Nhận giữ trẻ từ 6 tháng tuổi: Chính sách nhân văn của TP.HCM

(PLO)- Bà Lê Thuỵ Mỵ Châu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM đánh giá mô hình nhận giữ trẻ từ 6 tháng tuổi là chính sách nhân văn của TP, sẽ tiếp tục nhân rộng trong thời gian tới.

Ngày 31-12, Sở GD&ĐT TP.HCM tổ chức sơ kết 10 năm thực hiện Đề án nhận giữ trẻ từ 6 tháng tuổi đến 18 tháng tuổi.

Địa phương đầu tiên thí điểm nhận giữ trẻ từ 6 tháng tuổi

Bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở GD&ĐT TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, năm học 2014-2015, TP.HCM là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai thí điểm việc nhận giữ trẻ từ 6 tháng tuổi đến 18 tháng tuổi.

Theo đó, việc nhận giữ trẻ diễn ra tại 13 trường mầm non của 8 quận, huyện (quận 7, quận 12, Bình Tân, Tân Phú, Thủ Đức, huyện Bình Chánh, Nhà Bè và Củ Chi). Mỗi quận, huyện thí điểm từ 1 đến 2 trường mầm non công lập.

Năm học 2015-2016, mô hình nhận giữ trẻ từ 6 tháng tuổi được mở rộng thực hiện thêm tại 4 quận (quận 9, quận 11, Gò Vấp, Tân Bình). Đến nay, mô hình đã được hiện đại trà 100% quận, huyện và TP Thủ Đức; riêng quận 4 chưa thực hiện vì còn gặp một số khó khăn về điều kiện.

Tính đến năm học 2024-2025, toàn TP có 241 cơ sở giáo dục mầm non giữ trẻ từ 6 tháng đến 18 tháng tuổi (công lập 133, ngoài công lập là 58, nhóm trẻ độc lập là 50).

Trường Mầm non Măng non 1, quận 10, nhận giữ trẻ từ 6 tháng tuổi. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Số trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi được gửi đến các trường, lớp, nhóm trẻ tại TP.HCM tăng dần qua các năm. Từ 175 trẻ năm 2014, sau 10 năm, đã có 2.593 trẻ trong độ tuổi này đi học tại các trường, lớp mầm non (công lập là 1.825, ngoài công lập là 437, nhóm trẻ độc lập là 331).

“Nhu cầu gửi trẻ nhỏ của người dân ngày càng cao. Việc nhận giữ trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi đã thực hiện tại 20/21 quận, huyện và TP Thủ Đức, qua các loại hình cơ sở giáo dục mầm non.

Số trường, số nhóm và số trẻ tăng, trung bình mỗi nhóm có từ 12 trẻ; số giáo viên/trẻ đảm bảo theo quy định và bố trí 1 nhân viên nuôi dưỡng. Các giáo viên đạt chuẩn trình độ chuyên môn và có kinh nghiệm trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục trẻ” - bà Điệp nhấn mạnh.

Chưa đáp ứng nhu cầu phụ huynh

Tại buổi sơ kết, bà Lê Thị Oanh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nhà Bè cho biết trên địa bàn có 3 trường thực hiện việc nhận giữ trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi.

Cô trò Trường Mầm non Măng non 1, quận 10 trong 1 giờ học. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

“Dù có nhu cầu gửi trẻ nhưng một số cha mẹ trẻ ở xa trường thực hiện nhận trẻ 6 đến 18 tháng nên phải lựa chọn hình thức gửi trẻ khác. Do đó, để đáp ứng nhu cầu gửi trẻ tại các địa bàn khác, Phòng GD&ĐT sẽ tiếp tục tham mưu UBND huyện đầu tư cải tạo, xây dựng phòng học cho nhóm tuổi này tại một số trường mầm non khác.

Bên cạnh đó, phòng cũng tiếp tục thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách dành cho giáo viên, nhân viên theo nghị quyết của HĐND TP, đẩy mạnh tuyên truyền trong cộng đồng xã hội để tạo sự đồng thuận” - bà Oanh nói.

