‘Nhận tội để cứu con trong bụng’

Ngày 8-6, TAND tỉnh Phú Thọ mở phiên tòa sơ thẩm lần 3 xét xử bị cáo Cao Thị Thu Hằng (34 tuổi, trú xã Thụy Vân, TP Việt Trì, Phú Thọ) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đây là vụ án có dấu hiệu oan khi chứng cứ kết tội thiếu thuyết phục, điều tra viên có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án.

Hai lần hủy án

Theo hồ sơ, tháng 8-2011, CQĐT Công an tỉnh Phú Thọ khởi tố vụ án hình sự và khởi tố bị can đối với Lê Thị Minh Hiền về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hiền đã nhận hàng chục tỉ đồng của nhiều người để chạy việc và xin đất. Tại CQĐT, Hiền khai phần lớn số tiền nhận của người dân đã giao cho Hằng nhưng không có tài liệu chứng minh.

Một tháng sau, CQĐT nhận được đơn của ông Tạ Quang Thuật và bà Hoàng Thị Thu (ngụ thị trấn Hùng Sơn, Lâm Thao) tố cáo Hằng lừa đảo chiếm đoạt gần 1,2 tỉ đồng với việc nhận hồ sơ chạy việc, chạy trường.

Ngày 16-9-2011, CQĐT đã khởi tố bị can, sau đó bắt tạm giam Hằng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tháng 12-2012, TAND tỉnh Phú Thọ xử phạt Hằng 15 năm tù. Bản án này bị Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội (nay là TAND Cấp cao tại Hà Nội) tuyên hủy để điều tra, xét xử lại.

Tháng 9-2014, TAND tỉnh Phú Thọ xử sơ thẩm lần 2, tiếp tục phạt Hằng 15 năm tù. Tháng 8-2015, TAND Cấp cao tại Hà Nội xử phúc thẩm lần 2 đã hủy toàn bộ bản án sơ thẩm. Theo tòa phúc thẩm, quyết định khởi tố bị can đối với Hằng là không có căn cứ pháp luật vì chưa có quyết định khởi tố vụ án hình sự; vụ án xảy ra tại TP Việt Trì là vụ án độc lập của Hiền, không liên quan đến vụ án xảy ra tại thị trấn Hùng Sơn (Lâm Thao) mà Hằng là bị cáo…

Bị cáo Cao Thị Thu Hằng tại tòa. Ảnh: TUYẾN PHAN

Buộc tội dựa vào tờ giấy phôtô?

Tại phiên tòa ngày 8-6, bị cáo Hằng tiếp tục khẳng định mình bị oan, bởi nội dung cáo trạng chỉ là dựa vào lời khai một phía từ ông Thuật và bà Thu. Bị cáo cho biết ông Thuật chỉ đưa danh sách tên những người có nhu cầu xin việc kèm theo số tiền 10 triệu đồng để nhờ đi mua hồ sơ (mua hết 900.000 đồng). Ngoài ra bị cáo không nhận bất cứ khoản tiền hay hồ sơ nào, tờ giấy biên nhận 17 lần nhận tiền cũng không phải của bị cáo.

Bào chữa cho bị cáo, luật sư Nguyễn Văn Bình (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng cơ quan tố tụng tỉnh Phú Thọ chỉ căn cứ vào tờ giấy biên nhận phôtô để quy kết bị cáo lừa đảo của ông Thuật là không có cơ sở pháp lý. Với trường hợp bà Thu, CQĐT chỉ căn cứ vào đơn tố cáo của bà này mà không có bất cứ chứng cứ gì.

Ngoài ra, quyết định khởi tố vụ án đối với Lê Thị Minh Hiền xảy ra tại TP Việt Trì, còn quyết định khởi tố bị can đối với Hằng lại ở huyện Lâm Thao. Lẽ ra CQĐT phải ra quyết định khởi tố vụ án lừa đảo xảy ra tại huyện Lâm Thao, Phú Thọ mà người bị hại là ông Thuật và bà Thu rồi mới khởi tố bị can Hằng.

Bên cạnh đó, điều tra viên Nguyễn Mạnh Cường đã có dấu hiệu bức cung, nhục hình với bị cáo, tự ý viết thêm vào bản khai. Khi lấy lời khai của người bị hại (ông Thuật) thì có tới 5/6 bút lục lấy tại nhà riêng của ông này. Hành vi trên đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, làm sai lệch hồ sơ.

Tương tự, luật sư Trần Tuấn Anh cho rằng CQĐT và VKSND tỉnh Phú Thọ không chứng minh được Hằng chiếm đoạt của ai, bao nhiêu tiền và bằng biện pháp nào. Trong bản phôtô chỉ ghi Hằng nhận tiền nhưng không ghi nhận của ai, nhận vì mục đích gì, thế nhưng nó lại được dùng làm chứng cứ duy nhất để kết tội bị cáo. Bản kết luận giám định yêu cầu khi sử dụng bản phôtô giấy biên nhận của Hằng với ông Thuật thì phải có bản gốc để đối chiếu nhưng cáo trạng của VKSND tỉnh Phú Thọ lại không nhắc tới, thực tế cũng không có bản gốc.

Từ đó, các luật sư đề nghị HĐXX tuyên bị cáo không phạm tội như cáo trạng truy tố.

VKS đề nghị mức án 12-13 năm tù

Tranh luận lại, đại diện VKSND tỉnh Phú Thọ cho rằng việc căn cứ vào bản phôtô của tờ giấy biên nhận là do bản gốc không còn, nếu CQĐT có bản gốc có lẽ vụ án không kéo dài đến tận bây giờ.

Còn việc trong bản phôtô tờ giấy biên nhận không ghi rõ nhận tiền của ai, làm gì là bởi không ai nhận tiền để làm một việc trái pháp luật lại thừa nhận và ghi vào đó, điều này hết sức dễ hiểu. Hơn thế, VKS không chỉ căn cứ vào bản phôtô mà còn căn cứ vào lời khai của bị cáo, lời khai của những người khác để kết tội.

Về việc không khởi tố vụ án, CQĐT căn cứ vào đơn thư trước đó của các bị hại tố cáo Hiền và Hằng, quá trình điều tra thì nhận thêm được đơn của ông Thuật và bà Thu, do đó quyết định khởi tố bị can là đúng luật. Việc luật sư cho rằng cần khởi tố vụ án riêng ở huyện Lâm Thao là không đúng, bởi CQĐT khởi tố vụ án trong phạm vi tỉnh Phú Thọ, trong đó có huyện Lâm Thao.

Đại diện VKSND tỉnh Phú Thọ khẳng định dù bị cáo chối tội nhưng có đủ cơ sở kết luận bị cáo phạm tội lừa đảo chiếm đoạt của ông Thuật và bà Thu. Từ đó, Viện đề nghị tòa phạt bị cáo mức án 12-13 năm tù.

Hôm nay (9-6), tòa vẫn tiếp tục phiên xử.

Đang mang thai vẫn bị bắt tạm giam

Nói về quá trình bị bắt giam, bị cáo Cao Thị Thu Hằng tố mình bị điều tra viên đánh đập, bức cung. “Trước khi bắt, bị cáo đã khai mình đang mang thai và nuôi con nhỏ 24 tháng tuổi nhưng CQĐT vẫn bắt tạm giam. Sau khi tạm giam hai tháng, CQĐT đưa bị cáo đến siêu âm tại BV tỉnh Phú Thọ, sau đó dù biết có thai, họ vẫn tạm giam thêm một tháng nữa. Tại CQĐT, tôi phải nhận tội để cứu con tôi trong bụng” - bị cáo Hằng nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm