Cuộc khủng hoảng chính trị ở Venezuela diễn ra như một quy luật tất yếu đã được dự báo trước khi mà kinh tế-xã hội của đất nước này đã và đang trải qua giai đoạn tồi tệ nhất trong lịch sử. Với một nền kinh tế hoàn toàn dựa dẫm vào xuất khẩu dầu mỏ, những thăng trầm của thị trường dầu mỏ chính là nguyên nhân then chốt đưa Venezuela đến sự giàu có hoặc là sự nghèo đói.
Khủng khoảng kinh tế-xã hội nghiêm trọng
Tại thời điểm ông Nicolas Maduro đắc cử tổng thống nhiệm kỳ đầu tiên vào năm 2013, tình hình kinh tế-xã hội của Venezuela đã gần chạm đáy. Tuy nhiên, ông Maduro lại không có được nguồn tiền từ dầu mỏ như thời của Tổng thống Hugo Chavez. Đất nước với 95% ngân sách nước này phụ thuộc vào dầu mỏ phải lâm vào kiệt quệ vì từ năm 2014 giá xăng dầu giảm mạnh.
Ngày 20-5-2018, ông Nicolas Maduro tái đắc cử trong cuộc bầu cử đầy tranh cãi với hơn 67% phiếu bầu trong bối cảnh bức tranh kinh tế-xã hội thảm hại ở đất nước Venezuela. Trong khi các ngành sản xuất ngày càng yếu ớt và tê liệt, nền kinh tế không tạo ra các giá trị thặng dư mà các gói tiền chính phủ khổng lồ vẫn phải đổ vào các chương trình xã hội.
Điều đó dẫn đến tình trạng lạm phát khiến rất nhiều người dân Venezuela không thể mua nổi những thứ cơ bản nhất phục vụ cuộc sống, bao gồm thuốc men và thức ăn. Tỉ lệ lạm phát hằng năm đạt 1.300.000% tính đến tháng 11-2018.
Chất lượng các chương trình phúc lợi xã hội bị tuột dốc thê thảm. Điển hình là chương trình chăm sóc sức khỏe cộng đồng hiện nay, uớc tính cứ ba bệnh nhân vào bệnh viện công thì có một người tử vong. Hệ thống giao thông công cộng, đặc biệt ở các TP nằm ngoài thủ đô Caracas, trở nên yếu kém và không đáp ứng nhu cầu người dân.
Cậu bé Imael (năm tuổi) với bữa ăn duy nhất trong ngày chỉ có cơm và đậu. Ảnh: CNN
Kéo theo khủng hoảng chính trị
Kể từ khi ông Juan Guaido, Chủ tịch Quốc hội Venezuela tự xưng là tổng thống từ hôm 23-1, cuộc khủng hoảng ở Venezuela chính thức trở thành khủng hoảng chính trị. Chính quyền Maduro và phe đối lập hoàn toàn không tìm được tiếng nói chung.
Ngày 3-2, ông Maduro cho biết ông ủng hộ đề xuất của Quốc hội lập hiến (ANC) về việc triệu tập bầu cử Quốc hội sớm trong năm nay để giải quyết vấn đề tồn tại trong cơ quan lập pháp này từ năm 2016. Động thái này nhằm mục đích vô hiệu hóa quyền lực của người đứng đầu Quốc hội hiện nay, tổng thống tự phong Guaido.
Ngày 7-2, Bộ trưởng thông tin Jorge Rodríguez đã công bố các bằng chứng về âm mưu lật đổ chính quyền Tổng thống Maduro do phe đối lập tiến hành. Một ngày sau đó, Quốc hội Venezuela do ông Guaido đứng đầu thông qua Luật Chuyển tiếp. Theo luật này, một khi Tổng thống Maduro rời bỏ quyền lực thì ông Guaido được quyền triệu tập bầu cử trong thời gian 30 ngày. Nhưng nếu không thể thực hiện được thì ông Juan Guaido có thể tiếp tục đứng đầu chính phủ lâm thời trong thời gian 12 tháng.
Tòa án Công lý Tối cao Venezuela (TSJ) đã tuyên bố “vô hiệu hoàn toàn” đối với Luật Chuyển tiếp, đồng thời kiến nghị ANC đưa ra những nghị quyết liên quan tới hoạt động của cơ quan lập pháp và ông Guaido, coi hành động này là âm mưu đảo chính.
Ngày 9-2, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã bác bỏ cơ chế Montevideo được đa số thành viên nhóm tiếp xúc quốc tế về Venezuela ủng hộ, trong đó bao gồm giải pháp tiến hành một cuộc bầu cử tổng thống mới. Cuộc chiến chính trị này càng kéo dài chỉ càng làm cho đất nước Venezuela bị chia rẽ và nguy cơ bị can thiệp của nước ngoài.
90% chúng tôi trong lực lượng vũ trang thực sự không vui vẻ gì. Chúng tôi đang bị họ sử dụng để duy trì quyền lực. Đại tá RUBEN PAZ JIMENEZ, bác sĩ quân y Venezuela |
Sự lựa chọn của nhân dân Venezuela
Sự đói nghèo là thách thức “lòng trung thành” của người dân Venezuela đối với chính quyền Maduro. Thức ăn và chỗ ở là hai nhu cầu tối thiểu cho cuộc sống. Khi tình trạng kinh tế-xã hội xuống mức thảm hại, người dân Venezuela cần sự thay đổi triệt để.
Theo Liên Hiệp Quốc, ba triệu người đã trốn khỏi Venezuela trong ba năm qua. Gần đây, hàng viện trợ nhân đạo do Mỹ tài trợ đang được tập trung tại biên giới Venezuela và Colombia theo lời kêu gọi của ông Guaido. Tuy nhiên, Venezuela đã phong tỏa đường vào của hàng viện trợ và coi đây là hành động can thiệp của Mỹ.
Động thái này của ông Guaido sẽ thách thức mối quan hệ của ông Maduro với quân đội, buộc những người lính ở biên giới phải lựa chọn giữa thức ăn và lòng trung thành với chính quyền của đương kim Tổng thống Maduro. Ngày 10-2, ông Jimenez, một đại tá quân đội đã quay sang ủng hộ tổng thống tự phong và kêu gọi binh sĩ dưới quyền hỗ trợ để lô hàng viện trợ của Mỹ được vào Venezuela.
Tình trạng đói nghèo khiến cho các khu ổ chuột là nơi đang đấu tranh mạnh mẽ nhất. Phần lớn người dân Venezuela ủng hộ phe đối lập đều xuất thân từ tầng lớp khốn cùng trong xã hội. Ông Guaido dưới cương vị người đứng đầu của cơ quan đại diện ý chí và nguyện vọng của nhân dân Venezuela có thể được người dân xem là niềm hy vọng mới.
Bên cạnh đó, việc Mỹ giáng đòn trừng phạt kinh tế vào các công ty dầu mỏ của Venezuela cũng khiến chính quyền Maduro khó khăn. Không có nguồn thu vào ngân sách nhà nước, nợ nước ngoài quá lớn, chính quyền ông Maduro đứng trước nguy cơ không thể trả lương cho lực lượng quân đội, cảnh sát.
Tuy nhiên, sự ủng hộ đối với chính quyền của ông Maduro hiện nay vẫn rất lớn. Ngày 3-2, khoảng một triệu người dân Venezuela đã xuống đường tuần hành ủng hộ ông Maduro tại thủ đô Caracas, bày tỏ trung thành với nhà lãnh đạo này. Ông Maduro nhận được sự công nhận hiển nhiên của tất cả nước thiết lập quan hệ ngoại giao với Venezuela, đặc biệt là Liên Hiệp Quốc, chỉ trừ một số nước hiện nay đã công khai ủng hộ phe đối lập.
Trong tình trạng này, chìa khóa để giải quyết vấn đề là tìm ra được một cơ chế để nhân dân Venezuela bày tỏ nguyện vọng chính đáng của mình, qua đó chọn ra một nhà lãnh đạo mang lại ấm no hạnh phúc cho người dân Venezuela. Chính nhân dân Venezuela mới có quyền quyết định vận mệnh và tương lai của đất nước Venezuela.