Trường Mầm non Bé Ngoan (quận 1) là đơn vị thực hiện đề án nhận giữ trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi. Đại diện trường cho biết chỉ có 1 lớp nhận giữ trẻ trong độ tuổi này, trong khi nhu cầu phụ huynh khá lớn chưa thể đáp ứng. Do đó, trường kiến nghị có thêm lớp nhà trẻ 6-18 tháng tuổi tại các trường khác trong quận để phục vụ nhiều hơn những phụ huynh có nhu cầu gửi con độ tuổi này.

Mặt khác, hiện chính sách chỉ hỗ trợ thêm 35% tiền lương cho giáo viên trực tiếp dạy các lớp 6-18 tháng tuổi nhưng so với tính chất và yêu cầu công việc khá vất vả, nguy cơ rủi ro cao. Do đó, trường đề xuất lãnh đạo quận có thêm chính sách đãi ngộ đối với giáo viên, nhân viên lứa tuổi này.

Trong khi đó, Phó phòng GD&ĐT huyện Hóc Môn cho rằng để nhận giữ trẻ 6 tháng đòi hỏi phải đầu tư về cơ sở vật chất như phải xây dựng hệ thống các phòng như phòng sinh hoạt chung, phòng pha sữa, phòng cho trẻ bú... Tuy nhiên, điều kiện các trường trên địa bàn chưa thể đáp ứng nên mong nhận được sự quan tâm từ các ban ngành.

Tiếp tục nhân rộng, phát triển mô hình

Bà Lê Thuỵ Mỵ Châu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Bà Lê Thuỵ Mỵ Châu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, khẳng định việc nhận giữ trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi tại các cơ sở giáo dục mầm non là một chủ trương lớn mang tính nhân văn của TP.

Chủ trương này thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến sự phát triển toàn diện của trẻ em ngay từ những tháng đầu đời. Đây cũng là nhiệm vụ quan trọng của ngành giáo dục đào tạo TP góp phần thực hiện đúng chủ trương của TP về chăm lo cho thế hệ trẻ, phát triển kinh tế gắn với giải quyết các vấn đề xã hội bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau.

"Trong thời gian tới, TP.HCM sẽ tiếp tục duy trì, nhân rộng, phát triển mô hình này để đáp ứng nhu cầu của phụ huynh” - bà châu nói.

Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, để thực hiện tốt mô hình trên, các đơn vị cần phải thực hiện tốt những vấn đề sau. Thứ nhất, trường học phải quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, chú trọng việc phát huy nguồn lực từ xã hội. Do đó, các đơn vị phải thực hiện tốt công tác tuyên truyền để mọi người hiểu, biết về mô hình này.

Bên cạnh đó, bậc học mầm non cần tiếp tục thực hiện các lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, tổ chức các chương trình tham quan, giao lưu mô hình điểm để học tập lẫn nhau.

Bà Châu cho biết việc giữ trẻ từ 6 tháng là công việc khá vất vả, do đó các đơn vị phải quan tâm đến đời sống của giáo viên. Phòng Giáo dục Mầm non phải phối hợp với các phòng có liên quan rà soát để tham mưu cho UBND TP trình HĐND TP những chính sách phù hợp để đội ngũ yên tâm công tác.

Đặc biệt, bà Châu nhấn mạnh công tác kiểm tra, giám sát tại các cơ sở giáo dục mầm non có nhận giữ trẻ từ 6 tháng tuổi, không được để xảy ra những sự việc mất an toàn cho trẻ, phải tạo được niềm tin của phụ huynh.

Nhờ có đề án, tôi yên tâm làm việc

Chị Phạm Anh, sống tại TP Thủ Đức biết ơn TP.HCM vì đã tổ chức nhận giữ trẻ từ 6 tháng tuổi. Gia đình chỉ có 2 vợ chồng, ông bà nội ngoại già yếu không thể phụ giúp thêm. Ngay khi vừa kết thúc thời kỳ nghỉ thai sản, chị đã gửi bé đến trường học. Tại trường, con được các cô chăm sóc chu đáo, đầy đủ tiện nghi. Điều đó khiến chị yên tâm làm việc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới