Nhân viên y tế cơ sở: Tuyển 35 người nhưng chỉ có 10 hồ sơ

(PLO)-  Mặc dù đăng tuyển rộng rãi nhưng có rất ít người nộp hồ sơ xét tuyển làm việc, thực trạng được Trung tâm y tế quận Bình Tân báo cáo với Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, chiều 19-7. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 19-7, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã chủ trì buổi làm việc với Quận uỷ quận Bình Tân về công tác phòng chống dịch và phục hồi kinh tế trên địa bàn quận.

Tham dự đoàn còn có Trưởng ban Tổ chức Thành uỷ TP Nguyễn Phước Lộc, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức.

Cam kết không có ca tử vong, không phát sinh ổ dịch mới: Khó!

Báo cáo với bí thư Nên, BS Trương Đình Nhẫn, giám đốc Trung tâm Y tế quận Bình Tân bày tỏ nhiều khó khăn trong công tác phòng chống dịch.

Theo BS Nhẫn, quận Bình Tân là địa bàn rộng với dân cư lên đến hơn 800.000 dân nên gặp nhiều khó khăn trong quản lý. Cụ thể, quận tập trung nhiều nơi có vật dụng chứa nước dễ phát sinh lăng quăng như nghĩa trang Bình Hưng Hòa lớn nhất TP, xen cài trong khu dân cư; nhiều dự án kéo dài nhiều năm xen cài trong khu dân cư không có ai quản lý với nhiều cỏ, rác thải rất khó dọn dẹp rải rác ở 10 phường; nhiều vựa ve chai, bãi xe rải rác rất nhiều trong khu dân cư; nhiều nhà có sân vườn, quán cà phê rộng... Bên cạnh đó, quận cũng có khoảng 200 trường học có nguy cơ bỏ sót vật chứa phát sinh lăng quăng do đang trong thời gian nghỉ hè.

“Thời gian gần đây, kiểm tra trường học gần như không còn thấy lăng quăng. Vẫn còn cơ sở tôn giáo có lăng quăng như các tượng vẫn còn đọng nước”, BS Nhẫn nêu.

BS Trương Đình Nhẫn nêu nhiều khó khăn do khó tuyển được nhân viên y tế cơ sở. Ảnh: LÊ THOA

BS Trương Đình Nhẫn nêu nhiều khó khăn do khó tuyển được nhân viên y tế cơ sở. Ảnh: LÊ THOA

Từ những đặc thù trên, quận Bình Tân đã có nhiều giải pháp để hạn chế số ca mắc sốt xuất huyết như truyền thông đến từng tổ khu phố, xử phạt điểm phát sinh lăng quăng để tái phạm. Các ban ngành đoàn thể được yêu cầu xây dựng kế hoạch truyền thông theo từng nhóm đối tượng...

Qua kiểm tra, quận Bình Tân đã ban hành được 43 quyết định xử phạt, con số cao nhất TP.

Tuy nhiên, theo BS Nhẫn, địa bàn có những điểm có lăng quăng không xử lý triệt để được như các điểm phế liệu. Bên cạnh đó, việc cam kết không có ca tử vong do sốt xuất huyết cũng rất khó.

“Có khi cả 1.000 ca mắc không có ca tử vong nhưng có khi chỉ có ca mắc đầu tiên đã tử vong. Điều này phụ thuộc vào khả năng đáp ứng bệnh, mức độ nặng nhẹ của bệnh”, - BS Nhẫn lý giải.

Ngoài ra, việc cam kết không để phát sinh ổ dịch mới cũng rất khó. BS Nhẫn nêu thực tế kiểm tra ổ dịch mặc dù có muỗi nhưng không phát hiện lăng quăng và vẫn có ca bệnh. “Người dân làm ăn, sinh hoạt không chỉ từ nhà đến cơ quan, bệnh có thể ở khu vực khác hoặc từ nơi khác đến”, - BS Nhẫn nêu.

Theo BS Nhẫn, với đặc thù địa bàn rộng, dân cư đông nhưng lực lượng y tế lại khá mỏng và chưa bao giờ trung tâm y tế tuyển được đủ người. Hiện trung tâm chỉ mới tuyển được 177 biên chế trong đó 93 người làm việc tại Trung tâm Y tế, 84 người làm việc tại các trạm y tế phường trong khi chỉ tiêu 200 biên chế. “Có người đang làm nhưng yêu cầu vào biên chế thì nghỉ luôn, chờ cơ hội khác tốt hơn. Trung tâm vừa qua xét tuyển 35 nhưng chỉ có 10 người đến nộp hồ sơ mặc dù đã đăng báo rộng rãi”, - BS Nhẫn cho hay và cho biết Sở Y tế vừa mới có quyết định tăng thêm cho trung tâm được 240 biên chế nhưng không chắc tuyển được bao nhiêu.

“Trung tâm y tế đã xây dựng kế hoạch trình Sở Y tế nhưng cũng không dám chắc xét được bao nhiêu, đến giờ này chưa có hồ sơ nào”, - BS Nhẫn nói.

Chưa bao giờ tuyển đủ người

Theo BS Nhẫn, trong thời gian này, tình hình thu nhập thấp và khối lượng công việc lớn khiến người mới không mặn mà. BS Nhẫn dẫn chứng trước đây, nhân viên có thêm nguồn thu như khám sức khỏe, chích ngừa dịch vụ nhưng giờ nhân lực phải tập trung tiêm phòng COVID-19 kể cả thứ 7, chủ nhật và làm các công việc khác như làm sạch dữ liệu tiêm phòng rất mất sức, tăng cường tiêm phòng cho trẻ em sau thời gian gián đoạn do dịch; phối hợp xử phạt; phun thuốc phòng dịch...

Đồng quan điểm với BS Nhẫn, ông Trần Hùng, trưởng phòng y tế quận Bình Tân bày tỏ: “Hơn 2 năm dịch bệnh COVID-19 dù được sự quan tâm của TP, nhưng trong đội ngũ y tế có người gục ngã, có nhiều người xin ra khỏi ngành nhưng đa phần y tế cơ sở vẫn cố gắng không để dịch chồng dịch”. Từ đó, ông Hùng đề nghị cần phải tăng cường nhân lực y tế cơ sở, cần thiết có một lực lượng đào tạo về y tế công cộng, khi dịch bệnh xảy ra có thể huy động đội ngũ này bởi họ được tập huấn chuyên môn, đáp ứng công việc.

Thiếu kinh phí chống dịch, nhân viên y tế căng kéo làm việc

Phát biểu tại cuộc họp, lãnh đạo các phường trên địa bàn quận Bình Tân đều nhìn nhận tình hình thiếu nhân viên y tế, cán bộ công chức và kinh phí để đảm bảo công việc.

Ông Nguyễn Văn Ngân, Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hoà A, cho biết đây là phường đông dân nhất TP.HCM với số dân từ 120.000 – 130.000 dân, sau khi thực hiện chính quyền đô thị, phường gặp khó khăn về kinh phí chống dịch.

Theo ông Ngân, trước khi thực hiện chính quyền đô thị, phường được bố trí nguồn kinh phí kết dư, trong đó có dùng một phần hỗ trợ cho phường chống dịch. Sau khi thực hiện chính quyền đô thị, phường không còn được cấp nguồn kinh phí này, cũng không có nguồn dự phòng để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trên địa bàn phường, khiến công tác phòng chống dịch cũng trở nên bị động.

Ông cho biết, trước đây kinh phí dự phòng bình quân mỗi phường là 500 triệu đồng, không phân biệt; đầu năm 2022 này phường đông dân hay ít dân cũng chỉ được cấp 100 triệu đồng. “Với nguồn kinh phí dự phòng này, nếu có vụ việc phát sinh mà quận chưa bố trí kinh phí thì phường chủ động, đặc biệt là trong công tác phòng chống dịch. Thậm chí hoạt động phun xịt thuốc, ra quân trong phòng chống dịch cũng cần con người, cần kinh phí hoạt động", ông Ngân cho biết.

Trong khi đó hiện phường chỉ có 35 cán bộ nhưng phụ trách 27 khu phố. Tại Trạm y tế, sau dịch có một BS xin nghỉ đến nay chưa bổ sung được. “Làm sao TP có thể kiến nghị để phường, quận có kinh phí thực hiện như trước đây để chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ” – ông Nguyễn Văn Ngân nêu ý kiến.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên chủ trì cuộc họp. Ảnh: HOÀNG LAN

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên chủ trì cuộc họp. Ảnh: HOÀNG LAN

Ông Tô Hoàng Giang, Chủ tịch UBND phường An Lạc, cho biết phường chỉ có 10 nhân viên y tế phục vụ cho 83.000 dân. “Bình thường một nhân viên y tế phục vụ cho trên 9.000 người dân, buộc nhân viên trạm y tế phải căng kéo, vừa đảm bảo tiêm vaccine, vừa phòng chống dịch sốt xuất huyết và nhiều công tác khác” – ông Giang nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm