứ cần mẫn hồi nhớ, tích cóp dữ liệu, tư liệu, nghiền ngẫm lại bối cảnh, phục trang cùng phong tục tập quán người Sài Gòn xưa. Một cuốn sổ, một cây viết để ở đầu giường, không ít khi nửa đêm anh trằn trọc chợt nảy ra một ý sáng gì đó cho cuốn sách thì lật đật bật dậy ghi ghi chép chép. Anh trở về xóm nhỏ nhìn ngắm quá khứ, hít mùi xưa cũ chắp nối ký ức tiếp thêm cảm hứng. Anh gặp lại một số đứa bạn con nít bây giờ đã là ông già, bà già… nhìn nhau cười bối rối và bồi hồi biết tin một số bạn đã mất. Chẳng thế mà nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đọc sách đã gọi anh là “nhà Sài Gòn học”.

Nhưng nhà văn Lê Văn Nghĩa cho biết anh còn một điều dụng công rất nhiều trong cuốn sách, đó là bỏ hết tất cả lời ăn tiếng nói kiểu phổ thông, nhất là kiểu chữ nghĩa mà anh gọi là “ảnh hưởng Bắc Kỳ” để chỉ còn lại trên trang sách, thoát ra từ miệng nhân vật là một lớp ngôn ngữ nằm ngoài từ điển, hoàn toàn Nam Bộ Sài Gòn, mà lại là Nam Bộ Sài Gòn xưa.

Thở cũng ra hơi… trào phúng

Hỏi Lê Văn Nghĩa rằng liệu anh có cố ý không khi sử dụng bút pháp trào phúng để viết truyện thiếu nhi cho “hổng giống ai” thì nhà văn liền “cự nự”: “Sao tôi phải cố ý viết khác mình đi cho mệt? Cái tạng của tôi xưa giờ là trào phúng, thở cũng ra hơi trào phúng thì đặt bút cứ vậy mà tuôn ra. Nói thiệt viết xong đọc lại nhiều khi tôi cũng không hiểu sao lúc đó mình viết được như vậy”. Nghe ra cũng có lý, nếu bạn đọc chịu khó nhớ anh cũng chính là tác giả của nhiều đầu sách trào phúng với các nhân vật như Đại Văn Mỗ, Điệp Viên Không Không Thấy… cùng nụ cười châm biếm của tờ Tuổi Trẻ Cười mà bấy lâu nay anh phụ trách.

TUẤN THỊNH

Sơ đồ lạ lùng và bí ẩn đườngPhạm Văn Chí

Nhà văn Lê Văn Nghĩa:Viết sách thiếu nhi để người già bồi hồi ảnh 2

Hầu như ai đến nơi làm việc của nhà văn Lê Văn Nghĩa - một căn phòng làm việc riêng cho người cầm trịch cuốn Tuổi Trẻ Cười ở tòa soạn tờ báo lớn nhất nhì trong nước cũng đều tò mò trước tấm bảng, trên đó có vẽ hai sơ đồ cực kỳ đơn giản để anh nhìn vào đó viết hai tác phẩm Mùa hè năm PetrusChú chiếu bóng… mới đây. Kèm theo hai sơ đồ là tấm bản đồ Sài Gòn xưa. Lê Văn Nghĩa chỉ trỏ vào tấm bản đồ, trầm trồ nét vẽ con đường Phạm Văn Chí ở quận 6, nói: “Gần đây tôi phát hiện có chuyện lạ lùng về con đường này, nó ngắn ngủn mà có quá nhiều “đại gia” lớn lên ở đây. Tôi phải đem vụ này vô sách mới được”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm