Những người chơi sách cổ thường quen nhau, đương nhiên là thế, và thỉnh thoảng họ uống cà phê, rồi rút ra từ cái túi vải khư khư bên người một, hai cuốn sách. Rồi họ nhìn cuốn sách ố vàng đó, xem kỹ bìa, cuốn này do nhà in nào in, xuất bản năm nào, hay đây là cuốn tái bản lần thứ mấy, có bao nhiêu chi tiết phải sửa lại và nếu cuốn sách ấy có thủ bút của tác giả nữa thì "đẳng cấp" của người sở hữu càng được nâng cao.
Và cuộc trò chuyện sẽ dẫn thêm các thông tin quý khác về loại sách họ đang sở hữu có khả năng còn phiên bản nào khác hay không để bổ sung đầy đủ cho bộ sưu tập.
Có lẽ bạn thường tưởng tượng cách chơi sách là đến nhà riêng của một tay chơi, rồi hít hà mùi bụi, rồi trầm trồ trước hàng vạn cuốn trong cái tủ sách uy nghiêm! Đó là cách "thèm sách" của những tay chơi kỳ cựu thuộc thế kỷ XX. Không, bây giờ có ai khoe sách như thế, ngoại trừ người làm nghề buôn sách cũ.
Các tay chơi sách cũng không phải những người gầy gò, vẻ mặt ưu tư mọt sách. Có những tay chơi sách lái xe bạc tỷ đi giao dịch làm ăn, nhưng vẫn dành thời gian cho sách.
Những người chơi sách hiện nay chọn cách giao lưu trên mạng, tha hồ khoe sách như món hàng độc và bàn bạc rất dân chủ về sách cũ. Nhờ tiện ích của mạng xã hội, giới chơi sách ngày càng lộ diện bởi có ai vác được tủ sách nhà mình đi triển lãm như tranh hay cổ vật. Và cũng nhờ mạng xã hội, người sưu tập sách có rất nhiều cơ hội tiếp cận các loại sách họ muốn tìm.
Chính các mạng xã hội đã vén bức màn bí mật bao phủ cách chơi sách. Những tủ sách nổi tiếng ở Huế như sách của nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Châu Phan với số lượng hơn 10 ngàn cuốn là một mỏ vàng. Tuy nhiên, ông không phải là người sưu tập sách, chỉ đơn giản là ông thừa kế nếp nhà đọc sách, nghiên cứu, và tủ sách của ông đầy sách cổ từ thế kỷ XIX đến nay.
Nhắc đến các tủ sách Huế để thấy có sự khác nhau giữa nhà sưu tập và người có nhiều sách. Nhà sưu tập có sự yêu thích và chủ đích riêng. Họ chỉ giống nhà nghiên cứu là có đọc sách, còn thì biết rất rõ mình muốn thêm điều gì ngoài nội dung cuốn sách.
Hãy theo chân một vài người trao đổi sách cũ trên mạng, có những cái "nick" luôn liên quan đến sách cũ và kèm theo là địa phương họ đang sinh sống, ví dụ như "Sách cũ Gia Định/Cố đô/Hà Nội/Đà Nẵng"..., để thấy sách cũ là một thị trường tiềm năng và sôi nổi. Mỗi người bán sách đều có thế mạnh riêng, họ có khả năng tung sách chuyên đề để phục vụ thú chơi riêng.
Ví dụ, mới đây, trên trang "Sách cũ Cố đô” đăng tin "xả hàng" một lô 6 cuốn khảo cứu về văn hóa Huế, 9 cuốn nghiên cứu về "Lịch sử tiếng Việt", sách về thời kỳ Liên Xô. Đặc biệt nhất là thỉnh thoảng người chủ trang này vẫn có những cuốn sách của các nhà xuất bản ở miền Nam được người sưu tập săn đón như cuốn "Bên giòng lịch sử" của linh mục Cao Văn Luận (NXB Trí Dũng - 1972).
Chơi sách chuyên đề là đặc điểm thường thấy nơi người sưu tập. Như một người ở Hà Nội vừa khoe các số báo Quân đội Nhân dân xuất bản thời điểm 12 ngày đêm đánh trận Điện Biên Phủ trên không ở Hà Nội.
Chơi sách cổ là cách thể hiện chơi sang, vì sách hiếm, giá cao, tri thức của người chơi cũng phải tương đương mới đủ khả năng thẩm định giá trị sách. Chơi cầu kỳ hơn nữa là những người trẻ và mạo hiểm, họ sưu tập sách kèm theo thủ bút của tác giả, hoặc của người dịch.
Nói họ mạo hiểm vì giống như nhà sưu tập tranh, họ phải thông thạo các loại thủ bút, mực, con dấu, nghiên cứu con đường lưu lạc của cuốn sách để kiểm tra đích xác xem có phải thủ bút thật hay giả mạo. Có người còn sưu tập luôn thủ bút và bản thảo của từng tác giả, tạo thành hồ sơ riêng về cuộc đời bên ngoài và bên trong tác phẩm.
Cũng có những câu chuyện rất vui trong thế giới nhà sưu tập sách. Một cuốn sách với lời đề tặng của vợ nhà văn Phùng Quán dành cho một cô cháu gái lưu lạc đến tay nhà sưu tập.
Người này trong quá trình tìm hiểu chủ nhân cuốn sách đã liên lạc được với người có tên trên sách, và cuộc trùng phùng sau gần 30 năm giữa chủ nhân cũ và sách đem lại cho người đọc một cảm giác vô cùng trân trọng đối với người chơi sách, đọc sách.
Nhưng cũng không hiếm chuyện dở khóc dở cười khi các thủ bút đời thường, những lá đơn viết xin thêm tiêu chuẩn chế độ thời bao cấp của nhà văn nổi tiếng rơi vào tay các nhà sưu tập. Nhà sưu tập vẫn sử dụng những tư liệu đó như một khía cạnh bổ sung vào cuộc đời và sự nghiệp của tác giả.
Lại có chuyện hai nhà văn nổi tiếng ký tặng sách với những lời quý mến trân trọng từ 20 năm trước, nhưng rồi sách đã lưu lạc ra tận cửa hàng sách cũ vỉa hè và rơi vào tay nhà sưu tập. Câu chuyện ấy không phải là tin đồn, sách được chụp ảnh rõ ràng đưa lên mạng, và người công bố câu chuyện "nhà văn vứt sách" cũng là người rất nổi tiếng, không thể phiêu lưu với uy tín cá nhân.
Đã có những lưu truyền về việc một vài tủ sách trị giá nhiều tỷ đồng được mua trọn gói và đưa ra nước ngoài. Nhưng giá trị trên hết của việc sưu tập sách là những người sưu tập đã đóng góp phần không nhỏ vào việc gìn giữ và truyền cảm hứng với sách cho xã hội.
Theo Thiên Thanh (DNSG)