Nhận diện, đối phó 3 thách thức kinh tế 2023

(PLO)- Phản ứng của các ngân hàng trung ương, Trung Quốc mở cửa sau dịch, chiến sự Nga - Ukraine sẽ là ba yếu tố thách thức kinh tế thế giới năm 2023 và rất cần định hướng đối phó.

Sau một năm 2022 đầy biến động thì kinh tế thế giới năm 2023 được dự báo sẽ còn khó khăn hơn. Tờ The Conversation dẫn nhiều ý kiến quan sát rằng kinh tế thế giới năm nay có rơi vào suy thoái hay không sẽ tùy thuộc nhiều vào các yếu tố sau: Chính sách của các ngân hàng trung ương; Trung Quốc (TQ) mở cửa trở lại sau ba năm đại dịch; diễn biến xung đột Nga - Ukraine.

Theo sát chuyện tăng lãi suất kìm lạm phát

2022 là năm bận rộn của các ngân hàng trung ương các trung tâm kinh tế lớn với hàng loạt đợt tăng lãi suất nhằm kìm lạm phát. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất cơ bản tổng cộng 4,25%, Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) tăng 3,5%, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tăng 2,5%.

TP Soledar, tỉnh Donetsk (Ukraine) chìm trong giao tranh nguy hiểm ngay đầu năm 2023. Chấm dứt xung đột Nga - Ukraine là điều cực kỳ quan trọng với kinh tế thế giới năm nay. Ảnh: REUTERS

TP Soledar, tỉnh Donetsk (Ukraine) chìm trong giao tranh nguy hiểm ngay đầu năm 2023. Chấm dứt xung đột Nga - Ukraine là điều cực kỳ quan trọng với kinh tế thế giới năm nay.
Ảnh: REUTERS

Chiến lược này thực sự đã phát huy hiệu quả, The Conversation dẫn nhận định của giới quan sát. Mỹ vượt đỉnh lạm phát vào tháng 7-2022 và bắt đầu xu hướng giảm. Lạm phát ở Anh và các nước thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) được đánh giá có thể đã chạm đỉnh trong tháng 12-2022 với mức 10% (so với cùng kỳ năm 2021).

Tuy nhiên, theo kênh tài chính CNBC, việc các ngân hàng trung ương lớn đồng loạt tăng lãi suất có thể làm giảm nhu cầu nhập khẩu, đồng thời “giáng đòn mạnh” lên các thị trường tài chính lớn trên thế giới như Anh, Mỹ, Nhật. Ngoài ra, xu hướng tăng lãi suất còn có thể làm trầm trọng thêm tình hình khó khăn của các nước đang phát triển. Cụ thể, lãi suất cao khiến nhiều công ty và doanh nghiệp e dè trong việc vay vốn đầu tư và mở rộng kinh doanh nên dẫn đến tình trạng cắt giảm đầu tư, hậu quả cuối cùng là làm tổn hại đến các ngành sản xuất và thị trường lao động.

Để khắc phục hậu quả từ việc hàng loạt ngân hàng trung ương trên thế giới tăng lãi suất thì các nước cần hoạch định tốt chính sách tài khóa, nâng cao năng lực phân tích và dự báo diễn biến thị trường tài chính. Các nước cũng phải xây dựng những kịch bản dự trù cho trường hợp các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tiếp tục tăng nhanh lãi suất trong năm 2023, trang Prospect.org dẫn lời ông Josh Bivens, Giám đốc Viện Chính sách kinh tế (Mỹ).

Bên cạnh đó, các nước cần kiểm soát lộ trình tăng giá các mặt hàng trên thị trường một cách hợp lý, đặc biệt là giá xăng dầu, giá điện, giá dịch vụ y tế một cách phù hợp, nhằm giảm thiểu tâm lý lạm phát và áp lực tài chính cho người dân.

Trung Quốc mở cửa: Nắm bắt cơ hội, thận trọng nguy cơ

Trước thực trạng nền kinh tế toàn cầu hiện đang đối mặt với nhiều thách thức lớn thì việc TQ mở cửa trở lại sau ba năm đại dịch là một bước đi quan trọng và cần thiết, có tác dụng rất lớn trong việc chống lại lạm phát toàn cầu, hãng tin Bloomberg nhận định.

Cùng với sự mở cửa của nền kinh tế số hai thế giới, các nút thắt liên quan đến vấn đề chuỗi cung ứng có thể được tháo gỡ, làm thông thương một lượng lớn hàng xuất khẩu giá rẻ và nhập khẩu lượng hàng hóa bị tắc nghẽn cho thị trường thế giới.

Ngoài ra, theo hãng tin Reuters, với việc TQ mở cửa trở lại, nhiều nước và khu vực trên thế giới như Mỹ, châu Âu và Đông Nam Á có thể phát huy các thế mạnh để tăng cường phát triển các lĩnh vực liên quan đến du lịch trước nhu cầu của du khách TQ tăng cao.

Các nước hàng đầu về xuất khẩu năng lượng trên thế giới như Iran, Nga, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) cũng có thể tận dụng cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu dầu mỏ sang TQ, khi nhu cầu năng lượng của Bắc Kinh nhằm phục vụ các ngành công nghiệp dự kiến sẽ tăng cao trong thời gian tới.

Tuy nhiên, theo giới quan sát, dù sẽ mang lại nhiều khởi sắc cho kinh tế thế giới, song việc TQ mở cửa vẫn có thể đặt ra nhiều thách thức cho cả TQ và thế giới.

TQ trong vài tháng tới cũng phải đối mặt với một số áp lực trong nước, theo tờ South China Morning Post. Tình hình dịch bệnh trong nước phức tạp có thể gây áp lực lên ngành y tế, ảnh hưởng tới hoạt động của các doanh nghiệp nước này. Bắc Kinh cần đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bằng cách tăng cường tiêm vaccine, nâng cao năng lực y tế và đẩy mạnh công tác điều trị.

Liên minh châu Âu (EU) sẽ chịu áp lực cạnh tranh với TQ trên thị trường nhập khẩu khí hóa lỏng (LNG). Theo Reuters, để giảm thiểu tác động của áp lực trên, EU cần chủ động tìm thêm các nguồn cung từ Mỹ và các nước Trung Đông, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cảng nhập LNG để nâng cao khả năng chuyển hóa LNG từ các tàu ngoài khơi vào đất liền.

Ngoài ra, trước nhu cầu đi lại tăng cao của người dân TQ đến các nước châu Á, châu Âu, châu Mỹ, để tránh dịch COVID-19 lây lan, các nước cần thận trọng và đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch.

“Như một hệ quả của tăng lãi suất để chống lạm phát, có vẻ kinh tế thế giới sẽ đối mặt với nguy cơ suy thoái trong năm 2023”

Ông Kay Daniel Neufeld, Giám đốc bộ phận dự báo của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và kinh doanh (CEBR) ở London.

Xung đột Nga - Ukraine: Nỗ lực chấm dứt sớm

Xung đột Nga - Ukraine sẽ tiếp tục là một điểm nhấn quan trọng đối với nền kinh tế thế giới trong năm 2023, trang Business Review dẫn nhận định của GS Karen Dynan tại ĐH Harvard (Mỹ) và là thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế quốc tế Peterson (Mỹ).

Nga và Ukraine là những nước đi đầu trong việc xuất khẩu lương thực, phân bón và năng lượng. Vậy nên việc xung đột giữa hai nước tiếp tục leo thang trong năm 2023 sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung của các lĩnh vực trên trong thị trường thế giới, theo GS Dynan.

Trong năm 2022, Nga siết nguồn cung khí đốt sang châu Âu, gây khủng hoảng năng lượng trầm trọng cho châu Âu nói riêng và thế giới nói chung. Cuộc khủng hoảng này đã phần nào đẩy nền kinh tế thế giới rơi vào tình trạng ảm đạm hiện tại, đặc biệt là các ngành sản xuất công nghiệp.

Theo Reuters, để đảm bảo an ninh lương thực và phân bón cho thị trường thế giới, Liên Hợp Quốc cần tiếp tục nỗ lực làm trung gian để thỏa thuận ngũ cốc giữa Nga và Ukraine được đảm bảo. Trong vấn đề an ninh năng lượng, các nước bị ảnh hưởng trực tiếp ở châu Âu cần chủ động tìm nguồn cung thay thế Nga từ Mỹ và Qatar.

Một điều quan trọng với kinh tế thế giới năm nay là chấm dứt chiến sự Nga - Ukraine. Để có thể đạt được điều này, các nước cần nỗ lực hơn nữa thúc đẩy Nga - Ukraine tiến tới đối thoại, đàm phán kết thúc xung đột.•

Các nước xoay xở ra sao trước khủng hoảng chi phí sinh hoạt?

Năm 2022 và cho tới nay nhiều nước đã, đang thực hiện nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn khủng hoảng chi phí sinh hoạt leo thang, theo tờ The Conversation.

Mỹ cuối năm 2022 công bố Đạo luật giảm lạm phát trị giá 430 tỉ USD, trong đó bao gồm giảm giá thuốc kê đơn và tín dụng thuế, tạo thêm nhiều việc làm nhằm hỗ trợ người dân giảm áp lực chi phí sinh hoạt.

Tại châu Âu, nhiều nước như Pháp, Đức và Tây Ban Nha giảm giá năng lượng, đưa ra các khoản hỗ trợ phí sinh hoạt, giảm áp lực giá cả tăng.

Tại châu Á, Nhật tăng lương tối thiểu 3,3%, nỗ lực kiểm soát không để giá các loại lương thực như lúa mì, gạo tăng cao. Ấn Độ cũng đang nỗ lực kìm giá các mặt hàng lương thực như lúa mì, dầu ăn và đường.

Tại châu Phi và Trung Đông, các nước như Nam Phi, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) tăng cường chi tiêu cho phúc lợi xã hội.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm