Thực tế về việc phụ huynh chưa kịp nhận tiền hỗ trợ, trường mầm non đã tuyên bố giải thể đã được các cán bộ quản lý trường mầm non chia sẻ tại hội nghị "thực trạng và giải pháp thu hút giáo viên mầm non" do Sở GD&ĐT TP.HCM tổ chức sáng nay.
Rút ngắn thời gian chi tiền hỗ trợ
Ông Lê Trọng Duy, Hiệu trưởng Trường Mầm Non Ban Mai, TP Thủ Đức, cho biết bên cạnh những chế độ chính sách chung dành cho bậc học mầm non, TP.HCM còn có các chính sách đặc thù để hỗ trợ giáo dục mầm non.
Các nghị quyết này được trường triển khai đầy đủ và được phụ huynh hưởng ứng nhiệt tình vì họ được hưởng quyền lợi.
Tuy nhiên, ông Duy nhìn nhận thời gian nộp hồ sơ cho tới khi được giải ngân và trao tiền hỗ trợ rất lâu, mất từ 4 đến tháng 6. Điều này khiến phụ huynh rất nóng ruột.
Ngoài ra, để thực hiện các nghị quyết hỗ trợ, trường phải làm rất nhiều loại hồ sơ liên quan. Các trường mầm non phải mất nhiều thời gian và còn phải thực hiện nhiệm vụ chính là công tác giáo dục.
“Thực hiện chính sách hỗ trợ cho con em công nhân, chính sách hỗ trợ học phí và các nghị quyết vô hình chung các trường đều bị cuốn vào làm các thủ tục hành chính, giấy tờ.
Tại cuộc họp này tôi mong muốn lãnh đạo Sở GD&ĐT TP.HCM đề xuất với Sở Tài chính rút ngắn thời gian chi tiền hỗ trợ để tạo sự yên tâm cho phụ huynh, bên cạnh đó là giảm tải các hồ sơ thủ tục" - ông Duy bày tỏ.
Đồng quan điểm, chuyên viên phòng GD&ĐT quận 1 xác nhận quá trình các trường thực hiện hồ sơ để nhận hỗ trợ rất mất thời gian. Vị này dẫn chứng, có trường hợp đến thời điểm hồ sơ được giải quyết, chế độ hỗ trợ cho phụ huynh được phê duyệt và cấp kinh phí thì trường mầm non phải giải thể do không đủ kinh phí để hoạt động.
“Trường mầm non phải giải thể ngay thời điểm nhận tiền hỗ trợ để gửi cho phụ huynh. Do đó, với trường hợp trên, sau khi nghiên cứu và xem xét, quận đã quyết định chuyển tiền trực tiếp vào tài khoản của phụ huynh” - vị này nói.
Ông Mai Phương Liên, Phó Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính, Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết các hồ sơ thực hiện theo đều đã được quy định. Đại diện các phòng GD&ĐT quận/huyện nắm bắt những khó khăn của các trường về tham mưu UBND các quận/huyện sớm có giải pháp tháo gỡ.
Hơn 5.000 giáo viên ngoài công lập chưa đạt chuẩn
Tại hội nghị, vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm số giáo viên mầm non chưa đạt chuẩn theo quy định.
Theo Sở GD&ĐT TP.HCM, tính đến nay, có 20.844/26.055 giáo viên mầm non đạt chuẩn, hiện còn 5.211 giáo viên mầm non chưa đạt chuẩn (số giáo viên mầm non chưa đạt chuẩn đa phần đang làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, đặc biệt là các nhóm lớp).
Về vấn đề trên, bà Dương Thị Kim Anh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hải Yến (quận Tân Phú) cho hay đây là vấn đề luôn được trường quan tâm trong những năm qua.
“Trường có 6 lớp với 12 giáo viên. Hiện đã có 7 cô giáo đạt chuẩn, 2 cô đã đi học nâng chuẩn bước vào năm thứ 2, còn 3 cô vẫn chưa đi học. Điều khiến trường và các cô băn khoăn là thời gian học chưa có phù hợp. Nếu các cô đi học vào thứ 7 sẽ không có người để thay thế, choàng gánh công việc, rất khó đáp ứng vì nhân sự của trường chỉ có như vậy" - bà Anh nói.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Trưởng phòng tổ chức cán bộ, Sở GD&ĐT TP.HCM, nhìn nhận không ít các địa phương, cơ sở giáo dục mầm non đã có giải pháp hết sức hiệu quả để tạo mọi điều kiện cho đội ngũ sắp xếp bồi dưỡng nâng chuẩn.
Theo Luật Giáo dục 2019, việc nâng chuẩn là theo lộ trình và có thời hạn, do đó ngành giáo dục phải làm công việc rà soát thường xuyên. Mỗi người đều có khó khăn riêng, tuy nhiên, cần phải vượt qua để thực hiện nhiệm vụ vì đây là yêu cầu bắt buộc.
Sở GD&ĐT TP.HCM đã phối hợp với Trường Đại học Sài Gòn để tổ chức các chương trình đào tạo nâng chuẩn cho giáo viên.
Nói rõ hơn về vấn đề này, bà Đỗ Thị Mỹ Liên, Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên, Trường Đại học Sài Gòn, cho biết trường đã thực hiện việc nâng chuẩn khóa 1 cho khối mầm non và trung học. Việc đào tạo nâng chuẩn trực tiếp được thực hiện từ trung cấp lên đại học.
"Khi đi học, các thầy cô đã được hỗ trợ về kinh phí. Bên cạnh đó, tiếp thu ý kiến của các giáo viên, trường tổ chức học vào buổi tối các ngày từ thứ 2 đến thứ 6 và chủ nhật để thứ 7 các cô còn tham gia thực hiện công việc của mình" - bà Liên nói.
Trường học phải đầu tư chất lượng để thu hút giáo viên, người học
Đại dịch COVID đã qua 3 năm, thời điểm này nền kinh tế đang phục hồi, các trường phải quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, chất lượng giáo dục để thu hút đội ngũ giáo viên cũng như tạo được niềm tin của người học.
Trách nhiệm của các chủ đầu tư, ban lãnh đạo các trường phải nắm rõ các chính sách đặc thù của TP dành cho giáo viên, người học để tuyên truyền và hướng dẫn thực hiện một cách hiệu quả.
Hiện nay, tại TP.HCM, tình trạng giáo viên chưa đạt chuẩn không phải ít do đó đề nghị các đơn vị quan tâm đầu tư, tạo mọi điều kiện để các cô được đào tạo, học nâng chuẩn, đáp ứng yêu cầu của công việc.
Bên cạnh đó, tình trạng thiếu giáo viên mầm non tại các cơ sở ngoài công lập còn nhiều, các địa phương phải chủ động có kế hoạch tuyển dụng để khắc phục tình trạng trên.
(Bà LÊ THỤY MỴ CHÂU, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM)