Nhà xin mở lối đi, hơn 10 năm chưa được giải quyết

(PLO)- Người dân xin mở lối đi trên đất công cộng hơn 10 năm nhưng chưa được các cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Phản ánh đến Pháp Luật TP.HCM, bà Trần Kim Thúy (ngụ quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) bày tỏ bức xúc về việc hàng xóm xây rào trên đất công cộng, chặn lối đi của gia đình bà hơn chục năm nay mà chính quyền chưa giải quyết dứt điểm.

Khổ vì có nhà nhưng không được ở

Bà Thúy cho biết năm 2017 mẹ bà là Tô Kim Thoa được thừa kế phần di sản từ chồng là Trần Anh Dũng (cha bà Thúy) hơn 147 m2 đất tại đường Mạc Đĩnh Chi, phường An Cư, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Trên đất có căn nhà với diện tích 73,2 m2.

Nguồn gốc đất của gia đình bà sử dụng ổn định hơn 50 năm qua và được UBND quận Ninh Kiều cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hợp pháp. Sau đó bà Thoa đã làm thủ tục tặng cho tài sản trên cho bà Thúy.

Trước nhà bà Thúy là mương thoát nước công cộng, tuy nhiên phần đất này sau đó đã bị hộ đối diện là bà HTH tự ý san lấp, xây rào kiên cố, bít hết lối đi của nhà bà Thúy hơn 10 năm qua.

Căn nhà của bà Trần Kim Thúy đã bị hàng xóm xây rào trên đất công cộng chắn hết lối ra. Ảnh: HD

Căn nhà của bà Trần Kim Thúy đã bị hàng xóm xây rào trên đất công cộng chắn hết lối ra.
Ảnh: HD

Từ năm 2006, cha bà Thúy là ông Trần Anh Dũng đã có phản ánh đến UBND quận Ninh Kiều về việc xây dựng lấn chiếm đất công của bà H và yêu cầu cơ quan chức năng giải quyết cho ông được mở lối đi trước nhà nhưng đến nay vẫn không được giải quyết.

“Gia đình tôi gồm sáu người, có đất, có nhà hợp pháp nhưng phải đi thuê nhà, ăn nhờ ở đậu khắp nơi. Chúng tôi nhiều lần yêu cầu xử lý việc lấn chiếm đất công của bà H và được mở lối đi nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Khi tôi trình bày với phường An Cư về việc xin mở lối đi thì phường nói tôi đi thương lượng với bà H” - bà Thúy nói.

Cũng theo bà Thúy, hiện nay do căn nhà trên phần đất của bà đã xuống cấp nên tháng 5-2020, bà có xin phép xây dựng lại nhà. Đến tháng 7-2020, Phòng Quản lý đô thị quận Ninh Kiều trả lời là không cấp phép được vì nhà không có lối đi.

Phường đã báo cáo vụ việc lên UBND quận

Ngày 21-9, trao đổi với PV, ông Dương Văn Long, Phó Chủ tịch UBND phường An Cư, cho biết phần đất đang có tranh chấp giữa bà Thúy và bà H là đất công cộng nhưng chưa được đưa vào hồ sơ quản lý đất công.

Hiện trạng đất (hơn 13 m2) đang được gia đình bà H quản lý sử dụng, trên đất có trồng một cây xanh, chậu kiểng. Xung quanh khu đất tiếp giáp mặt tiền phần đất bà Thúy được rào chắn bằng khung sắt lưới B40 cố định cùng các trụ bê tông.

Về việc yêu cầu bà Thúy phải thương lượng với bà H, ông Long cho biết phần mương công cộng do bà H chiếm bồi đắp, quản lý sử dụng từ lâu nên phường mới động viên gia đình bà Thúy thương lượng trả lại tiền công bồi đắp cho bà H. Bà Thúy thương lượng không thành nên mới dẫn đến tranh chấp, tố cáo như hiện nay.

Cũng theo ông Long, để giải quyết dứt điểm vụ việc, phường đã có báo cáo và đề nghị UBND quận Ninh Kiều chỉ đạo Phòng TN&MT và Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai tiến hành đo đạc, lập mảnh trích đo địa chính thửa đất. Mục đích để đưa vào danh mục quản lý đất công của phường, tham mưu cho UBND quận Ninh Kiều xem xét ban hành quyết định quản lý đất công. Sau đó, UBND phường sẽ xem xét, giải quyết đơn xin giao đất của bà Thúy đúng theo quy định của pháp luật.

Để tìm hiểu thêm thông tin về vụ việc trên, PV đã liên hệ với bà H, tuy nhiên bà H đã từ chối trả lời.•

UBND quận đã chỉ đạo các cơ quan chức năng giải quyết vụ việc

UBND quận cũng đã nhận được đơn của bà Trần Kim Thúy kiến nghị xử lý hành vi lấn chiếm đất công, trồng cây, xây dựng trái phép nhằm cố ý cản trở quyền sử dụng đất hợp pháp của gia đình bà Thúy.

UBND quận Ninh Kiều cũng đã có chỉ đạo, giao cho chủ tịch UBND phường An Cư chủ trì, phối hợp với thủ trưởng các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra nội dung đơn, xem xét giải quyết theo quy định và báo cáo kết quả giải quyết đến UBND quận.

Ông HUỲNH TRUNG TRỨ, Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm