Sáng 20-5, Quốc hội (QH) đã khai mạc kỳ họp thứ bảy, trong đó hai ngày đầu dành cho nội dung nhân sự là bầu Chủ tịch QH, Chủ tịch nước. Đây là diễn biến tiếp theo của những biến động nhân sự cấp cao từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay.
Báo Pháp Luật TP.HCM phỏng vấn GS-TSKH Phan Xuân Sơn, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, để nhìn nhận vấn đề dư luận đang đặc biệt quan tâm này.
Chưa có tiền lệ nhưng vẫn là cục bộ
. Phóng viên: Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến giờ chúng ta chứng kiến những biến động về nhân sự, trong đó có nhiều nhân sự là lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước. Nên lý giải diễn biến này như thế nào, thưa ông?
+ GS-TSKH Phan Xuân Sơn: Ổn định của hệ thống chính trị cần được nhận diện ở mấy điểm sau.
Thứ nhất, Đảng lãnh đạo và cầm quyền thì phải xem Cương lĩnh, đường lối, chính sách lớn của Đảng có gì thay đổi không? Cán bộ là then chốt của then chốt thì hệ thống các quy định liên quan thế nào? Rõ ràng là không có điều chỉnh gì cả, thậm chí còn hoàn thiện hơn, chặt chẽ hơn, thực thi nghiêm túc hơn.
Thứ hai, tổ chức bộ máy nhà nước có xáo trộn gì không, thể chế kinh tế có thay đổi gì không? Thực tế là tất cả đang trong quá trình hoàn thiện, trong đó chú trọng vào cải cách hành chính, vào chuyển đổi số, cải cách tiền lương khu vực công, rồi sửa đổi, bổ sung, khắc phục các bất cập trong hệ thống pháp luật.
Thứ ba, an ninh, quốc phòng, đối ngoại thế nào? Tất cả đều đang rất tốt. Trong nước thì kỷ luật kỷ cương lĩnh vực đang được tăng cường. Bên ngoài thì môi trường quốc tế dù còn nhiều thách thức nhưng đang rất thuận lợi cho sự phát triển của chúng ta.
Thứ tư, ổn định cần được đong đếm bởi kết quả phát triển kinh tế - xã hội. Dù còn nhiều khó khăn trong bối cảnh thế giới vừa trải qua đại dịch COVID-19, rồi căng thẳng địa chính trị, xung đột xảy ra nhiều nơi, kinh tế nước ta vẫn tăng trưởng ở mức khá.
Cán bộ là then chốt của then chốt thì đương nhiên công tác xử lý cũng phải nghiêm túc. Càng cấp cao càng phải gương mẫu.
Cho nên biến động vừa qua dù chưa có tiền lệ nhưng vẫn là cục bộ. Còn tổng thể, từ các yếu tố nêu trên mà đánh giá thì phải khẳng định chính trị nước ta tiếp tục ổn định với chất lượng cao hơn.
Tính từ đầu khóa đến nay, Đảng đã thi hành kỷ luật gần 100 cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý, bao gồm cả người đã nghỉ hưu.
. Nhưng lâu nay có vẻ ta vẫn hiểu ổn định tức là không nên có những biến động nhân sự lớn, nhất là ở lãnh đạo cấp cao?
+ Phải thay đổi tư duy thôi! Lâu nay có lên mà không có xuống, có vào mà không có ra thì ta cho đó là ổn định. Nếu có gì xảy ra thì cấp càng cao xử lý càng tế nhị, càng kín đáo. Vậy cái ổn định ấy có tốt không, hay lại tích lũy những hệ lụy để rồi như mấy năm vừa rồi phải xử lý rất nhiều đồng chí, có người từng là nguyên ủy viên Bộ Chính trị.
Ổn định như thế là quan niệm cũ rồi. Ổn định như thế chỉ có lợi cho các nhóm lợi ích. Cứ hùn vào, “đầu tư” cho một ông nào đó, một dây nào đó là tha hồ chia chác mà không sợ gì cả. Kiểu như một doanh nghiệp cấp huyện như Phúc Sơn sau thời gian kiếm được bao nhiêu dự án trên cả nước, hay Thuận An mới mấy năm mà trúng thầu bao nhiêu dự án từ nguồn vốn phục hồi kinh tế hậu COVID-19…
Với thực tiễn chính trị vừa qua, công tác cán bộ động hơn, có lên có xuống, có vào có ra, vi phạm là phải xử lý, bất kể là ai, vậy là tốt chứ.
Chúng ta đang đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng Nhà nước pháp quyền. Vì vậy, người dân, doanh nghiệp cũng phải thay đổi nhận thức, không thỏa hiệp với tiêu cực, đừng vì lợi ích ngắn hạn của mình mà làm hỏng môi trường kinh doanh mà phải cạnh tranh theo nguyên tắc thị trường, trong khuôn khổ pháp luật.
Còn quan chức thì phải biết sợ…
… Làm cho Đảng chân chính hơn
. Là đảng viên ông có bất ngờ với những biến động nhân sự, nhất là ở cấp cao, như vừa qua không?
+ Làm công tác nghiên cứu, tôi hiểu thực tiễn chính trị nước ta thời gian qua còn nhiều vấn đề. Trong bộ máy đâu đó vẫn có những cán bộ, kể cả cấp cao hư hỏng, biến chất. Việc đó Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI đánh giá rồi và nay sau 12 năm, biến động nhân sự đang diễn ra là minh chứng và cũng không quá bất ngờ.
Cách nào đó mà nói thì cũng buồn. Cán bộ được bồi dưỡng, đào tạo, phát triển, có thể đóng góp tiếp mà phải dừng lại, phải bị xử lý!
Còn một cách tổng thể, tự mình phải thấy phấn khởi. Vì như Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy trong bài viết Sửa đổi lối làm việc 77 năm trước: “Nói về Đảng, một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.
. Những gì đã bộc lộ ra cho thấy tham nhũng, tiêu cực ở nước ta xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành và chúng ta có thể xoay chuyển được tình hình?
+ Triết học Mác cho rằng để hiểu một sự vật thì phải làm cho nó bộc lộ hết thuộc tính ra. Công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và nhất là chống tham nhũng, tiêu cực vừa qua đã làm bộc lộ một số thực trạng còn hạn chế.
Nhưng với những gì đã làm được thì có thể khẳng định Đảng ta càng chống tham nhũng càng trong sạch, càng vững mạnh, nhân dân càng tin tưởng và đất nước càng phát triển.
Tôi cảm nhận đến lúc này, quyết tâm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta vẫn tiếp tục ở mức rất cao, không có gì suy suyển cả. Việc kiện toàn nhân sự Bộ Chính trị và các chức danh lãnh đạo chủ chốt cho thấy điều đó.
Giai đoạn ổn định mới, tích cực hơn…
. Trung ương đã kiện toàn nhân sự về mặt Đảng và QH hôm nay kiện toàn về mặt Nhà nước. Câu hỏi đặt ra là công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng tới đây sẽ diễn ra thế nào và sẽ phát tín hiệu gì cho cả nền kinh tế?
+ Hệ thống các quy định của Đảng thời gian qua đã được bổ sung, hoàn thiện rất nhiều, nhất là các quy định về kiểm soát quyền lực. Phương pháp, phương thức, lề lối làm việc và nhất là nhận thức trong hệ thống chính trị đang có những chuyển động theo đúng đường lối.
Kinh tế trong nước thì đang trong đà phục hồi tốt, môi trường quốc tế dù đâu đó cạnh tranh địa chính trị rất gay gắt nhưng nhìn chung vẫn thuận lợi cho đất nước ta.
Với việc kiện toàn nhân sự đang diễn ra như thế này thì có thể thấy êkíp lãnh đạo mới đang dần thành hình. Đây là tín hiệu tích cực cho một giai đoạn ổn định, tiếp tục đổi mới và phát triển…
. Xin cảm ơn ông.
Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh thực tế “nhân vô thập toàn” và công tác nhân sự tới đây phải tiến hành thận trọng, chặt chẽ.
Theo tôi, quan trọng là phải biết phân biệt, đánh giá chính xác bản chất, mức độ các điểm mạnh, điểm yếu để không chọn nhầm người và phải có cách bố trí, sắp xếp nhân sự sao cho phù hợp để phát huy mặt mạnh, hạn chế mặt yếu của mỗi thành viên, bổ sung cho nhau, tạo ra một êkíp mạnh.
Tập thể ấy khi đã được bầu ra thì phải chăm lo xây dựng, vun xới, bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau để mỗi người tự hoàn thiện mình, phát huy mặt tốt, khắc phục mặt yếu. Để khi mỗi cá nhân đứng trong cùng một tập thể thì tập thể đó trở nên hoàn thiện hơn, toàn diện, vững mạnh hơn. Mỗi cá nhân cũng trở nên tốt hơn, phát huy được nhiều hơn phẩm chất và năng lực của mình.
Và hẳn nhiên là chúng ta vẫn phải tiếp tục duy trì nhịp độ công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để đảm bảo mọi quyền lực phải được kiểm soát. Việc chuẩn bị, giới thiệu, bầu ra nhân sự mà chúng ta đang tiến hành mới chỉ là tiền kiểm. Trong quá trình công tác của mỗi cán bộ, nhất là cấp lãnh đạo, quản lý phải có hậu kiểm, giám sát thường xuyên và phải hiệu quả hơn.
Chúng ta chuẩn bị bước vào Đại hội XIV ở thời điểm hướng tới 100 năm ngày thành lập Đảng vào năm 2030, 100 năm ngày thành lập nước vào năm 2045. Vậy thì như Tổng Bí thư nói công tác nhân sự Đại hội XIV không chỉ là nhiệm vụ của Trung ương mà là của cả hệ thống chính trị, của các cấp ủy, tổ chức Đảng, của các địa phương.
GS-TSKH Phan Xuân Sơn