Lần này đoàn chúng tôi xuống Bến Tre thăm “cây cổ thụ của văn học Nam Bộ” với chút bùi ngùi, lo lắng vì ông bước vào tuổi 90. Thân thể gầy gò, đôi mắt sáng cương trực, nhà văn Trang Thế Hy bảo: “Ăn ít lắm, chia ra nhiều bữa…”. So với bức chân dung sơn dầu họa sĩ Nguyễn Trung vẽ ông treo ở phòng khách, chỉ còn giọng nói và tiếng cười mang nhiều âm sắc mạnh mẽ cuộc sống. Ông lặng lẽ tiếp khách, làm tròn vai trò người chủ nhà dù hơi thở dồn, đứt quãng do chứng phổi tắc nghẽn. Người cháu ngoại phải bồng ông ngồi vào bàn vì không còn đi lại quanh quẩn trong nhà được nữa. Con đường mới phóng sát gần cửa nhà, ăn mất đi mảnh vườn trồng ổi, chuối. Sau nhà là vườn dừa, gió lồng lộng thổi.
Hơn 22 năm ông rời căn phòng lầu hai số 190 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (TP.HCM) về lại quê nhà huyện Châu Thành, Bến Tre với lời chào ngắn gọn: “Tôi đi chỗ khácchơi…”. Đó là câu nói của người nghệ sĩ Tư Chơi trong truyện ngắn Chút hào quang từ mảnh vỡ của một ngôi sao buồn của Trang Thế Hy. Ông Tư Chơi dặn dò nhà văn trẻ: “Nếu như mày nổi tiếng - biết đâu chừng mậy, cuộc đời khắc nghiệt này lâu lâu cũng chơi cái trò tặng phẩm bất ngờ - nếu như con nổi tiếng, con phải nghe lời chú Tư nghe con, là khi nào biết mình viết hết được rồi thì phải đi chỗ khác chơi, đừng bẹo hình bẹo dạng ở nơi trường văn trận bút…”. Ghê thật, nhà văn, nhân vật gắn bó với nhau trong trang sách tới cả ngoài đời thật!
Trang Thế Hy chỉ nói những gì ông đã chiêm nghiệm, ấp ủ chín muồi.
Nhiều người gọi ông là “hiền nhân đất phương Nam”, chính vì thế mà biết bao nhà văn, nhà nghiên cứu, bạn đọc ở Hà Nội, TP.HCM, nước ngoài, cùng các đoàn làm phim HTV, VTV… đến thăm, quay phim dựng nên chân dung ông. Tôi nhớ ngày 29-10-2004, UBND tỉnh Bến Tre chúc mừng ông nhân lễ mừng thượng thọ 80 tuổi nhà văn Trang Thế Hy bằng hai câu: “Vầng nguyệt bên sông mượt mà Văn phụng mỹ/ Trang đời cõi thế rạng rỡ Bút hy chi”.
Ông luôn gắn bó với các cây bút trẻ như Lý Lan, Thanh Nguyên, Trầm Hương… từ những ngày ở thành phố. Các buổi dùng cơm tại nhà ông, qua các câu chuyện kể về nghề văn luôn là những bài học kín đáo mà nhà văn Trang Thế Hy muốn gửi gắm cho thế hệ sau. Anh Tư Lê - con ông nói: “Nguyễn Ngọc Tư hay ghé thăm ông già, có khi nói chuyện đến thâu đêm suốt sáng…”.
Nhà thơ Ý Nhi gọi nhà văn Trang Thế Hy là “niềm hạnh phúc được trả bằng rất nhiều đau khổ” đúng hệt theo cái định nghĩa về hạnh phúc trong truyện ngắn Một nghệ sĩcủa ông: “Gặp hạnh phúc là người nào trong tuổi già vẫn còn giữ được nguyên vẹn tình yêu của mình đối với cái gì mình đã yêu thương từ thuở ấu thơ. Niềm hạnh phúc đó, đương nhiên là phải được trả giá bằng rất nhiều đau khổ”.
Khoảng 10 năm trước ông còn khỏe, lúc nào đoàn thành phố ghé thăm, nhà văn Trang Thế Hy vẫn quây quần trò chuyện xôm tụ bên chái nhà tôn. Ông hay nói về Lỗ Tấn, Hemingway, Gorky, Dostoievsky, Tolstoy, Stefan Zweig, Nguyễn Đình Chiểu… và đọc thơ tình yêu của Tagore. Lạ là ông hát nhạc Pháp hòa nhịp theo giọng của cô đào Pháp qua chiếc máy hát cũ mèm. Đó là lúc tôi bắt gặp đôi mắt ông sáng rực niềm vui long lanh, khoái cảm tuyệt vời!
Ông thích rượu whisky, hút thuốc lá Pall Mall nhưng rất ghét ai “thắc mắc” về các nhân vật trong các truyện ngắn ông viết. Có lần ông nói thẳng: “Đâu có gì đáng nói…”.
Mỗi người nhớ đến nhà văn Trang Thế Hy theo cách riêng mình, tôi tải lên Facebook mấy tấm ảnh chuyến đi Bến Tre thăm ông, nhà thơ Vương Ngọc Minh bên Mỹ cảm thán: “Ông Hy già quá…”. Còn vợ chồng họa sĩ Lê Triều Điển lại nhớ đến câu hát trong bài Quán bên đường, thơ Trang Thế Hy, nhạc Phạm Duy: “Rồi em hỏi anh làm chi?/ Cầm bút để viết ngày đêm, anh viết gì… / Em hỏi nghệ thuật là chi?/ …/ Nhìn nhau lặng lẽ nhìn nhau/ Nào có ai đánh mà sao lòng đau…”.
TRẦN HỮU DŨNG
Nhà thơ PHẠM SỸ SÁU: Sức làm việc không biết mệt mỏi của nhà văn đầy trách nhiệm Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu, người từng biên tập tập truyện tái bản Vết thương thứ 13 của nhà văn Trang Thế Hy, kể: “Tôi đã có dịp chứng kiến sức làm việc không biết mệt mỏi của ông. Ông đã ngồi lại chỉnh sửa từng trang bản thảo, bỏ chữ này thêm chữ kia vào từng trang sách, vào từng truyện ngắn với mong mỏi là bạn đọc được tiếp nhận một văn bản có trách nhiệm của nhà văn - một công việc mà tôi thấy những nhà văn lớn tuổi thế hệ trước hay làm như Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam và nay là Trang Thế Hy”. |