Nhà văn Sơn Nam – Chuyện bây giờ mới kể

(PLO)- 15 năm trôi qua, "ông già Nam Bộ" Sơn Nam đã rời cõi tạm nhưng những tác phẩm, câu chuyện về ông vấn luôn nằm trong tâm trí người ở lại. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thấm thoát mà đã 15 năm kể từ ngày "ông già đi bộ", ông già nhà Nam bộ học Sơn Nam dừng mọi cuộc đi chơi, đi bộ, đi ngao du để về yên nghỉ vĩnh viễn nơi một góc Hoa viên nghĩa trang Bình Dương thuộc xã Chánh Phú Hoà, huyện Bến Cát.

15 năm miền đất Nam bộ đã thiếu vắng bước chân ông, một người con sinh ra ở miệt U Minh, Rạch Giá tận Tây Nam bộ xa xôi, yên nghỉ nơi hoa viên nghĩa trang xinh đẹp nhất ở miền Đông Nam bộ; nơi thờ phụng ông (còn gọi là nhà lưu niệm) thì lại ở thành phố Mỹ Tho, Tiền Giang thuộc Trung Nam bộ - thành một nơi để những cặp uyên ương chụp hình ghi lại khoảnh khắc chẳng thể nào quên hay nói đúng hơn là nơi để những trang sách Sơn Nam cùng sống với đời thường.

Nhà văn đầu tiên nhượng tác quyền

Chẳng ai ngờ 20 năm trước, ông là nhà văn đầu tiên của Việt Nam quyết định nhượng toàn bộ tác quyền tác phẩm của mình cho một đơn vị xuất bản của thanh niên thành phố Hồ Chí Minh là Nhà xuất bản Trẻ vào đầu năm 2003.

Nhà văn Sơn Nam (1926-2008). Ảnh: GĐCC

Nhà văn Sơn Nam (1926-2008). Ảnh: GĐCC

Để có được quyền sử dụng trọn đời tác phẩm của nhà văn Sơn Nam, Nhà xuất bản Trẻ phải tiến hành cuộc thương lượng trong mấy năm trời, từ những năm cuối thế kỷ 20 khi xuất bản trở lại các tác phẩm của Sơn Nam về nghiên cứu vùng Nam bộ và Sài Gòn - Gia Định đã có trước tháng 4-1975 nhân kỷ niệm 300 năm thành lập Sài Gòn - Gia Định.

Khi nghe bàn đến việc mua trọn bộ tác phẩm, nhà văn Sơn Nam rất ái ngại, vì bản thân ông chỉ còn lưu giữ một ít tác phẩm đã xuất bản của ông. May nhờ nhà giáo về hưu Đinh Công Tâm ở Bình Chánh là một độc giả say mê tác phẩm Sơn Nam đã sưu tập gần đầy đủ tác phẩm của Sơn Nam đã xuất bản.

Thông qua việc gặp gỡ giữa hai ông già Nam bộ, nhà văn Sơn Nam thuyết phục ông Tâm cho ông Sơn Nam các bản chụp (photocopy) sách Sơn Nam để tôi có cơ sở thuyết phục Ban giám đốc Nhà xuất bản Trẻ quyết định mua tác quyền nhà văn Sơn Nam.

Biên tập viên phụ trách Khai thác đề tài đã từng bước thuyết phục nhà văn Sơn Nam chấp thuận đề án mà mình đã trình cho Ban giám đốc. Trong đó có dự kiến sẽ thành lập giải thưởng dành cho các cây bút trẻ ở vùng Nam bộ về sáng tác văn học và biên khảo mang tên Sơn Nam của Nhà xuất bản, khi lợi nhuận trong việc khai thác kinh doanh sách đủ sức trang trải cho việc tổ chức giải thưởng. Giải thưởng tương tự như giải thưởng Trần Văn Giàu về lĩnh vực nghiên cứu lịch sử ở thành phố.

Vấn đề thứ hai là chuyện giá cả. Khi biên tập viên phụ trách trình bày đề án về mặt khả năng kinh doanh và thu hồi vốn đầu tư, giám đốc Lê Hoàng giao cho tôi được toàn quyền thương lượng, miễn là không ảnh hưởng đến quyền lợi của tác giả.

Lúc này nhà văn Sơn Nam sau khi rời khỏi nhà của mình ở đường Đinh Tiên Hoàng, phường 3 quận Bình Thạnh đang tạm trú tại nhà anh Đào Tăng ở phường 7 quận Gò Vấp. Ông được lãnh đạo Nhà truyền thống quận Gò Vấp cấp cho một chỗ làm phòng viết. Đây là địa chỉ thân quen mà các phóng viên báo đài thường xuyên giao tiếp với nhà văn là quán cà phê Nhà truyền thống quận.

Người thường xuyên chở ông đi lại khắp nơi bằng xe gắn máy để gặp gỡ các toàn soạn báo và tham gia các lễ hội đền miếu là nhà báo tự do Đào Tăng.

Mạnh thường quân của trẻ em nghèo

Nhân kỷ niệm 300 năm thành lập thành phố, ông cũng tham gia cùng đoàn làm phim Đài truyền hình thành phố về tận Quảng Bình quê hương Nguyễn Hữu Cảnh để làm một cuốn phim tài liệu về hành trình Nguyễn Hữu Cảnh trên đường chinh phục và khai phá đất Sài Gòn - Gia Định.

Trong quá trình đi cùng đoàn làm phim, ông đã viết tác phẩm ghi chép "Ấn tượng 300 năm" được Nhà xuất bản Trẻ xuất bản cuối năm 1998. "Ấn tượng 300 năm" là một ghi chép thể hiện trình độ thẩm xưa, thấy nay và ngẫm về sự đời của một người lần tìm dấu xưa người cũ.

Tuy không là người giàu có, sống bằng tiền nhuận bút và thỉnh thoảng là sự hỗ trợ của vợ chồng con gái đầu là chị Hằng anh Nghị ở Mỹ Tho, Tiền Giang nhưng ông luôn là mạnh thường quân của trẻ con xóm nghèo (nhất là xóm Hục phường 7 Gò Vấp) và những cảnh đời cơ nhỡ mà ông thường gặp.

Với gần 30 tác phẩm đã và sẽ xuất bản thành sách, Nhà xuất bản Trẻ đã quyết định chi một lượng tiền cũng không nhỏ, tương đương với hàng mấy chục cây vàng giá năm 2003 để mua tác quyền trọn đời của ông với mức nhuận bút ưu đãi là 4% đối với sách in ở Nhà xuất bản Trẻ nếu tái bản và 8% (theo giá bìa) đối với sách in lần đầu hay in lại từ các Nhà xuất bản khác. Và phần nhuận bút này được trả cho đến khi ông qua đời, không kể đến tiền mua tác quyền.

Sau khi Nhà xuất bản Trẻ được nhà văn Sơn Nam giao trọn quyền tài chính về tác phẩm của nhà văn thì món hời đầu tiên mà Nhà xuất bản dành cho nhà văn là tiền tác quyền chuyển thể truyện ngắn "Mùa len trâu" do Hãng phim Giải Phóng hợp tác sản xuất với đạo diễn Việt kiều Nguyễn Võ Nghiêm Minh là 4.000 đô la Mỹ.

Hình ảnh phim "Mùa len trâu" được tái hiện tại Nhà tưởng niệm Nam Sơn. Ảnh: THĂNG BÌNH

Hình ảnh phim "Mùa len trâu" được tái hiện tại Nhà tưởng niệm Nam Sơn. Ảnh: THĂNG BÌNH

Với 4.000 đô la Mỹ được trao tận tay, không hiểu ông đã "tiêu xài" như thế nào mà chỉ một tháng sau khi nhận tiền tác quyền chuyển thể, ông lại đề nghị tôi ứng tiền trong số tiền ông đã gởi lại Nhà xuất bản nhờ tôi làm “quản lý” giùm.

Thật ra số tiền nhượng tác quyền cho Nhà xuất bản Trẻ ông đã sử dụng hết trong vòng chưa đầy một năm và sau đó ông lại thỉnh thoảng gặp tôi để đề nghị ứng một số tiền nhuận bút để tiện tiêu dùng theo nhu cầu rất chính đáng của ông.

Cứ mỗi đầu năm học và lễ tết, ông thường yêu cầu tôi tìm cách cho ông có tiền để giúp trẻ em nghèo mua quần áo và sách tập hoặc bánh mứt cho các cháu có quà ăn tết. Thậm chí đối với những cháu gia đình tạm trú ông còn đứng ra bảo lãnh cho các cháu được đi học trường tiểu học công lập.

Sau khi nhà văn giao quyền sử dụng tác phẩm cho Nhà xuất bản Trẻ, một số hãng phim trong thành phố trước đó đã tự ý chuyển thể một vài truyện ngắn của nhà văn thành kịch bản phim truyện đã liên hệ thanh toán tiền tác quyền, nhưng không nhiều. Một vài hãng phim khác còn tiếp tục sử dụng tác phẩm Sơn Nam mà không có ý thức về việc trả tiền bản quyền.

Nhân kỷ niệm 15 năm ngày ông mất (2008-2023), chúng ta mới hiểu thêm vì sao là một nhà văn nổi tiếng, suốt đời chỉ đi bộ, không chạy được xe đạp, đi ngao du khắp nơi bằng phương tiện người khác chở vẫn đĩnh đạc và phong lưu dù trong nghèo khó vẫn đường đường là một mạnh thường quân đối với trẻ em nghèo khó và người gặp cảnh sa cơ.

Nhớ đến ông là nhớ đến một phong cách Nam bộ tuyệt vời...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm