Nhân viên làm giả xác nhận chuyển khoản thành công, chiếm đoạt 270 triệu đồng

(PLO)- Lợi dụng sự tin tưởng của chủ quán, bị cáo nhận tiền mặt hoặc khách chuyển khoản rồi tạo thông tin chuyển khoản thành công, chiếm đoạt 270 triệu đồng.

Ngày 20-12, tại chợ Côn Đảo (huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu), TAND huyện Côn Đảo mở phiên tòa xét xử lưu động và tuyên phạt bị cáo Danh Hoàng Sơn (23 tuổi) 7 năm 6 tháng tù giam về tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Lợi dụng công nghệ để "phù phép" thông tin xác nhận chuyển khoản

Theo cáo trạng, Sơn là nhân viên phục vụ tại quán CB thuộc Khu dân cư số 8, huyện Côn Đảo do vợ chồng anh DVH (30 tuổi) làm chủ.

Nhiệm vụ của Sơn là trực bàn, bưng bê đồ ăn, nước uống phục vụ khách. Khi khách ăn xong yêu cầu tính tiền thì Sơn sẽ báo cho chủ quán. Chủ quán đưa phiếu thanh toán để Sơn đưa và thu tiền của khách. Nhận tiền xong Sơn đưa lại cho chủ quán.

Khi khách thanh toán sẽ chuyển vào số tài khoản của anh H. Khi khách chuyển xong, Sơn sẽ chụp màn hình điện thoại của họ thể hiện việc chuyển khoản thành công sau đó gửi lại hình ảnh chụp qua tài khoản zalo của vợ anh H.

Bị cáo Danh Hoàng Sơn tại phiên tòa xét xử lưu động tại Chợ Côn Đảo ngày 20-12. Ảnh: MẠNH CƯỜNG

Khách đến quán ăn đông và nhiều lần thanh toán bằng chuyển khoản nhưng vì tin tưởng Sơn nên anh H. không kiểm tra, đối chiếu lại tài khoản của mình.

Lợi dụng sơ hở này nên từ tháng 2-2023 Sơn dùng hai cách thức để chiếm đoạt tiền khách thanh toán cho chủ quán qua hai điện thoại của mình.

Cụ thể, từ ngày 19-2-2023, Sơn sử dụng điện thoại truy cập vào một trang web có tên T… và xem hướng dẫn thực hiện việc tạo các hóa đơn điện tử xác nhận chuyển khoản thành công.

Khi có khách trả tiền mặt, Sơn nhận tiền của khách và giấu luôn. Sau đó Sơn truy cập vào trang T…để làm theo hướng dẫn. Cụ thể, Sơn nhập tên tài khoản anh H. vào mục thông tin người nhận (người thụ hưởng). Tiếp đó nhập thông tin người chuyển, số tiền bằng với số tiền Sơn đã thu tiền mặt của khách và bấm xác nhận.

Sau đó, trang này tự tạo ra một hình ảnh tương tự hóa đơn điện tử xác nhận chuyển khoản thành công đến tài khoản của anh H. Sơn chụp lại màn hình và gửi qua Zalo cho vợ anh H.

Lợi dụng lòng tin của chủ quán nơi mình làm việc, Sơn đã dùng công nghệ để chiếm đoạt 270 triệu đồng. Ảnh: MẠNH CƯỜNG

Sơn sử dụng cách này nhiều lần, đến cuối tháng 5-2023 thì trang web T… bị khóa. Sơn lại tiếp tục sử dụng cách khác để “phù phép” hòng chiếm đoạt tiền của anh H.

Cụ thể, Sơn tải ứng dụng (App) của 2 ngân hàng khác nhau về điện thoại và điền thông tin 2 tài khoản đều của mình vào. Trong hai ngân hàng có một ngân hàng trùng với ngân hàng anh H. sử dụng.

Sau khi nhận tiền mặt của khách, Sơn dùng điện thoại tự chuyển tiền giữa hai tài khoản của mình và chụp lại hình ảnh. Sau đó, Sơn sử dụng phần mềm chỉnh sửa ảnh để sửa lại thông tin nhận là anh H. Khi chỉnh sửa xong, Sơn chụp hình ảnh mới tạo và gửi Zalo cho vợ anh H. để báo cáo.

Đến lần thứ 83 thực hiện thì bị phát hiện

Với các phương thức và thủ đoạn như trên, từ tháng 2-8.2023, Sơn đã 55 lần thực hiện và chiếm đoạt hơn 180 triệu đồng của anh H.

Ngoài ra, Sơn còn 28 lần nhận trực tiếp tiền mặt khách trả từ 4 nhân viên khác trong quán rồi thực hiện hành vi tương tự để chiếm đoạt số tiền hơn 90 triệu đồng của vợ chồng anh H. Những nhân viên này hoàn toàn không biết việc làm gian dối của Sơn. Đến lần cuối cùng là ngày 26-8-2023, Sơn nhận 11 triệu đồng từ một nhân viên tên D. thì bị vợ chồng anh H. phát hiện. Lần này Sơn có chuyển lại cho anh H.

Theo kết luận, Sơn đã 83 lần dùng thủ đoạn trên chiếm đoạt hơn 270 triệu đồng của chủ quán. Sau khi có tiền, Sơn dùng tiêu xài cá nhân, đóng tiền phòng trọ và phụ cha mẹ chi tiêu mua sắm đồ dùng trong gia đình.

Khi Sơn bị bắt, gia đình đã bồi thường khắc phục hậu quả số tiền còn lại Sơn lấy của anh H. là hơn 259 triệu đồng…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới