Nhớ nhà văn Sơn Nam - “ông già đi bộ”

(PLO)- Đã 15 năm miền đất Nam Bộ thiếu vắng bước chân ông. 15 năm “ông già đi bộ”, nhà Nam Bộ học Sơn Nam dừng mọi cuộc đi chơi, đi bộ, ngao du với con chữ...
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trước năm 1975, nhà văn Sơn Nam sống trong một con hẻm nhỏ ở đường Lạc Long Quân, quận Tân Bình, Sài Gòn. Là hàng xóm của ông, sau này vào bộ đội rồi chuyển sang nghề báo, tôi có dịp gặp lại ông với nhiều kỷ niệm…

Bài thơ độc đáo trong tập truyện Hương rừng Cà Mau

Tôi đang giữ tập truyện Hương rừng Cà Mau do Nhà xuất bản Trẻ tái bản lần đầu tiên sau ngày giải phóng vào tháng 11-1986, in giấy vàng khè, giá 25 đồng, có chữ ký tặng bằng bút bi màu đỏ của nhà văn Sơn Nam.

Bài “Thay lời tựa” của tập truyện này là một bài thơ hay. Bài thơ dài 28 câu viết về cái thuở tiền nhân xưa từ miền Trung tha hương vào khai hoang mở cõi phương Nam. Đó là một bài thơ độc đáo hiếm thấy của nhà văn Sơn Nam mà nhiều người đã thuộc lòng vì cái điệu buồn chất chứa trong từng âm điệu, câu chữ.

Nhưng có lẽ ít ai biết bài thơ đó ông viết khi nào và ở đâu. Một hôm, cuối năm 2000, gần Tết, ông ghé thăm báo Cần Thơ và nhắn tôi qua chơi. Tôi chở ông về nhà mình, giở cuốn Hương rừng Cà Mau rồi hỏi:

- Bài thơ này chú Tám làm hồi nào vậy?

Ông nheo nheo mắt, nói:

- Viết từ năm 1961, trong nhà tù Phú Lợi. Hồi đó chánh quyền Sài Gòn bỏ tù cái tội mình vẫn theo kháng chiến.

Rồi ông ngồi chép lại cả bài thơ trên mặt sau một tờ lịch lớn. Nét chữ của một ông già 75 tuổi mà bay bướm quá chừng. Cuối bài thơ, ông ghi: “Viết thơ này từ năm 1961, nay chép lại tặng nhà thơ Huỳnh Kim, bờ sông Hậu”. Tôi đã nhờ thợ phủ la-mi-na và ép tờ lịch ấy lên một tấm gỗ để lưu giữ được lâu dài bút tích của nhà văn Sơn Nam.

Tôi treo kỷ vật này trên tường kế bên kệ sách và gắn kề bên nét chữ của ông một chiếc lá cây khô hoang dã đã lìa cành tự khi nào. Nét chữ ấy, chiếc lá ấy, mỗi lần nhìn lên, như nghe có tiếng người xưa vọng lại:

Trong khói sóng mênh mông

Có bóng người vô danh

Từ bên này sông Tiền

Qua bên kia sông Hậu

Mang theo chiếc độc huyền

Điệu thơ Lục Vân Tiên...

Nhà văn Sơn Nam viết báo kinh tế

Khi làm việc cho Thời báo Kinh Tế Sài Gòn, thường vào dịp Tết, tôi có đặt bài của nhà văn Sơn Nam. Có một bài từ năm 2000 mà bây giờ đọc lại thấy như ông nói chuyện đang xảy ra.

Đó là bài Làm tiền và xài tiền. Mở đầu bài báo, ông viết: “Tuy không rành về kinh tế tài chính nhưng tôi dám phát biểu rằng không phải có nhiều vàng trong tay là mặc nhiên được đứng vào hàng ngũ tư sản Việt Nam trong giai đoạn mở cửa này”. Rồi ông nhận xét: “Mấy năm gần đây, phát sinh một hiện tượng ăn xài hoang phí trong một bộ phận dân cư ở Sài Gòn và các tỉnh, đến mức mà chính những nhà kinh doanh nước ngoài phải ngạc nhiên, thậm chí coi khinh. Trúng mối vài dịch vụ sang nhượng nhà đất, buôn lậu, tráo trở chứng từ, dành dụm được năm, mười cây vàng, hoặc hơn, làm tiền không đổ mồ hôi thì dĩ nhiên cần tiêu xài vô lý, dịp may hiếm có. Tiền sẽ vào túi, dễ dàng, cóc nằm há mồm là sung rụng ngay vào miệng, muốn khạc ra cũng không được. Đó là chưa kể một số cán bộ tiêu cực có bài bản, ăn chơi một buổi bằng một năm lương bổng của người làm công. Xài ô tô hạng sang, quần áo thứ tốt, nhà cửa trang trí toàn đồ ngoại”.

Nhà văn Sơn Nam đọc Tạp văn Nguyễn Ngọc Tư. (Ảnh chụp năm 2005) Ảnh: HUỲNH KIM
Nhà văn Sơn Nam đọc Tạp văn Nguyễn Ngọc Tư. (Ảnh chụp năm 2005) Ảnh: HUỲNH KIM

Một chỗ khác, ông mô tả rành rọt: “Rượu mạnh với nhãn hiệu đắt tiền, nốc vài chai đã là tốn bạc triệu. Gọi thức ăn đủ món nhưng món nào cũng gắp thử vài đũa, hoặc không gắp rồi chờ đem món khác! Ăn để phá của, vì của cải ấy làm ra không đổ mồ hôi, lắm khi không tiêu xài thì không phải lẽ, vì đó là tiền thù lao tập thể cho phép cả nhóm kết nghĩa! Tiêu xài để cho người đồng lõa thấy mình là người hào hiệp, thừa tiềm năng và thừa bản lãnh. Đến mức những người phục vụ cửa hàng tuy cười tươi ra mặt nhưng khi vào nhà bếp, họ cũng lắc đầu, khinh bỉ cái phong cách điên khùng của “thời đại”. Chưa hết! Ăn uống bừa bãi, nửa ăn nửa bỏ, nôn mửa, lắm khi để xóa mặc cảm tội lỗi, họ lại cởi áo, dùng những lời lẽ phàm tục, nhờ điện thoại cầm tay để nói láo với bạn bè, với vợ con hoặc trêu chọc cô gái nào đó để ra vẻ mình... có máu văn nghệ. Chưa kể trường hợp say quá mức, họ lại đùa giỡn bằng cách chế giễu các cơ quan nhà nước và tự chế giễu mình”.

Ông quan sát thấu đáo cả những kiểu sống như thế này: “Có tiền nhiều nhưng không tin nơi ngày mai, hoặc quá tin vào tử vi, tuổi con rồng, gặp tháng con chuột. Họ cầu mong làm giàu thêm, không bỏ những dịp may có thể thoáng qua rồi mất. Con cái của họ cần được nổi danh trong khu phố, với bạn bè cùng trang lứa. Nào khiêu vũ, nào ăn điểm tâm ở khách sạn sang trọng nhất, xài đô la chớ không xài tiền Việt, trong khăn mù-soa nhung nhúc những khoen lớn khoen nhỏ. Mất chiếc xe gắn máy đắt tiền này, lập tức cho con số tiền to để sắm trở lại chiếc khác, lắm khi còn đắt tiền và hợp thời trang hơn”.

Gần cuối bài đó, nhà văn nhắc nhẹ: “Ở Việt Nam, xưa kia đã từng xuất hiện vài nhà tư sản xứng đáng cho đời sau ghi nhớ. Thí dụ như ông Trương Văn Bền. Khi rảnh rang, ông tranh thủ đọc sách, nghiên cứu cách tiếp thị, phân phối sản phẩm theo đường dây hợp lý. Mỗi sáng ông không quên tập thể dục”.

Nhà văn Sơn Nam dạy tôi viết báo

Ông không dạy trên giảng đường mà dạy trong cuộc sống. Sau năm 1975, phóng sự đầu tiên tôi nhờ ông đọc, viết về đảo Phú Quốc gửi báo Quân Đội Nhân Dân. Và cho đến giờ, tôi vẫn thực hành lời dạy viết báo của ông từ dạo đó: “Cố gắng viết ngắn, câu nào cũng có thông tin”.

Lần khác, hồi năm 1993, tôi theo nhà văn vào xã Tây Phú thuộc huyện Thoại Sơn, An Giang. Trong khi chúng tôi cứ loay hoay với mấy cái báo cáo tổng kết về chuyện đi khai hoang vùng tứ giác thì nhà văn Sơn Nam đã lội lòng vòng quanh chợ xã. Quay về, ông chỉ hỏi anh bí thư xã mấy câu mà nghe xong thấy… quá nể: “Có gái giang hồ vào tứ giác tìm tình yêu hay không?”; “Có người nông dân bất mãn? Có anh cán bộ cường hào?”; “Điện thoại bàn đã gọi ra quốc tế nhưng sách báo về xã sao thấy còn ít quá?”…

Nhà văn Sơn Nam và tác giả. (Ảnh chụp đầu năm 2001) Ảnh: QUỐC ANH
Nhà văn Sơn Nam và tác giả. (Ảnh chụp đầu năm 2001) Ảnh: QUỐC ANH

Khi nghe anh bí thư xã kể chuyện bà con nông dân lập miếu Thần Nông, 17-3 âm lịch hằng năm họ cúng tạ ơn trời đất, tổ tiên và cây lúa, nhà văn Sơn Nam nói: “Đó là đạo. Làm ruộng là đạo, giữ đất là đạo. Khuyến nông tức là cách giữ đạo làm nông thì dân mới giàu mạnh được. Tôi lội chợ Tây Phú, thấy có đánh bi-da, có tiệm vàng, có cái kéo rèn từ Phú Tân đưa qua, có bộ salon tre lấy mẫu từ Mộc Hóa, có cô bán quán quê Đồng Tháp, có thầy giáo quê Thanh Hóa… Người tứ xứ về tứ giác sinh cơ lập nghiệp thì cần giữ cái đạo làm người, thì kinh tế thị trường ở đây mới nên bộ mặt nông thôn mới”.

Khi ghé thăm chùa, thăm khu di chỉ văn hóa Óc Eo, cánh nhà báo chúng tôi lăng xăng hỏi nhà chùa đủ chuyện thì nhà văn Sơn Nam lặng lẽ thắp nhang trước bàn thờ Phật, cúng dường nhà chùa và bố thí cho người nghèo quanh chùa.

Đó là những bài học làm báo và làm người nhớ đời của tôi.

Kỷ niệm 15 năm ngày mất của ông, Nhà xuất bản Trẻ sắp phát hành hai tựa sách Đi và ghi nhớ - tập hợp nhiều bài báo của nhà văn Sơn Nam từng đăng trên tạp chí Xưa & NayNhà văn Sơn Nam - Những góc đời riêng lạ - hồi ức của con gái ông, bà Đào Thúy Hằng, cùng nhiều bài viết từ những bạn văn.

Sự kiện Trò chuyện về Sơn Nam và các tác phẩm của ông sẽ diễn ra lúc 8 giờ 45 Chủ nhật (13-8) tại Hội quán Văn nghệ sĩ (81 Trần Quốc Thảo, quận 3, TP.HCM). Bạn đọc có thể cùng ngồi lại để bắt đầu những câu chuyện về “ông già đi bộ” và văn chương Nam Bộ. Bởi con người và tác phẩm của nhà văn Sơn Nam “đang còn là một thách thức suy tư, tìm kiếm”.

Bút tích của nhà văn Sơn Nam. Ảnh: HUỲNH KIM
Bút tích của nhà văn Sơn Nam. Ảnh: HUỲNH KIM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm