Cuốn sách vừa ra mắt bạn đọc thủ đô tối 6-8 với sự có mặt của GS Ngô Bảo Châu- người được giới thiệu với “nick name”: Hòa thượng thích học toán.
Cuốn sách như lời rao của đơn vị tổ chức là hội tụ khá nhiều cái duy nhất: Cuốn sách duy nhất của Alpha Books được Giáo sư Ngô Bảo Châu ngỏ ý được viết lời giới thiệu.
Cuốn sách duy nhất của Alpha Books bạn đọc không tìm được thông tin giới thiệu về tác giả theo cách thông thường…và đặc biệt là nhà làm sách cũng khuyên: Cuốn sách duy nhất mà bạn chỉ nên đọc rất ít trang mỗi lần và đọc nhiều lần mỗi trang...
Tác giả (trái) và GS Ngô Bảo Châu tại lễ ra mắt. Ảnh V.THỊNH
Thực ra, cách gọi thể loại như thế nào đi chăng nữa thì mạch xuyên suốt của cuốn sách vẫn là những chuyện trò của tác giả với bạn bè, trong đó khi tác giả là cái tôi dẫn truyện, khi tác giả bấu víu vào một nhân vật khác để bộc lộ ý đồ. Lúc này tác giả là Cụ Hinh, lúc khác đã ẩn mình vào ông A, bà B nào đó.
Tất cả cũng nhằm vạch ra những góc nhìn của tác giả về xứ ta, cái xứ mà ông cho rằng: “Người dân xứ ta vốn là dân vui vẻ, Cụ Hinh rất tin như vậy. Có điều gần đây dân ta hay cáu gắt, bực bội, bận rộn, cẩu thả, bữa bãi, ồn ĩ khôn nguôi”- trích “Xã hội vui vẻ”.
Điều thú vị ở những bài viết ngắn trong sách đúng như nhận xét của họa sĩ Lê Thiết Cương, người đã nhận vẽ bìa và minh họa cho cuốn sách hoàn toàn tự nguyện là: Những câu chuyện nhỏ nhưng nói chuyện lớn.
Chẳng thế mà chỉ từ cái cửa quay ở các khách sạn lớn, lòng vòng đưa đẩy thế nào rồi tác giả lại nâng tầm triết luận kiểu như: “Cái quy tắc của xã hội văn minh phải chuyển bằng được ra ngoài, khách thể hóa chúng. Con người phải được vào nề nếp, bị kỷ luật hóa bằng chính những đồng thuận đã được chuyển ra ngoài”.
Hay từ câu chuyện dân gian “Lợn cưới, áo mới” mà thành cái kết đầy ám chỉ như: Người xứ ta có rất nhiều nét hay/ Riêng về lời khen thì có vẻ hà tiện quá…
Câu chuyện được kể trong “Lòng người mênh mang” là những sự vật, hiện tượng mà con người đô thị va đập hàng ngày trong xã hội, nhưng không phải lúc nào chúng ta chạm, sờ, bấu, đập..vào nó mà nhận ra được.
Cái hay của tác giả đúng như GS Ngô Bảo Châu đã viết trong lời tựa: Không tranh thủ lên lớp chúng ta mà nhẫn nại đóng vai trò Dế Cụ.
Đúng là xứ ta qua mắt người sống ở xứ người mang hình hài của một nơi chốn ừ thì cũng nhiều cái dang dở, khổ sở, ẩn ức…nhưng đôi lúc cũng hài hước, thú vị lắm…
Viết Thịnh