Ngày 10-1, ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ (TP Đà Nẵng) kiêm Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa, cùng đoàn công tác đã đến tri ân, thăm hỏi và tặng quà cho các gia đình nhân chứng, từng sinh sống, làm việc tại quần đảo Hoàng Sa. Đã 49 năm ngày Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép Hoàng Sa (19-1-1974 – 19-1-2023) khiến 74 người lính của Hải quân Việt Nam Cộng hòa ngã xuống trên vùng biển Hoàng Sa, những ký ức vẫn còn nguyên vẹn trong lòng các nhân chứng.
Gần 50 năm vẫn day dứt
Ông Nguyễn Văn Cúc (71 tuổi, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) không kìm được cảm xúc khi nhớ về ngày xảy ra trận hải chiến khiến đồng đội ông hòa vào biển cả và Hoàng Sa chưa thể về được với đất mẹ.
Ông Nguyễn Văn Cúc nhớ lại trận hải chiến 49 năm trước, nơi đồng đội ông đã ngã xuống tại quần đảo Hoàng Sa. Ảnh: NGÔ QUANG |
Mỗi năm đến ngày 19-1, huyện đảo luôn có kế hoạch đi thăm hỏi các nhân chứng còn sống và đến nhà thắp hương tri ân những người đã mất. Đây như một lời khẳng định rằng thế hệ hôm nay luôn ghi nhớ, biết ơn sự hy sinh của những thế hệ trước trong công cuộc đấu tranh, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc và nhắc nhở thế hệ trẻ về chủ quyền quần đảo này của Tổ quốc.
Ông VÕ NGỌC ĐỒNG, Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng - Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa
Ông Cúc ra Hoàng Sa ba lần để làm nhiệm vụ khảo sát, sửa chữa và xây dựng trên đảo. Đây là một công việc thường xuyên được tiến hành để lực lượng đồn trú chống chọi với bão tố ngoài khơi. Lần thứ ba là lần ông Cúc không bao giờ quên khi bị Trung Quốc bắt giữ sau khi quân đội nước này cưỡng chiếm trái phép quần đảo.
“Khi đó trong lúc giao tranh tôi nhảy từ tầng 2 xuống và bị gãy chân. Tôi bị bắt ở tù gần một tháng. Chúng tôi bị bắt còn có cơ hội để trở về nhưng Hoàng Sa và những người đã ngã xuống thì đã mất. Đây là điều khiến tôi day dứt cho đến bây giờ” - ông Cúc tâm sự.
Quặn đau khi nhìn Hoàng Sa bị chiếm
Chung cảm xúc với ông Cúc, ông Trần Văn Sơn (76 tuổi, sống ở đường Võ Văn Kiệt, phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) là một trong những nhân chứng Hoàng Sa ít ỏi còn khỏe mạnh. Gần 50 năm trôi qua nhưng ông Sơn vẫn luôn dằn vặt khi nghĩ mình đã không hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ được quần đảo Hoàng Sa trước kẻ địch. Ông Sơn chia sẻ từng tham gia lính địa phương thuộc tiểu khu Quảng Nam. Tháng 1-1973, dưới sự chỉ huy của Trung úy Đỗ Công Chương nhận lệnh xuống chiến hạm Trần Khánh Dư rời cảng Đà Nẵng ra quần đảo Hoàng Sa làm nhiệm vụ canh giữ, bảo vệ vùng biên cương. Ba tháng sau thì ông về bờ.
Đoàn trao quà cho ông Trần Văn Sơn. Ảnh: NGÔ QUANG |
Ngày 19-1-1974, khi Trung Quốc liên tục có hành vi gây hấn hòng cưỡng chiếm Hoàng Sa, ông được triệu tập lên đường ra chiến đấu ở Hoàng Sa. Tuy nhiên, những tàu chiến của Việt Nam Cộng hòa sau đó nhận lệnh của cấp trên phải về bờ vì “Hoàng Sa đã mất hoàn toàn”. “Hoàng Sa đối với tôi là một tình cảm không thể nào diễn tả được. Lúc bấy giờ ai cũng lo lắng và sợ cho tính mạng nhưng anh em chúng tôi nhắc nhau bằng mọi giá phải giữ đảo quê hương. Thế rồi sau trận hải chiến ác liệt xảy ra, chiều 19-1, chúng tôi nhận lệnh rút quân vì lực lượng hai bên quá chênh lệch” - ông Sơn nhớ lại.
Đã gần nửa thập niên trôi qua nhưng ông Sơn vẫn còn nhớ cảm giác đứng trên thuyền trở lại đất liền, nhìn quần đảo đã bị chiếm, bao nhiêu đồng đội ngã xuống khiến lòng ông quặn đau.
Ông Sơn nêu nguyện vọng của mình: “Ước mong của cả cuộc đời tôi là được một lần trở lại Hoàng Sa để lặn tìm hài cốt những đồng đội đã mất, đưa họ về với gia đình và mong sao những tư liệu về Hoàng Sa sẽ được đưa vào trường học càng nhiều càng tốt để các cháu hiểu Hoàng Sa là máu thịt của Việt Nam mà ông cha bao thế hệ đã hy sinh xương máu gìn giữ”.
Sao y kỷ vật trao lại cho gia đình nhân chứng
Theo chủ tịch huyện đảo Hoàng Sa, chuyến thăm hỏi lần này UBND huyện Hoàng Sa và Nhà trưng bày Hoàng Sa sẽ có kế hoạch sao y lại các hình ảnh, kỷ vật mà những nhân chứng đã hiến tặng nhà trưng bày và trao lại cho gia đình các nhân chứng. Những hình ảnh, kỷ vật đó sẽ giúp từng gia đình có bộ sưu tập đầy đủ về Hoàng Sa để giới thiệu cho con cháu sau này.
Ngoài ra, huyện Hoàng Sa và Nhà trưng bày Hoàng Sa cũng đã sưu tập những kỷ yếu của các nhân chứng Hoàng Sa. Cùng với đó là quay phim, phỏng vấn về các nhân chứng để làm tư liệu lưu trữ cho mai sau vì hiện tại các bác giờ cũng đã lớn tuổi và yếu nhiều.
Việc chuẩn bị tư liệu này sẽ lưu giữ mãi và đó sẽ là bằng chứng để chúng tôi khẳng định và tuyên truyền biển, đảo ở Hoàng Sa, Trường Sa.