Chị Nguyễn Thị Minh Phượng (31 tuổi, trú phường Hùng Vương, quận Hồng Bàng, Hải Phòng) vừa có đơn trình báo gửi cơ quan chức năng về việc bản thân chị bị bỏng nặng do cồn khi thực hiện dịch vụ spa cho khách tại cơ sở thẩm mỹ có tên Muối Spa (tại 97 Cầu Đất, Hải Phòng).
Theo chị Phượng, trưa 22-4, chị nhận nhiệm vụ thực hiện liệu trình massage thư giãn cho nữ khách hàng tên O. Trong gói dịch vụ khách hàng lựa chọn sử dụng có kỹ thuật hỏa liệu trên lưng khách.
“Theo quy trình tại spa, khách hàng nằm úp mặt xuống giường, lưng thoa tinh dầu và được trải ba lớp khăn ẩm. Sau đó em đổ cồn trên lớp khăn, theo vùng lưng của khách. Dùng bật lửa châm, để lửa cháy trên lưng khách khoảng 17 giây sẽ dùng khăn ẩm dập” - chị Phượng cho biết.
Quá trình thực hiện, chai cồn trên tay chị Phượng cầm bén lửa, phát nổ, lửa bén vào phần mặt, cổ, cẳng tay, ngực, bụng của chị Phượng khiến chị bị bỏng nặng. Chị cố gắng kêu gào và tìm nước để dập lửa trên người nhưng chạy khắp nơi không thấy dụng cụ hỗ trợ dập lửa. Các nhân viên spa cũng không hỗ trợ giúp chị. “Chỉ một phụ nữ làm đầu bếp hỗ trợ em. Sau khi lửa được dập tắt, mọi người mới đưa em đi cấp cứu” - chị Phượng nói.
Theo các bác sĩ tại BV Việt Tiệp, chị Phượng bị bỏng nặng với trên 40% diện tích cơ thể, từ mặt đến chân. Mức độ bỏng độ 2, độ 3, độ 4, tùy thuộc vào từng vị trí bỏng. Để hồi phục các vết bỏng, các bác sĩ đã nhiều lần tiến hành cắt, nạo phần da tổn thương không thể phục hồi, sau đó cắt da lành ở đùi để ghép vào vị trí tổn thương.
PV báo Pháp Luật TP.HCM đã liên hệ với bà Đinh Thị Thu Hà (chủ cơ sở kinh doanh Muối Spa). Bà Hà xác nhận chị Phượng là nhân viên thử việc tại cơ sở này và có xảy ra việc tai nạn khiến chị Phượng bị bỏng. PV đã đề nghị chủ spa cung cấp quy trình đảm bảo an toàn cho khách hàng và nhân viên trong quá trình dùng liệu trình hỏa liệu cho khách nhưng bà Hà cáo bận.
BS Nguyễn Thành Chung, Thành hội châm cứu Hải Phòng, cho rằng hỏa liệu là một kỹ thuật được đào tạo khi theo học chuyên ngành Đông y tại các trường. “Phải là người được đào tạo về chuyên môn y học cổ truyền thì mới thực hiện được kỹ thuật này, nếu không rất dễ gặp tai nạn” - BS Chung cho biết.
Chị Phượng sau khi bị bỏng được điều trị tại BV Việt Tiệp, Hải Phòng.
Sáng 22-5, trao đổi với Pháp Luật TPHCM, bà Phạm Thu Xanh, Giám đốc Sở Y tế TP Hải Phòng, cho biết Sở đã nắm thông tin và giao cho chánh Thanh tra Sở Y tế giải quyết vụ việc. Ông Nguyễn Đình Trình, Chánh Thanh tra Sở Y tế, cho biết: “Đây là cơ sở hoạt động chỉ cần giấy phép kinh doanh, không cần cấp phép của Sở Y tế. Về mặt lao động, Sở Y tế không giải quyết, chỉ xem xét trên vấn đề chuyên môn. Góc độ chuyên môn, Sở đã kiểm tra và phát hiện cơ sở này có ba điểm sai cơ bản: Một là không có chứng chỉ kỹ thuật viên cho nhân viên hành nghề; hai là không có tủ cứu thương và ba là không có chuông báo cấp cứu”.
Các cơ quan chức năng khác như Sở LĐ-TB&XH đang làm rõ phản ánh của chị Phượng.